Đấu thầu nhập đường, rồi sao nữa?
Các doanh nghiệp kỳ vọng cơ chế đấu thầu hạn ngạch nhập khẩu đường sẽ tạo sân chơi bình đẳng và là cơ hội để người dân mua đường giá rẻ hơn.
Thông tư 07/2016/TT-BCT của Bộ Công Thương ban hành ngày 29-6 cho phép các thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện được tham gia đấu thầu hạn ngạch thuế nhập khẩu 85.000 tấn đường. Theo đó, hạn ngạch thuế nhập khẩu đường sẽ được tổ chức đấu giá công khai chứ không phân bổ theo kiểu xin - cho như những năm qua.
Kỳ vọng hạ nhiệt giá đường
Ngay sau khi Thông tư 07 ban hành, các doanh nghiệp (DN) sản xuất đường và sử dụng đường đã tính toán phương án tham gia đấu thầu, đồng thời chờ đợi hướng dẫn cụ thể của Bộ Công Thương về cơ chế, phương thức, thủ tục… đấu thầu.
Đại diện Hiệp hội Mía đường (VSSA) cho rằng lâu nay, hạn ngạch thuế nhập khẩu đường được Bộ Công Thương phân bổ về các DN theo cơ chế xin - cho, không rõ ràng, gây bất bình đẳng giữa các DN đường. Nhà nước chuyển sang hình thức đấu thầu sẽ tạo sân chơi bình đẳng, công khai cho các DN mía đường. Các DN sử dụng đường làm nguyên liệu chính trong sản xuất cũng mong muốn qua đấu thầu sẽ mua được lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch nhiều hơn, giảm chi phí sản xuất.
“Trước nay, các công ty lớn như Vinamilk, Phạm Nguyên… được cấp hạn ngạch nhập khẩu đường nhưng số lượng hạn chế, không đủ phục vụ nhu cầu sản xuất. DN phải mua thêm đường của các nhà máy trong nước hoặc đàm phán với đối tác nhập khẩu khác với giá cao hơn ít nhất 20% so với nhập theo hạn ngạch” - đại diện VSSA dẫn chứng.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, từ đầu năm 2016 đến nay, mặt hàng đường trong nước liên tục tăng giá, mức tăng bình quân 10%-15% so với đầu vụ và tăng 20%-30% so với cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của tình hình nắng nóng, hạn mặn nên sản lượng mía mùa vụ 2015-2016 giảm gần 200.000 tấn, tương đương khoảng 10% so với niên vụ trước. Song song đó còn có hiện tượng găm hàng của một số công ty thương mại, nhà máy.
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong kỳ vọng việc cho đấu thầu hạn ngạch thuế nhập khẩu đường sẽ có tác động tích cực, giúp giảm giá đường. “Ngoài lượng đường sản xuất trong nước, Việt Nam vẫn đang là vùng trũng tiêu thụ đường nhập lậu (nhiều nhất là từ Thái Lan), thị trường còn tiếp nhận 50.000 tấn đường Hoàng Anh Gia Lai nhập từ Lào về nên Bộ Công Thương sẽ cân đối lượng đường đấu thầu sao cho phù hợp với thị trường. Tuy nhiên, thà cho nhập ít một chút còn hơn quá nhiều sẽ gây thiệt hại cho thị trường trong nước” - ông Phong nhận xét.
Tính lại bài toán cạnh tranh
Theo TS Nguyễn Minh Phong, lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có mía đường, sẽ mở cửa dần theo lộ trình hội nhập, thuế nhập khẩu đường sẽ giảm mạnh trong tương lai gần. Vì vậy, việc làm cấp thiết hiện nay là phải xây dựng chính sách hỗ trợ để ngành đường tăng sức cạnh tranh. Quan trọng nhất là các công ty mía đường phải chủ động tăng tính cạnh tranh thông qua việc hợp tác với nông dân giảm giá thành sản xuất, xây dựng chuỗi cung ứng hợp lý và tránh độc quyền giá.
Trong một thời gian dài, ngành mía đường dựa quá nhiều vào sự bảo hộ của nhà nước mà không chủ động đầu tư bài bản. Ông Trịnh Trung Châu, người có nhiều năm gắn bó với ngành mía đường, cho hay lâu nay, các DN mía đường luôn “kêu” sức cạnh tranh của ngành yếu từ khâu nguyên liệu mía, so sánh DN Thái Lan mua mía nguyên liệu giá trên 500.000 đồng/tấn, trong khi tại Việt Nam xấp xỉ 1 triệu đồng/tấn nên giá thành sản xuất giữa hai bên chênh lệch cao, khó cạnh tranh.
“Thay vì “kêu” như vậy và dồn hết thiệt thòi về cho nhà nông, các DN có thể đầu tư bài bản, bắt tay với nông dân và các nhà khoa học để nâng cao năng suất cây mía, nâng dần sức cạnh tranh” - ông Châu nhìn nhận.
Một chuyên gia trong ngành mía đường cũng cho rằng không còn cách nào khác là DN phải đầu tư vào cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào tưới tiêu, phân bón, liên kết với nông dân xây dựng những vùng nguyên liệu lớn để tăng năng suất mía và năng suất đường; tiến tới tự chủ nguồn cung ứng đường cho tiêu dùng trong nước với giá hợp lý.
Người lao động