MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đâu rồi những ngân hàng nông thôn lên thành thị?

21-06-2016 - 20:42 PM | Tài chính - ngân hàng

Sau đúng một thập kỷ và trải qua cuộc đại phẫu của đề án tái cấu trúc giai đoạn 2011-2015, nhiều thương vụ sáp nhập diễn ra, vài ngân hàng đã biến mất và hàng loạt ngân hàng yếu kém được xử lý dứt điểm,... Thị trường đã được sắp xếp lại theo một trật tự mới.

Hành trình lột xác - một bước lên tiên

Trong những năm 2006-2008, trào lưu chuyển đổi NHTM nông thôn lên NHTM thành thị đã diễn ra ồ ạt. Đặc biệt sau khi làn sóng thành lập ngân hàng mới bị chặn lại vào giữa năm 2006, nhiều tổ chức có ý định thành lập ngân hàng đã nhanh chóng trở thành cổ đông của các NHTMCP nông thôn rồi bổ sung nguồn lực để chuyển thành ngân hàng đô thị.

Năm 2006, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nguyên tắc cho phép Ngân hàng TMCP nông thôn Hải Hưng - ngân hàng nông thôn đầu tiên được chuyển đổi sang mô hình ngân hàng đô thị. Ngân hàng nông thôn Hải Hưng (Hải Dương) được cấp giấy phép thành lập ngày 30/12/1993 với vốn điều lệ là 17,2 tỷ đồng. Sau khi chuyển đổi tên gọi mới của Ngân hàng Hải Hưng là Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank).

Tiếp sau đó, những cái tên ngân hàng nông thôn cũng nối tiếp biến mất và gắn mác "đô thị". Cụ thể, Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank); Ngân hàng TMCP Nông thôn Ninh Bình đổi thành Ngân hàng TMCP Toàn Cầu (GPBank); Ngân hàng TMCP Nông thôn Sông Kiên đổi thành Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank), Ngân hàng TMCP Đại Tín được chuyển từ Ngân hàng TMCP nông thôn Rạch Kiến, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội chuyển từ Ngân hàng TMCP Nông thôn Nhơn Ái...

Trên thị trường, thay vì những cái tên "nông thôn", người ta chỉ còn biết đến nào ABBank, SHB, NaviBank, GPBank, KienlongBank, TrustBank, rồi WesternBank, DaiABank, PGBank, MekongBank.

Chính làn sóng chuyển đổi nói trên đã làm cho tổng số ngân hàng thương mại tăng “nóng” lên 35 ngân hàng.

Cùng với số lượng tăng, vốn điều lệ của các ngân hàng cũng buộc phải tăng theo quy định của Nghị định số 141/2006/NĐ-CP là đến cuối năm 2010 vốn pháp định tối thiểu phải ở mức 3.000 tỷ đồng. 11 ngân hàng nông thôn - những ngân hàng trước đây tưởng chừng như đã giải thể, nay đã được các tập đoàn kinh tế lớn đổ vốn và nâng cấp thành ngân hàng đô thị, mở rộng quy mô, mạng lưới hoạt động. Từ quy mô vốn chỉ vài tỷ đồng, những ngân hàng này đã được tăng vốn một cách chóng mặt chỉ trong vài năm, lên vài nghìn tỷ đồng thậm chí ngót nghét 10 nghìn tỷ như SHB hiện nay.

Hành trình những ngân hàng gốc nông thôn lớn nhanh như thổi bắt đầu từ đó!

Còn lại gì sau "cơn mưa"?

Sau đúng một thập kỷ và trải qua cuộc đại phẫu của đề án tái cấu trúc giai đoạn 2011-2015, nhiều thương vụ sáp nhập diễn ra, vài ngân hàng đã biến mất và hàng loạt ngân hàng yếu kém được xử lý dứt điểm,... Thị trường đã được sắp xếp lại theo một trật tự mới.

Trải qua những cuộc bể dâu, trong số các ngân hàng nông thôn xưa, nay chỉ có 3 ngân hàng là ABBank, SHB, KienLongBank vẫn hoạt động theo định hướng, hình thức pháp lý ban đầu. Và duy chỉ SHB là cái tên nổi bật nhất khi đang nỗ lực đứng trong top 5 của thị trường.

Số còn lại đều phải tái cơ cấu mạnh mẽ: Navibank đã được tái cơ cấu và đổi chủ thành Ngân hàng Quốc dân (NCB); Các ngân hàng như PGBank, MekongBank, DaiABank, WesternBank phải hợp nhất, sáp nhập với ngân hàng khác để tồn tại. Riêng 3 ngân hàng OceanBank, GPBank, VNCB (được đổi tên từ TrustBank sau khi Tập đoàn Thiên Thanh mua lại) bị NHNN mua lại toàn bộ cổ phần với giá... 0 đồng. Và chính nhờ cuộc "đại phẫu" tái cơ cấu này, số đơn vị quốc doanh do NHNN sở hữu 100% vốn lên con số 4, thay vì duy nhất là Agribank trước đây.

Các ngân hàng trên cơ bản đã được xử lý xong, nhưng trường hợp của WesternBank vẫn còn được chú ý. Sau khi sáp nhập với Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC), ngân hàng mới được đổi tên thành PVcomBank với tổng tài sản đạt gần 100 nghìn tỷ đồng, vốn điều lệ 9 nghìn tỷ đồng, cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (chiếm 52%) và cổ đông chiến lược Morgan Stanley (6,7%). Song mới đây, PVcomBank cho biết sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020 sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận ngày 10/3/2016, NHNN sẽ tiếp nhận đại diện chủ sở hữu phần vốn của PVN tại PVcomBank sau khi hoàn thành Đề án tái cơ cấu PVcomBank.

Khép lại thời kỳ sốt nóng, hệ thống ngân hàng thay đổi để hội nhập

Tân Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhấn mạnh, trong bất kỳ nền kinh tế nào, hệ thống tài chính ngân hàng luôn đóng vai trò là cầu nối và chất xúc tác hỗ trợ cho phát triển kinh tế. Vị tư lệnh ngành ngân hàng nhìn nhận, sau 5 năm cải cách, bức tranh toàn cảnh của toàn hệ thống đã được đổi thay tích cực và trong giai đoạn cải cách mạnh mẽ sắp tới mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu cùng các ngân hàng trong nước.

Đây cũng chính là nguyện vọng của một số ngân hàng hiện nay khi muốn mở rộng hợp tác với các đối tác nước ngoài. Cùng sự hậu thuẫn của các cổ đông là các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội – Geleximco, Maybank - ngân hàng lớn nhất Malaysia, và Tổ chức tài chính quốc tế - IFC (trực thuộc Ngân hàng Thế giới), ABBank hiện muốn nới room cho khối ngoại lên 49%. SCB cũng muốn bán vốn trên 50% cho nhà đầu tư nước ngoài.

Chỉ trong vòng 10 năm qua, thị trường đã chứng kiến sự bùng nổ về số lượng các ngân hàng, sự lớn mạnh đột biến rồi sau đó là thanh lọc. Đến nay, thời kỳ sốt nóng của hệ thống ngân hàng đã khép lại và năm 2016 sẽ là năm bản lề mở ra một thập kỷ khác - một câu chuyện khác của cơ chế thị trường mở cửa, là sự hanh thông với thời kỳ hội nhập bắt đầu từ đây.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên