MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nikkei: Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam sẽ ra sao khi cơ chế ưu đãi có hiệu lực từ ngày 5/10?

Trong thời gian tới, cơ chế ưu đãi trong thúc đẩy việc thành lập các startup trong lĩnh vực công nghệ thông tin và các doanh nghiệp công nghệ cao khác của Việt Nam sẽ đi vào hoạt động. Mục đích của chương trình này là thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng của đất nước giai đoạn hậu Covid-19.

Đây là cơ chế ưu đãi của Chính phủ đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được quy định tại Nghị định số 94/2020/NĐ-CP ban hành ngày 21/8/2020. Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 5/10/2020.

Theo đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất và các thủ tục hành chính thuận lợi nhất theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.

Đồng thời, các công ty startup tham gia vào lĩnh vực năng lượng sạch và sản xuất hàng hóa trung gian tham gia vào chuỗi giá trị cũng đủ điều kiện được hưởng chính sách ưu đãi này.

Nghị định được ra mắt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang bị tác động nặng nề do đại dịch. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã hạ mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay từ 5% xuống còn 2-2,5%.

Theo Nghị định, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được hưởng ưu đãi đất đai và tạo mặt bằng hoạt động. Cụ thể, Trung tâm được thuê đất trong thời hạn 50 năm trong các Khu công nghệ cao và được miễn toàn bộ tiền thuê đất cho cả thời hạn thuê.

Đối với cơ sở tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, miễn tiền sử dụng hạ tầng cho diện tích đất được thuê nằm trong khu vực phải trả tiền sử dụng hạ tầng đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật do nhà nước đầu tư; miễn toàn bộ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư; ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn bộ kinh phí san lấp mặt bằng của dự án đầu tư cơ sở Trung tâm.

Về ưu đãi thuế, các doanh nghiệp startup cũng đủ điều kiện để xin ưu đãi thuế. Cơ sở Trung tâm tại Khu Công nghệ Hòa Lạc sẽ được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10%, thay vì thuế suất thông thường 20% trong 30 năm kể từ năm đầu tiên có báo cáo doanh thu.

Ngoài ra, cơ sở này cũng được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất trong thời hạn 5 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất.

Việt Nam đã bắt đầu chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp startup từ năm 2016, với mục tiêu hỗ trợ khoảng 1.000 doanh nghiệp startup và các dự án liên quan vào năm 2020.

Tính đến ngày 31/8, khoảng 2.500 doanh nghiệp startup và các dự án liên quan đã nhận được hỗ trợ từ chương trình, với 52 công ty thu hút được tổng 900 tỷ đồng (38,6 triệu USD) từ các nhà đầu tư, bao gồm cả quỹ tư nhân và nước ngoài.

Tuy nhiên, hồi đầu năm, Thủ tướng đã chỉ ra rằng: "Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản và khả năng cạnh tranh còn kém so với các nước trong khu vực".

Trong một nghị định ban hành vào tháng 2, Thủ tướng đã kêu gọi các bộ liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nhân thành lập doanh nghiệp riêng của họ.

Chính phủ hiện đang thực hiện việc giảm bớt rào cản hành chính gây khó khăn cho các doanh nhân trong việc thành lập công ty và thu hút đầu tư. Cụ thể, từ ngày 1/1/2021, đối với các hoạt động mua bán sáp nhập nếu không dẫn đến tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài cao hơn ở một số doanh nghiệp cụ thể, các doanh nghiệp sẽ không cần xin ý kiến Thủ tướng.

Đối với các hoạt động mua bán sáp nhập làm tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong một số doanh nghiệp cụ thể và vượt quá 50% cổ phần hoặc vốn điều lệ sẽ cần xin ý kiến Thủ tướng.

Các dự án có vốn đầu tư 10 nghìn tỷ đồng (428 triệu USD) sẽ không cần Thủ tướng phê duyệt.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Đồng sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures cho biết: "Hiện nay chúng tôi đã có đầy đủ khung pháp lý và chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp startup".

Năm 2019 được đánh giá là một năm của khởi nghiệp và đầu tư công nghệ tại Việt Nam. Bà Lê Hoàng Uyên Vy nhấn mạnh, các doanh nghiệp startup trong nước đã có 123 thương vụ đầu tư, với tổng giá trị 861 triệu USD, tăng 92% so với cùng kỳ năm trước đó.

Tuy nhiên, đà tăng trường này đã mất đi trong năm nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Số tiền đầu tư thu được giảm 22%, từ 284 triệu USD vào đầu năm ngoái xuống còn 222 triệu USD trong đầu năm nay.

Lý giải về điều này, bà Vy cho rằng các biện pháp hạn chế đi lại và những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu đã làm gián đoạn các hoạt động đầu tư.

Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures do bà Vy sáng lập đã thông báo ra mắt vào hồi tháng 9, nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư vào những startup công nghệ có thể xây dựng được những sản phẩm dịch vụ mang lại sự tiện ích và nâng cao đời sống của người tiêu dùng Việt Nam và Đông Nam Á.

Cuối cùng, bà Lê Hoàng Uyên Vy kết luận: "Trong giai đoạn trước Covid-19, Việt Nam có hơn 30.000 doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực CNTT-TT, với 955.000 nhân viên. Bên cạnh đó, số lượng người dùng internet ở Việt Nam lớn thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ sử dụng thiết bị di động đứng thứ 2 và tốc độ kết nối di động trung bình nhanh thứ 2. Những yếu tố này sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp startup Việt Nam giai đoạn hậu Covid-19".

Q.L

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên