Đầu tàu kinh tế 'cài số lùi' tăng trưởng và điều hy hữu chưa từng xảy ra
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên gọi mức tăng trưởng kinh tế 0,7% trong quý I vừa qua là "trận thua đậm". Chuyên gia kinh tế cho rằng "sức khỏe" của doanh nghiệp có quyết định quan trọng tới vấn đề tăng trưởng, tuy nhiên doanh nghiệp đang thực sự khó khăn.
- 05-04-2023Tỉnh sẽ lên thành phố trực thuộc TW vào 2030, được loạt "ông lớn" Vingroup, Sun Group... đầu tư đang có tình hình kinh tế ra sao?
- 05-04-2023Tỉnh mới nhất có sân bay vào quy hoạch, nền kinh tế nhiều khởi sắc
- 05-04-2023‘Hiện tượng lạ’ đang diễn ra với kinh tế Việt Nam
Vì sao tăng trưởng lẹt đẹt?
Nhìn vào biểu đồ tăng trưởng tổng sản phẩm địa bàn (GRDP) của các tỉnh thành vào quý I có thể thấy, điều đáng lưu tâm là một loạt địa phương có tăng trưởng âm. Trong đó, Bắc Ninh - 11,85%, Quảng Nam - 10,88%, Bà Rịa Vũng Tàu - 4,75%, Vĩnh Phúc -2,47%, Quảng Ngãi -1,07% hoặc mức tăng nhưng không đáng kể như TPHCM 0,7%, Bình Dương 1,15% và Đồng Nai 3,25%, Long An 3,8%.
Một chuyên gia kinh tế bình luận, Hải Phòng là trường hợp hiếm hoi với mức tăng 9,65% khi nhìn vào hàng loạt thành phố lớn, trung tâm sản xuất công nghiệp của Việt Nam.
Trong khi đó, Bí thư Thành ủy TPHCM gọi mức tăng trưởng kinh tế 0,7% trong quý I là "trận thua đậm". “Vậy điều gì đang xảy ra? Chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc, xác định, hành động quyết liệt để sớm thoát khỏi tình trạng này, tiếp tục vươn lên”, lãnh đạo TPHCM - nơi có mức tăng rất thấp đặt vấn đề.
Trao đổi với Tiền phong, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, việc đại đa số những đầu tàu tăng trưởng kinh tế của cả nước từ trước đến nay lại bất ngờ tăng trưởng chậm lại, thậm chí thụt lùi là "rất quan ngại".
Theo ông Ánh, TPHCM, Cần Thơ, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… vốn là trung tâm công nghiệp, trung tâm dịch vụ, trung tâm xuất khẩu đồng thời có tốc độ đô thị hóa cao và quy mô dân số cũng như kinh tế lớn.
Lý giải về nguyên nhân khiến một loạt địa phương có mức tăng trưởng âm hoặc tăng rất thấp, ông Ánh cho rằng có thể nhìn vào số liệu một số ngành công nghiệp chủ lực của các tỉnh thành đó.
Ông Ánh dẫn chứng, Bắc Ninh - ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học vốn là chủ lực gặp khó. Ở Quảng Ngãi, khó khăn của doanh nghiệp thép cũng tác động đến GRDP của tỉnh...
Vị chuyên gia cho rằng, "sức khỏe" của doanh nghiệp có quyết định quan trọng tới vấn đề tăng trưởng, tuy nhiên doanh nghiệp đang thực sự khó khăn.
“Một hiện tượng hy hữu chưa từng xảy ra ngay cả trong những giai đoạn kinh tế khó khăn nhất, đó là số doanh nghiệp rời khỏi thị trường hàng tháng lên tới trên 20.000, cao hơn nhiều so với con số tương ứng bình quân mấy năm gần đây”, ông Ánh nói.
Theo ông Ánh, tổng số doanh nghiệp cả nước không những không tăng mà còn sụt giảm và mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 "ngày càng trở nên xa vời". Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, số rút lui khỏi thị trường là hơn 60.000 doanh nghiệp, trong khi số gia nhập và tái gia nhập thị trường chỉ gần 57.000.
Nhìn nhận trên bình diện nền kinh tế nói chung, ông Vũ Đình Ánh đặt vấn đề: Cả hai động lực tăng trưởng là công nghiệp và xuất khẩu đều suy thoái ngay cả khi không có cú sốc lớn nào trên thị trường trong, ngoài nước. Cụ thể, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp giảm 0,82% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%; sản xuất công nghiệp cũng giảm 2,2% trong khi cùng kỳ năm 2022.
“Trong quý I, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4% thực sự gây bất ngờ. Vì ngay cả trong giai đoạn chịu tác động mạnh của COVID-19 với sự gián đoạn của hầu hết các yếu tố sản xuất công nghiệp, cả các yếu tố đầu vào lẫn đầu ra thì lĩnh vực công nghiệp, trong đó cả công nghiệp chế biến chế tạo vẫn tăng trưởng và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, bù đắp cho sự suy giảm của khu vực dịch vụ”, ông Ánh băn khoăn.
Giải bài toán tăng trưởng
Chia sẻ với Tiền phong, GS.TSKH. Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới - nhìn nhận, trong quý I vừa qua, khu vực công nghiệp suy giảm do cả ba ngành công nghiệp quan trọng là khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất và phân phối điện đều tăng trưởng âm (lần lượt là -5,6%, -0,37% và -0,32% - PV).
Ông Lược cho biết, Quảng Nam có mức tăng trưởng âm -10,9%, gần như “đội sổ” trong bảng GRDP cả nước. Nguyên nhân chủ yếu có thể thấy do ngành sản xuất, lắp ráp ô tô chủ lực của địa phương này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong khi đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng gặp khó khăn khi ngành chủ lực như khai thác dầu khí vẫn tiếp tục giảm 9,96% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hay như các nơi khác như TP.HCM, Bắc Ninh, Bắc Giang… vốn có thế mạnh rất lớn với sự tập trung của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đối mặt với sự khó khăn khi sụt giảm đơn hàng.
“Kinh tế thế giới khó khăn, cầu giảm, Việt Nam là nước có độ mở cao, xuất khẩu lớn, khó tránh khỏi”, ông Lược nói và cho rằng ở nhiều địa phương có tình trạng “cán bộ sợ sai không dám làm”, các vấn đề pháp lý ách tắc, bất động sản "đóng băng”…
Theo ông Lược, nguyên nhân kéo tăng trưởng suy giảm đến từ cả khách quan lẫn nội tại.
“Một TP năng động, phát triển như TPHCM còn sụt giảm nghiêm trọng nên không quá lạ hay bất ngờ với những gì ở các khu trung tâm sản xuất công nghiệp khác… Vừa qua có rất nhiều doanh nghiệp phá sản, sa thải người lao động, hoạt động cầm chừng, trung tâm thương mại vắng vẻ… Những khó khăn ấy phần nào đã thể hiện qua các số liệu thống kê", ông Lược nêu rõ.
Khi bàn về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du - Đại học Fulbright - đã nhấn mạnh đến vấn đề tháo nút thắt động lực và tâm lý làm việc của đội ngũ cán bộ.
Theo vị chuyên gia, cần sớm có các cơ chế, đề xuất bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm song song với cuộc chiến chống tham nhũng. Cả Trung ương và các địa phương cần chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án cũng như hoạt động kinh doanh hiện hữu của doanh nghiệp, trong đó nguồn vốn là yếu tố hết sức quan trọng.
Tiền phong