MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu tư 16 tỷ USD, vì sao một ngành của Mỹ vẫn “tụt hậu” so với Trung Quốc?

05-01-2024 - 16:30 PM | Tài chính quốc tế

Rót 16 tỷ USD để đầu tư, nâng cấp một ngành quan trọng, Mỹ kỳ vọng sẽ mang lại những hiệu quả tích cực cho toàn bộ nền kinh tế của quốc gia này.

Ngành quan trọng này chính là đường sắt. Dù đứng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực, nhưng ngành đường sắt của nước Mỹ lại bị tụt hậu khá xa so với các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản. Gần đây nhất, ngày 6/11/2023, trong một bài phát biểu ở bang Delaware, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo về quỹ đầu tư mới trị giá tới 16 tỷ USD nhằm mục đích hiện đại hóa 25 tuyến đường sắt chở khách thuộc mạng lưới vận tải của khu vực Đông Bắc.

Vùng Đông Bắc là một nơi có hoạt động kinh tế sôi nổi ở Mỹ. Theo Tổng thống Mỹ Joe Biden, khu vực Đông Bắc chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội của nước Mỹ. Do đó, nếu những tuyến đường sắt ở khu vực này bị ngừng lại thì sẽ khiến Mỹ chịu thiệt hại tới 100 triệu USD/ngày. Trong khi đó, những chuyến tàu tại đây phải chạy qua các cây cầu, đường ngầm đã được xây dựng từ hơn 100 năm trước. Vì vậy, việc nâng cấp được kỳ vọng sẽ giúp giảm được 4.000 giờ trễ chuyến mỗi năm cho ngành đường sắt của nước Mỹ.

Đầu tư 16 tỷ USD, vì sao một ngành của Mỹ vẫn “tụt hậu” so với Trung Quốc? - Ảnh 1.

Một chuyến tàu Amtrak tại Stamford, tiểu bang Connecticut (Mỹ), ngày 28/8/2023. Ảnh: Getty Images

Trên thực tế, các chuyên gia cho biết, Trung Quốc có mạng lưới đường sắt cao tốc nhanh và lớn nhất trên thế giới. Quốc gia tỷ dân có hơn 40.434 km đường sắt cao tốc và có nhiều tuyến đường đang được xây dựng. Trong khi đó, tàu viên đạn Shinkansen của Nhật Bản nổi tiếng khi đạt tốc độ lên tới 322 km/h và trở thành trụ cột của giao thông nội địa.

Còn ở Mỹ, khi nhắc đến đường sắt, nhiều người sẽ liên tưởng ngay tới Amtrak, công ty nổi tiếng vận hành mạng lưới đường ray tại 46/48 tiểu bang. Tuy nhiên, những chuyến tàu của công ty này có hạn chế là giá vé cao và thường xuyên bị chậm giờ chạy tàu, đến muộn hơn so với lịch trình. Các chuyên gia đánh giá, trễ chuyến thực sự trở thành vấn đề lớn của ngành đường sắt nước Mỹ. Hơn nữa, ở Mỹ cũng không có tàu hay đường sắt cao tốc.

Vậy, câu hỏi đặt ra rằng, vì sao Mỹ không xây dựng và phát triển đường sắt cao tốc giống như Trung Quốc?

Vì sao Mỹ "chậm chân" phát triển đường sắt cao tốc so với Trung Quốc?

Đầu tư 16 tỷ USD, vì sao một ngành của Mỹ vẫn “tụt hậu” so với Trung Quốc? - Ảnh 2.

Ngành đường sắt ở Trung Quốc ngày càng phát triển so với nước Mỹ. Ảnh: Techhq

Trước khi đầu tư 16 tỷ USD, Mỹ không hào hứng với việc xây dựng hệ thống đường sắt. Trên thực tế, năm 1827, Mỹ rơi vào thời kỳ "cuồng" đường sắt. Đường sắt được xây trên khắp nước Mỹ, nối liền các thành phố và khu vực lớn. Lúc bấy giờ, Mỹ tìm cách xây hàng nghìn km đường sắt phục vụ giao thông và chở hàng. Đến ngày nay, chúng vẫn còn được sử dụng. Tất cả đều rất tuyệt vời cho đến thập niên 1950, khi các công ty bắt đầu phát triển nhanh chóng, thông qua việc ra mắt và quảng cáo những mẫu xe giá rẻ dành cho tầng lớp trung lưu ở Mỹ.

Cùng với ngành công nghiệp dầu khí, họ vận động chính phủ để nhiều người dân sở hữu xe hết mức có thể. Vào thập niên 1950, Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower đã ký điều luật giúp tạo ra hệ thống xa lộ liên tiểu bang, thông qua việc phân bổ 25 tỷ USD để xây dựng 65.983 km đường cao tốc. Do đường sá tốt và an toàn hơn nên mọi người bắt đầu mua xe. Mặt khác, vì những quảng cáo xe hơi ở thời kỳ đó nên mọi người đổ xô đi mua xe, khiến dẫn dần tàu hỏa không còn thịnh hành.

Tương tự, máy bay cũng như vậy. Máy bay nhanh và dễ tiếp cận hơn cho hành trình đường dài. Trong thập niên 1960, Mỹ từ quốc gia cung cấp dịch vụ đường sắt sang nước phụ thuộc vào xe hơi. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người Mỹ ghét tàu hỏa. Theo các chuyên gia, có tới 63% người Mỹ cho biết, họ sẽ sử dụng đường sắt cao tốc nếu thuận tiện. Tỷ lệ này tăng tới 67% khi họ nghe giá vé đường sắt cao tốc rẻ hơn máy bay.

Hiện nay, lựa chọn duy nhất của người Mỹ khi đi tàu hỏa là Amtrak. Nhưng tốc độ tàu chạy trung bình giữa New York và Boston chỉ khoảng 113 – 120 km/h. Ngay cả con tàu nhanh nhất của nước Mỹ ở dọc hành lang đông bắc cũng chỉ đạt tốc độ là 241 km/h, vẫn chậm hơn nhiều so với tốc độ tàu tối đa của Trung Quốc là 322 km/h.

Đầu tư 16 tỷ USD, vì sao một ngành của Mỹ vẫn “tụt hậu” so với Trung Quốc? - Ảnh 3.

Mỹ đầu tư 16 tỷ USD nhằm nâng cấp ngành đường sắt, trong đó bao gồm cả lĩnh vực vận tải chở hàng hóa. Ảnh: CNBC

Vì sao Trung Quốc lại đạt được thành tựu như vậy, trong khi nước Mỹ vẫn đang mò mẫm hướng tới công nghệ tàu cao tốc?

Theo các chuyên gia, nguyên nhân đầu tiên là do vấn đề tiền bạc. Bởi xây dựng đường sắt cao tốc đòi hỏi trả lương công nhân và duy trì tiến độ. Số tiền này có thể lên tới hàng tỷ USD, đặc biệt với quốc gia có diện tích rộng lớn như nước Mỹ.

Thứ hai, quyền sở hữu đất cũng là một nguyên nhân gây cản trở. Chẳng hạn, trong quá trình xây dựng đường sắt cao tốc, bên dự án cần phải tiến hành thỏa thuận với một số chủ đất, nhưng đôi khi họ lại không đồng ý bán. Ngược lại, ở Trung Quốc, đất đai chủ yếu là do nhà nước kiểm soát nên việc tiếp tục xây dựng cũng dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, còn có một số yếu tố khiến nước Mỹ gặp khó trong quá trình xây dựng đường cao tốc là do lo ngại về môi trường và sự khác biệt công nghệ.

Với sự đầu tư lớn vào cuối năm 2023, chính quyền Tổng thống Joe Biden kỳ vọng việc nâng cấp ngành đường sắt sẽ giúp các chuyến tàu hoạt động hiệu quả hơn, tạo ra nhiều việc làm mới, đồng thời giảm thiểu tình trạng trễ chuyến và thời gian chờ đợi.

Bài viết tham khảo nguồn: CNBC, Interesting Engineering, CNN

Theo Minh Hằng

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên