MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đâu là xung lực mới thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam - châu Mỹ?

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các nước châu Mỹ trong 8 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 69,3 tỷ USD. Con số này chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng trong bối cảnh hiện nay, mức tăng trưởng này cũng là rất tốt.

Sáng ngày 25/9, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức Diễn đàn Hợp tác thương mại và công nghiệp với đối tác châu Mỹ 2020.

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa châu Mỹ và Việt Nam không ngừng phát triển trong những năm gần đây.

Đâu là xung lực mới thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam - châu Mỹ? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải

Chỉ tính riêng 10 năm trở lại đây, giá trị thương mại hai chiều giữa hai bên đã tăng gần 3,5 lần; từ 28 tỷ USD năm 2011 đã tăng lên 96,8 tỷ USD vào năm 2019.

Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang châu Mỹ ước đạt 73,6 tỷ USD. Nhập khẩu từ châu Mỹ của Việt Nam cũng đã đạt hơn 23,2 tỷ USD.

Xét về kim ngạch thương mại của Việt Nam, châu Mỹ liên tục là châu lục đạt mức tăng trưởng thương mại cao nhất trong nhiều năm qua.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính đến hết tháng 8/2020, có 28 quốc gia châu Mỹ đầu tư vào Việt Nam với 1530 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 22,85 tỷ USD.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thỏa thuận với các nước trong khu vực châu Mỹ.

Cụ thể bao gồm: Hiệp định Thương mại Song phương với Hoa Kỳ ký kết năm 2000, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Chile (VCFTA) năm 2011, Hiệp định Thương mại với Cuba ký năm 2018, và hiện đang trao đổi khả năng đàm phán hiệp định thương mại tự do với khối thị trường chung Nam Mỹ.

Đặc biệt, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với 11 thành viên, trong đó có Canada, Chile, Peru, Mexico và Việt Nam đã được ký kết vào tháng 3/2018 và đã có hiệu lực từ ngày 14/1/2019.

Thử trưởng nhấn mạnh, đây được coi là bước ngoặt quan trọng tạo ra xung lực mới để thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư giữa Việt Nam và các nước châu Mỹ.

Việt Nam cũng đã thành lập các cơ chế đối thoại với nhiều đối tác tại khu vực như Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ (Hội đồng TIFA), các Uỷ ban liên Chính phủ, các Uỷ ban Hỗn hợp và Hội đồng Thương mại tự do với 10 nước Mỹ Latinh.

Các cơ chế này đã trở thành một kênh quan trọng để các bên trao đổi thông tin, rà soát các nội dung hợp tác và thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư.

Tại hội nghị, ông Đỗ Thắng Hải cũng chỉ ra những thách thức trong hợp tác kinh doanh giữa hai bên, điển hình như khoảng cách địa lý, chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp, sự khác biệt về ngôn ngữ và việc thiếu thông tin cập nhật về các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cũng như những thông tin về thị trường, về mặt hàng.

Đáng chú ý, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế, xã hội của Việt Nam và các nước châu Mỹ nói riêng, cũng như trên phạm vi toàn cầu của nói chung.

Do vậy, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước châu Mỹ cũng không tránh khỏi những tác động bất lợi.

Mặc dù 8 tháng đầu năm 2020, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các nước châu Mỹ vẫn đạt 69,3 tỷ USD. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại chỉ đạt 11,8%, bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2019.

Song, đại diện Bộ Công thương khẳng định, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, mức tăng trưởng này cũng đã rất tốt. 

Tuy vậy, tất cả chúng ta, kể cả về phía Việt Nam cũng như phía các nước ở châu Mỹ mong muốn hơn rất nhiều.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh. Trong tương lai, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. 

Ông Đỗ Thắng Hải đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh dự kiến sẽ còn kéo dài. Vì vậy, Việt Nam cần có những biện pháp và chính sách hỗ trợ mạnh mẽ để sớm khôi phục nền kinh tế, tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ giữa Việt Nam và các quốc gia, trong đó có các quốc gia tại châu Mỹ.

Chính phủ, Bộ Công thương cùng với hệ thống thương vụ Việt Nam và các cơ quan đại diện tại các nước châu Mỹ sẽ nỗ lực để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về thông tin thị trường, làm cầu nối với các đối tác nước ngoài, hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc, phát sinh trong quá trình thâm nhập thị trường và kinh doanh.

"Với vai trò một trong những nước duy trì được mức tăng trưởng dương trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam sẽ kiên định thực hiện tốt các cam kết quốc tế, nỗ lực thúc đẩy cải cách hành chính, hoàn thiện hệ thống luật pháp, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư để tạo dựng một môi trường kinh doanh ổn định và bền vững", Thứ trưởng kết luận.

Q.L

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên