Đâu là thách thức Việt Nam phải đối mặt trong thu hút đầu tư nước ngoài năm 2024?
Xung đột địa chính trị thế giới, cạnh tranh trong thu hút FDI ngày càng gay gắt, đó là những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong thu hút FDI năm 2024.
- 20-01-2024Đua tiến độ trên cao tốc Bắc Nam qua địa bàn Hà Tĩnh
- 20-01-2024Xuất khẩu hàng hóa đầu năm 2024 đối diện thách thức mới
- 20-01-2024Hungary luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng nhất khu vực Đông Nam Á
Nhiều thách thức với thu hút FDI
Năm 2023, Việt Nam thu hút được 36,6 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 32% so với năm 2022. Với kết quả trên, Việt Nam được nhiều tổ chức, nhà đầu tư quốc tế đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Còn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả trên đưa vị trí, vai trò của Việt Nam trong dòng chảy FDI toàn cầu tăng lên.
Tuy vậy, bước sang năm 2024, nhiều dự báo cho rằng, thu hút FDI của Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Đồng tình với quan điểm này, chia sẻ với Báo Công Thương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá: Bước sang năm 2024, Việt Nam sẽ đối mặt với một số thách thức trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, trên thế giới, xung đột địa chính trị vẫn tiếp tục phức tạp và khó lường. Mặt khác, lạm phát toàn cầu vẫn được dự báo ở mức cao 5,8%, thậm chí cao hơn năm 2023.
Trong khi đó, các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào quốc gia lân cận để rút ngắn bớt chuỗi cung ứng. Nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản - nằm trong nhóm những quốc gia đầu tư FDI lớn nhất của Việt Nam, Hoa Kỳ và một số nước trong Liên minh châu Âu, đều đang cố gắng hạn chế đầu tư ra nước ngoài bằng cách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng cường ưu đãi đầu tư trong nước để thu hồi vốn đầu tư nước ngoài quay trở lại. Điều này cũng khiến dòng vốn FDI vào Việt Nam đối mặt với thách thức không nhỏ.
Chưa kể, “đ ồng tiền của Hàn Quốc, Nhật Bản bị mất giá 20-25% nên ảnh hưởng đến đầu tư ra nước ngoài của hai đối tác lớn nhất này ” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh và cho biết thêm: Nhiều tập đoàn đa quốc gia đang tái cơ cấu chuỗi sản xuất và hạn chế hoạt động đầu tư mới do triển vọng tăng trưởng toàn cầu suy giảm, trong khi chi phí đầu tư tiếp tục tăng cao.
Cạnh tranh trong thu hút đầu tư ngày càng khốc liệt, một số nước từ khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia với nguồn lực tốt hơn, giảm thuế hoặc hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đòi hỏi Việt Nam phải không ngừng hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, khẳng định vị trí của mình trong bản đồ đầu tư nước ngoài.
Việc các nước tiến tới áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm mất đi vai trò của những hình thức ưu đãi truyền thống như ưu đãi về thuế, đất đai… trong cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam còn tồn tại một số khâu gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, thủ tục hành chính “sau đầu tư” như đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy,…còn nhiều điểm bất cập, gây ảnh hưởng đến tiến trình thuận lợi hóa môi trường đầu tư.
Một thách thức nữa khiến Việt Nam gặp khó trong thu hút FDI năm 2024 là, các ngành cần ưu tiên thu hút, tạo sự phát triển đột phá tại Việt Nam như công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, năng lượng,… chưa có cơ chế tương xứng để thu hút đầu tư. Mặc dù một số chính sách ưu đãi đầu tư đã được ban hành song kết quả chưa đáp ứng kỳ vọng. Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt lao động, nguyên vật liệu cục bộ tại một số ngành, địa phương chưa được giải quyết triệt để dẫn đến nguy cơ gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng cục bộ trong ngắn hạn.
8 giải pháp nhằm tăng cường thu hút FDI
Từ những phân tích trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra 8 giải pháp nhằm thu hút FDI trong năm 2024 và hững năm tiếp theo.
Thứ nhất , tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách thu hút FDI phù hợp với xu hướng đầu tư toàn cầu, trong đó đặc biệt quan tâm đến các ngành, lĩnh vực có khả năng đóng góp cho quá trình xanh hóa nền kinh tế, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh , chuyển đổi số như: Năng lượng tái tạo, xử lý rác thải, phát triển đô thị xanh, nông nghiệp sạch, nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo.
Thứ hai, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là khâu thực thi các thủ tục sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan…
Thứ ba , nghiên cứu, xây dựng cơ chế đột phá liên quan đến các chính sách về tài chính, chứng khoán, tiền tệ. Tập trung xây dựng và hoàn thiện đề án Trung tâm tài chính tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng để tạo động lực đột phá và phát triển kinh tế xã hội.
Thứ tư , đẩy mạnh việc liên kết đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp cũng như đón đầu xu hướng để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong thời gian tới.
Thứ năm , hỗ trợ đồng bộ cho việc thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực có tiềm năng, tạo sự bứt phá như công nghệ cao, bán dẫn, đổi mới sáng tạo; tạo điều kiện tối đa và khuyến khích các doanh nghiệp triển khai hoạt động R&D hoặc hợp tác chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.
Thứ sáu , sớm ban hành các chính sách phù hợp để thích ứng hiệu quả, linh hoạt trước tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo niềm tin của nhà đầu tư, duy trì sự hấp dẫn của môi trường đầu tư
Thứ bảy , chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết về hạ tầng, đất sạch, năng lượng, nguồn nhân lực để thu hút những dự án đầu tư lớn, thực sự có ý nghĩa cho phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, đặc biệt các dự án trong lĩnh vực hạ tầng giao thông để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.
Thứ tám , chọn những lĩnh vực đột phá như công nghệ cao , đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, trung tâm tài chính, sản xuất chip bán dẫn, hydrogen, năng lượng tái tạo,... từ đó, định vị các tập đoàn đa quốc gia tiềm năng có công nghệ, có nguồn lực tài chính trong các lĩnh vực nên trên thông qua các kênh có tầm ảnh hưởng đến người ra quyết định đầu tư để chủ động tiếp cận, trao đổi và mời gọi đầu tư vào Việt Nam.
Công Thương