Dầu thô trượt giá, nhà đầu tư hoang mang
Dầu thô tiếp tục trượt giá hôm thứ Hai mặc dù theo thông tin trước đó, OPEC ủng hộ việc kéo dài cam kết cắt giảm do các nhà đầu tư lo ngại tình trạng trữ lượng dầu thô Mỹ vẫn không ngừng tăng.
- 17-03-2017Giá dầu giảm do tin bất lợi từ Mỹ
- 16-03-2017Giá dầu tăng vọt do Fed công bố nâng mức lãi suất
- 15-03-2017Dầu xuống dưới 50 USD/thùng, hãy chuẩn bị cho "cách mạng đá phiến" lần 2!
Theo đó, kết phiên giao dịch hôm thứ Hai (20/3) giá dầu Brent dừng lại ở mức 51,63 USD/thùng, giảm 13 cent. Trong khi đó, giá dầu WTI kỳ hạn được giao dịch ở mức 48,22 USD/thùng, giảm 56 cent.
Giới phân tích cho biết, mức độ lạc quan về giá dầu sẽ tăng của các nhà đầu cơ tiếp tục giảm sút do Mỹ không ngừng tăng cường các hoạt động khai thác dầu, phá vỡ nỗ lực của OPEC trong việc cắt giảm trữ lượng dầu thừa trên thị trường.
Theo số liệu mới nhất của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes Inc cho biết tổng số lượng dàn khoan cùa Mỹ đã tăng thêm 14 dàn lên 631 dàn vào hôm thứ Năm (17/3), mức cao nhất kể từ tháng 9/2015. Động thái này khiến nhiều người lo ngại rằng sản lượng dầu đá phiến trong tháng Tư sẽ được đẩy lên mức cao nhất trong vòng sáu tháng.
Hiện tại sản lượng dầu đá phiến Mỹ đã tăng quá 9,1 triệu thùng/ngày từ mức dưới 8,5 triệu thùng/ngày tháng Sáu năm ngoái.
Nhiều người quan ngại rằng việc Mỹ liên tục tăng sản lượng sẽ làm cho hiệu quả của việc cắt giảm giữa OPEC và các nước thành viên OPEC không cao.
Kèm theo đó, việc một số nước ngoài OPEC bắt đầu tăng lượng dầu cung ứng khiến các chuyên gia phân tích tại J.P. Morgan cắt mức dự báo cặp giá dầu Brent- WTI trong năm 2017 và 2018 lần lượt xuống còn 55,75 USD/thùng, 53,75 USD/thùng (2017) và 55,5 USD/thùng, 53,5 USD/thùng (2018).
Trong một diễn biến khác quốc gia dẫn đầu OPEC- Ả-rập Saudi vẫn đang tiếp tục tuân thủ cam kết. Dữ liệu chính thức cho thấy lượng dầu thô xuất khẩu trong tháng Một của quốc gia này giảm khoảng 300.000 thùng.
Năm ngoái, các nước thành viên OPEC và ngoài OPEC trong đó có Nga cam kết cắt giảm khoảng 1,8 triệu thùng/ngày trong sáu tháng đầu năm 2017. Trong đó, OPEC đăng ký cắt giảm 1,2 triệu thùng/ngày và 558.000 thùng/ngày đối với các nước ngoài OPEC.
Ả-rập Saudi dẫn đấu các quốc gia trong việc tuân thủ hiệp định với mức cắt giảm vượt cam kết. Trong khi đó, tỷ lệ tuân thủ của 11 nước ngoài OPEC là 64%.
Mặc dù OPEC tuân thủ rất nghiêm túc cam kết nhưng vẫn không đủ để bù lại lượng dầu Mỹ liên tục tăng lên mức kỷ lục trong thời gian qua.
Người đồng hành