MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đâu là sự khác biệt trong thương mại điện tử của Trung Quốc và Ấn Độ?

22-01-2020 - 19:30 PM | Tài chính quốc tế

Người sáng lập Amazon, Jeff Bezos, đã có một chuyến công tác tới Ấn Độ vào tuần trước khiến mọi người nhớ lại một câu hỏi thường được nêu ra khi thảo luận về thương mại điện tử của Trung Quốc: Còn Ấn Độ thì sao?

Nói cách khác, một thương hiệu hay một công ty quốc tế mới nổi có nên dành sự xem xét như nhau cho các cơ hội ở Ấn Độ và Trung Quốc không? Thoạt nhìn, dường như có một số lập luận tốt cho cách tiếp cận như vậy. Ấn Độ và Trung Quốc, mỗi quốc gia có dân số khoảng 1,3 đến 1,4 tỷ người. Bạn có thể tranh luận về tốc độ tăng trưởng hoặc tỷ lệ việc làm, nhưng quy mô tổng thể của dân số ở hai quốc gia này là gần như bằng nhau. Ngoài ra, rất nhiều thương hiệu Mỹ nhìn thấy một điểm thuận lợi ở Ấn Độ, đó là tiếng Anh được sử dụng rộng rãi ở đất nước này.

Mỗi công ty có một chiến lược quốc tế khác nhau, và đối với một số người, điều này có thể có nhiều ý nghĩa.

Bây giờ hãy xem xét các lập luận dành cho Trung Quốc. Thứ nhất, đó là một thị trường lớn hơn. GDP của Trung Quốc là khoảng 14 nghìn tỷ USD, còn Ấn Độ là 3 nghìn tỷ USD, theo IMF (để tham khảo thêm, con số này của Mỹ là 21 nghìn tỷ USD). Thứ hai, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ khoảng 98 tỷ USD, còn Ấn Độ chỉ nhập khẩu 31 tỷ USD (tính đến hết tháng 11 năm 2019). Thứ ba, Trung Quốc thoải mái hơn nhiều với thương mại điện tử, khi doanh số ở quốc gia này đạt 1,93 nghìn tỷ USD, gấp hơn 40 lần so với con số 46 tỷ USD của Ấn Độ, theo công ty nghiên cứu eMarketer. Và tranh luận thứ tư vừa được đưa ra trong một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, được hỗ trợ bởi Alibaba:

"Trong số những phát hiện của cuộc nghiên cứu là: việc tham gia vào thương mại điện tử có mối liên hệ tích cực với sự cải thiện phúc lợi hộ gia đình, đặc biệt là ở vùng nông thôn Trung Quốc, và những người được hưởng lợi bao gồm các bộ phận dân số dễ bị tổn thương – phụ nữ và người trẻ. Sự phát triển của thương mại điện tử, mà đã bắt đầu có hiệu quả, gắn liền với mức tiêu thụ hộ gia đình cao hơn và giảm bất bình đẳng, mang đến cho người dân ở các khu vực nông thôn sự tiện lợi, đa dạng và giá rẻ, vốn là những điều đang được người dân thành thị yêu thích".

Những quan sát này có vẻ rõ ràng và không cần giải thích thêm, ít nhất là ở Trung Quốc, nhưng ở Ấn Độ chúng có vẻ hơi gây tranh cãi. Mọi người đã bị bất ngờ trước phản ứng trái chiều mà Jeff Bezos đã nhận được trong chuyến đi đến Ấn Độ khi ông gặp phải các cuộc biểu tình, những nhóm người phản đối và không có bất kỳ cuộc họp ở cấp quản lý nào.

Vì vậy, một thực tế đáng tiếc là Trung Quốc xem thương mại điện tử là một công cụ để trao quyền cho các khu vực nông thôn, nhưng Ấn Độ lại có quan điểm khác. Điều này có thể là một hiện tượng văn hóa xã hội - một số xã hội nắm bắt công nghệ dễ dàng hơn so với những xã hội khác - nhưng nó mang những ý nghĩa thương mại quan trọng.

Đầu tư của Trung Quốc vào nông thôn có nghĩa là khu vực này của xã hội có thể ít bị bỏ lại phía sau hơn và dễ dàng tạo ra sự đồng thuận ủng hộ việc phát triển và ủng hộ công nghệ. Tuy nhiên, ở Ấn Độ, sự đồng thuận này dường như còn đang thiếu và các vấn đề công nghệ thường được xem xét theo khía cạnh "kẻ thắng, người thua", nghĩa là có một sự phản kháng lớn hơn đối với việc di chuyển nhanh hơn về công nghệ.

Trong khi Trung Quốc đón nhận công nghệ để không ai bị bỏ lại phía sau, thì Ấn Độ lại tránh xa nó vì lý do tương tự.

Tóm lại, Trung Quốc và Ấn Độ đều cho thấy các cơ hội quan trọng trong thương mại điện tử, trong đó, Trung Quốc vượt xa so với Ấn Độ. Ngoài ra, việc thúc đẩy thương mại điện tử ở nông thôn Trung Quốc cho thấy Trung Quốc sẽ vẫn nằm trên một quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới, còn Ấn Độ thì chậm hơn.

Tham khảo: Forbes

Lê Thanh Hải

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên