MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu mùa ĐHCĐ 2017: Doanh nghiệp địa ốc ồ ạt tăng vốn đầu tư nhiều dự án mới

25-03-2017 - 10:00 AM | Bất động sản

Các chuyên gia tài chính nhận định nhiều khả năng nguồn vốn đổ vào thị trường bất động sản sẽ suy giảm từ ngân hàng thương mại và khách hàng trong thời gian tới. Các doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực huy động vốn để triển khai dự án nhằm thu hút khách hàng và thực hiện kế hoạch kinh doanh.

Và một trong nhiều cách huy động vốn của các doanh nghiệp địa ốc ở thời điểm hiện tại, đó là phát hành cổ phiếu để tăng vốn.

ĐHCĐ ngày 13/2 mới đây của CP Long Điền, 98% cổ đông đã thống nhất tăng vốn điều lệ lên 1.600 tỷ đồng. Mục đích của việc tăng vốn này nhằm đầu tư nâng cấp một số dự án khu du lịch hiện hữu và rót vốn cho các dự án khu dân cư mới tại Đồng Nai.

Tiếp đó, vào ngày 23/3 tại ĐHĐCĐ công ty CP Vạn Phát Hưng (VPH), các cổ đông đã thông qua phương án VPH sẽ phát hành thêm gần 23 triệu cổ phần để tăng vốn điều lệ thêm khoảng 226,8 tỷ đồng.

Theo đó, kế hoạch này gồm hai đợt: Đợt 1, phát hành khoảng 10,6 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 5:1, giá phát hành 10,000 đồng/cp nhằm tăng thêm vốn chủ sở hữu, đáp ứng đủ nhu cầu vốn theo quy định của các dự án hiện đã và đang triển khai, đồng thời thu về một khoản tiền đáng kể để bổ sung vốn cho các dự án mới và các hoạt động khác của công ty... Sau đợt phát hành này, dự kiến vốn điều lệ VPH tăng lên gần 636 tỷ đồng.

Số tiền thu được từ đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu khoảng 106 tỷ đồng dự kiến được sử dụng cho các mục đích đầu tư dự án Nhơn Đức mở rộng, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công và/hoặc đóng tiền sử dụng đất các dự án là 86 tỷ đồng, gồm: dự án Nhơn Đức mở rộng 30ha là 50 tỷ đồng, dự án Nhơn Đức 9.3ha là 30 tỷ đồng, dự án Chung cư Hoàng Quốc Việt: 6 tỷ đồng. Đầu tư liên danh dự án BT tại TP.HCM hoặc tái cơ cấu nợ: 30 tỷ đồng.

Số tiền tối thiểu cần thu được trong đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu là 60 tỷ đồng. Trong trường hợp Công ty không thu đủ số tiền tối thiểu như dự kiến, phương án thay thế là từ một phần tiền thu chuyển nhượng block 3,4,6 và block thương mại dự án La Casa hoặc tiền thu từ chuyển nhượng đất tại dự án Nhơn Đức hoặc huy động vốn từ nhà đầu tư bên ngoài hoặc/và vay vốn từ các ngân hàng.

Tiếp đó trong đợt 2, phát hành tăng vốn điều lệ cho cổ đông hiện hữu khoảng 120,8 tỷ đồng với tỷ lệ 100:19 bằng hình thức chia cổ tức 15% bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối và thưởng cổ phiếu 4% từ các nguồn vốn khác của Công ty. Tổng số lượng cổ phần dự kiến phát hành đợt 2 là hơn 12 triệu cổ phiếu.

Mới đây nhất, ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (DXG) vừa ký nghị quyết thông qua việc tăng vốn điều lệ của Tập đoàn từ hơn 2.530 tỉ đồng lên gần 3.033 tỉ đồng.

Đợt tăng vốn lần này sẽ thực hiện theo từng giai đoạn. Giai đoạn 1, DXG sẽ phát hành gần 33 triệu cổ phiếu để thanh toán cổ tức năm 2016 với tỷ lệ 13%. Vốn điều lệ tăng thêm tương ứng khoảng 329 tỉ đồng. Ở giai đoạn 2, công ty tiếp tục phát hành hơn 14,3 triệu cổ phần tạm ứng cổ tức năm 2017 và 3 triệu cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên trong doanh nghiệp – ESOP. Tổng vốn điều lệ tương ứng tăng thêm sau giai đoạn này gần 173 tỉ đồng.

Như vậy từ năm 2015 đến nay, vốn điều lệ của Đất Xanh đã tăng gấp 4 lần, từ 750 tỉ đồng lên hơn 3.000 tỉ đồng. Đây là hệ quả tất yếu của việc Đất Xanh liên tục mở rộng quỹ đất, M&A các dự án bất động sản lớn ở vùng ven TP.HCM.

Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) tới đây sẽ trình Đại hội đồng cổ đông kế hoạch phát hành gần 32 triệu cổ phần cho các cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 2:1 nhằm huy động vốn cho hoạt động kinh doanh sắp tới cũng như nâng cao năng lực tài chính.

Giá chào bán dự kiến bằng với mệnh giá, chưa bằng ½ giá trị sổ sách tại ngày 31/12/2016 (giá trị sổ sách đạt 21.299 đồng/cổ phần). Ước tính NBB sẽ thu về khoảng gần 320 tỷ đồng nếu đợt phát hành thành công.

Tại ĐHCĐ mới đây của CEO Group, các cổ đông công ty này cũng đã nhất trí thông qua kế hoạch phát hành 51 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn lên 1.544 tỷ đồng.

Số tiền dự kiến thu được là 514,68 tỷ đồng sẽ được dùng để đầu tư vào các dự án khả thi của Công ty 357,8 tỷ đồng (gồm đầu tư vào Dự án Sonasea Residences - Phú Quốc 90 tỷ đồng, đầu tư vào dự án Sunny Garden City 100 tỷ đồng và đầu tư 167,8 tỷ đồng vào dự án River Silk City giai đoạn II+III); góp vốn vào các Công ty con 66,88 tỷ đồng; còn lại 90 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia tài chính, thị trường BĐS năm 2017 vẫn cần nhu cầu vốn rất lớn. Trong nguồn vốn đầu tư vào thị trường địa ốc, thì khoảng 95% đến từ trong nước, nguồn vốn FDI chỉ chiếm khoảng 3-5%, điều này đang gây áp lực vốn lớn cho thị trường.

Các chuyên gia cũng đánh giá, trước bối cảnh nguồn tín dụng đang bị siết chặt, một nguồn vốn BĐS được kỳ vọng rất lớn là các doanh nghiệp buộc phải phát hành cổ phiếu ra bên ngoài nhằm tăng nguồn vốn cho chiến lược mới.

Nguyên Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên