MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đau lòng khi biết nguyên nhân sâu xa, dồn đẩy hàng loạt nông dân Ấn Độ tự tử

23-08-2016 - 17:36 PM | Sống

Bần cùng không phải nguyên nhân duy nhất khiến nông dân Ấn Độ tìm đến cái chết. Sâu xa hơn là hạn hán kéo dài, mất mùa, thất thu. Cái chết của họ dường như có sự nhúng tay của cả nhân loại, bởi nếu thay đổi khí hậu không xảy ra, tình hình có thể đã khả quan hơn.

Ngày nay, nhiều nông dân Ấn Độ tìm đến cái chết như một giải pháp thoát khỏi cuộc sống bần cùng bởi nợ nần, mùa màng thất thu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chính là hạn hán kéo dài do biến đổi khí hậu.

Harsha Vadlami - nhà báo, nhiếp ảnh tự do làm việc tại thủ đô New Delhi và thành phố Hyderabad - hiểu rõ tình trạng hạn hán kéo dài nghiêm trọng của Ấn Độ. Dưới ống kính của mình, anh đã có những bức ảnh chân thực, khắc họa cuộc sống khó khăn khi thiếu nước trầm trọng tại quốc gia Nam Á này. Dưới ánh nắng như thiêu đốt, mùa màng đã cháy khô và những người nông dân chỉ biết lựa chọn con đường tự tử.


Một người đàn ông mang thùng ra đựng nước khi chiếc xe bồn mang nước đến Latur, Ấn Độ.

Một người đàn ông mang thùng ra đựng nước khi chiếc xe bồn mang nước đến Latur, Ấn Độ.

Trả lời phỏng vấn CNN, Vadlamani cho biết: “Mọi người ở đây đã quen với cuộc sống khan hiếm nước và họ biết cách đối phó với việc đó như thế nào. Tuy nhiên, 3 năm nay, tình hình ngày càng trở nên mất kiểm soát”.

Theo anh, điều buộc người nông dân phải tìm đến cái chết là do nợ nần và mất mùa nặng nề. Nhưng sâu xa hơn, nguyên nhân chính gây ra tình trạng đó là thay đổi khí hậu. Cái chết của những người nông dân Ấn Độ dường như có sự nhúng tay của cả nhân loại, tội ác do chính chúng ta tạo ra bởi: “Nếu thay đổi khí hậu không xảy ra, mọi chuyện sẽ khả quan hơn”.


Trên một ngọn đồi lớn, chỉ còn lại số ít cây đang dần chết khô vì nắng nóng.

Trên một ngọn đồi lớn, chỉ còn lại số ít cây đang dần chết khô vì nắng nóng.

Những bức ảnh của Vadlamani được chụp tại bang Maharashtra, trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5 năm nay. Bằng cách đốt nhiên liệu hóa thạch và chặt phá rừng nhiệt đới, loài người đang làm mất đi sự ổn định khí hậu, dẫn đến hệ quả nghiêm trọng. Minh chứng chính là lũ lụt tại bang Lousiana, cháy rừng tại California… Trong khi quy đổ trách nhiệm cho cá nhân, tổ chức hay quốc gia nào gây ra biến đổi khí hậu là việc làm quá khó khăn, thì rõ ràng trong 2 năm qua, tất cả thế giới đều chứng kiến khí hậu toàn cầu tiếp tục nóng lên. Chúng ta luôn lờ đi những cảnh báo về những hiểm họa loài người gây ra.

Nhà hoạt động Bill McKibben kêu gọi một cuộc chiến toàn diện chống sự thay đổi khắc nghiệt này. Ông viết, thay đổi khí hậu là cuộc chiến mà tất cả chúng ta phải đồng lòng. Trong suốt mấy thế kỷ qua, con người trở thành nô lệ của nhiên liệu hóa thạch. Chúng ta nghĩ, nguồn năng lượng đang sử dụng có giá thành rẻ, tuy nhiên “cái giá” thực sự đang nằm ở tương lai hoặc những người nghèo nhất trên thế giới sẽ nhận “cái giá” đó thay chúng ta.


Chuyến tàu vận chuyển nước từ Meraj, Ấn Độ.

Chuyến tàu vận chuyển nước từ Meraj, Ấn Độ.


Người phụ nữ cố gắng thả neo, xuống múc số nước ít ỏi trong giếng.

Người phụ nữ cố gắng thả neo, xuống múc số nước ít ỏi trong giếng.


Đây là hình ảnh các trại cung cấp thức ăn cho gia súc. Chính phủ đã mở 327 mô hình như vậy tại 3 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Beed, Latur, Osmanabad, cung cấp nước uống và thức ăn cho hơn 300.000 gia súc.

Đây là hình ảnh các trại cung cấp thức ăn cho gia súc. Chính phủ đã mở 327 mô hình như vậy tại 3 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Beed, Latur, Osmanabad, cung cấp nước uống và thức ăn cho hơn 300.000 gia súc.

Các bức ảnh và câu chuyện của Vadlamani đưa ra cái nhìn rõ nét về những hệ quả mà chúng ta gây ra: giếng ở mọi nơi cạn khô nước hoặc chỉ được làm đầy bởi những tàu chở dầu mang nước sạch tiếp tế cách đó hàng trăm kilômét. Năng suất cây trồng chỉ bằng 1/5 so với bình thường.

Vadlamani viết: "Một người phục nữ đã gục ngã trước giếng và không bao giờ có thể nhìn lại ánh mặt trời chỉ vì vật lộn tìm nguồn nước".


Deubai Disle, người phụ nữ 60 tuổi đang sảy lúa. Bà cho biết năng suất vừa qua trên 12 mẫu (tương đương 4 hécta) chỉ được 1.000kg trong khi bình thường lên đến 5.000kg.

Deubai Disle, người phụ nữ 60 tuổi đang sảy lúa. Bà cho biết năng suất vừa qua trên 12 mẫu (tương đương 4 hécta) chỉ được 1.000kg trong khi bình thường lên đến 5.000kg.


Cuộc sống khó khăn khiến nhiều gia đình di cư lên các thành phố lớn như Mumbai, Hyderabat, Pune. Trong ảnh, một gia đình tị nạn từ Nanded, Ấn Độ, họ và một số gia đình xây lều sống trong khu sân chơi tại Mumbai.

Cuộc sống khó khăn khiến nhiều gia đình di cư lên các thành phố lớn như Mumbai, Hyderabat, Pune. Trong ảnh, một gia đình tị nạn từ Nanded, Ấn Độ, họ và một số gia đình xây lều sống trong khu sân chơi tại Mumbai.

Vadlamani cho biết: “Bất cứ nơi nào tôi đến, mọi người luôn mang nước cho tôi, nước được đựng trong những chiếc chậu mà họ phải đi bộ với quãng đường dài khủng khiếp hoặc chờ đợi hàng tiếng đồng hồ từ những chiếc xe tiếp tế. Tôi cố gắng từ chối một cách lịch sự, bởi tôi hiểu, nguồn nước họ mang đến là cả một sự đấu tranh, giành giật, vất vả để có nhưng những người nông dân chất phác ấy luôn muốn dành điều tốt đẹp cho tôi”.

Vadlamani, vốn là một nhân viên IT; tuy nhiên, anh thay đổi công việc trở thành nhiếp ảnh gia vì mong muốn có cái nhìn toàn diện hơn về đất nước. Tại những vùng đất đã đặt chân qua, anh chia sẻ với người nông dân rằng khí hậu đang thay đổi bởi hành động của con người trên Trái Đất, bởi những chiếc xe thể thao đa dụng của Mỹ hay các công ty của Trung Quốc. Ấn Độ cũng là nước gây ô nhiễm, tác nhân thay đổi khí hậu xếp thứ 3 thế giới. Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ đang từng bước chuyển từ than đá sang sử dụng năng lượng sạch như năng lượng mặt trời hoặc gió. Tuy nhiên, tốc độ thực hiện chả khác gì “rùa bò".

Nhiếp ảnh gia người Ấn Độ kêu gọi: “Chúng ta không sống trên một hòn đảo. Nhưng hành động của mỗi người sẽ tác động đến cuộc sống của người khác cách xa hàng ngàn cây số. Đấu tranh vì một môi trường sống tốt đẹp hơn quả thực rất khó khăn nhưng chúng ta buộc phải đối diện”.

Nguyễn Nguyễn

CNN

Trở lên trên