Đầu tư BOT, không thể kiếm lời bằng mọi giá
Với thực trạng ngân sách hạn hẹp, nguồn vốn tư nhân trở thành cứu cánh cho các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và nhiều nhà đầu tư, ngân hàng đã đổ hàng trăm ngàn tỉ đồng vào các dự án BOT từ cải tạo nâng cấp đường tới xây dựng hệ thống đường cao tốc.
- 11-06-2016Hàng loạt nhà đầu tư đề xuất giảm mức phí BOT cho xe tải cỡ lớn
- 31-05-2016Minh bạch đầu tư BOT giao thông: Chống thất thoát thu phí cách nào?
- 31-05-2016Phản đối lập quỹ cứu lỗ nhà đầu tư BOT đường cao tốc
Về bản chất, hợp đồng BOT là thoả thuận kinh doanh giữa người có vốn và các cơ quan nhà nước mà ở đó nhà đầu tư tìm kiếm, kỳ vọng ở lợi nhuận. Các kế hoạch tài chính được vẽ ra từ những bài toán cực kỳ phức tạp để hoàn vốn và có lãi. Với mục tiêu có lãi và dĩ nhiên càng nhiều lãi càng tốt, không ít dự án BOT đã cố tình chần chừ trong quyết toán dự án, thanh toán với các nhà thầu hay đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân dù đã và đang thu phí.
Cũng vì lợi nhuận, những chiêu thức "chặn đường cũ, ép đi đường mới" như câu chuyện tại cầu Việt Trì, Phú Thọ đã xuất hiện. Khi tìm mọi cách để ép người dân phải qua trạm nhằm thu phí, chủ đầu tư cầu Hạc Trì đã không hình dung được sự phản ứng mà họ phải đối mặt. Trên thực tế, những lý do "cầu yếu, cầu cũ" phải cấm ôtô được đưa ra khi chủ đầu tư tìm mọi cách dựng ụ chắn đã không đủ che đậy mục tiêu thực sự của việc tận thu.
Người dân tại phường Bạch Hạc, Việt Trì Phú Thọ đã liên tục đấu tranh không chỉ bởi phí cầu đường cao (chỉ qua một cây cầu mất từ 35.000 đồng/lượt) mà còn vì sự bất tiện trong sinh hoạt khi phải đi xa hơn 5-6km trong khi quyền được đi qua cây cầu mới chỉ hoàn tất việc thu phí chưa lâu là hoàn toàn chính đáng. Cuộc đấu tranh đó đã khiến chính phủ vào cuộc và không chỉ những chiếc ụ chắn cầu Việt Trì sẽ biến mất mà chủ đầu tư cũng sẽ phải xem lại mức phí đang áp dụng.
Ngoài "cuộc chiến" cầu Việt Trì, nhiều câu chuyện khác xung quanh các dự án BOT giao thông đã rất nóng trên mặt báo bởi cứ ra đường là chạm mặt với trạm thu phí và mức phí cứ tăng hoài tăng mãi. Sức ép của dư luận và báo chí đã và đang buộc các dự án BOT giao thông phải minh bạch hơn, mức phí hợp lý hơn bởi trong các hợp đồng này người dân và DN dù không được ký nhưng hàng ngày đang phải còng lưng chi trả.
Vẫn biết muốn đi đường đẹp, đường mới thì phải mất phí nhưng minh bạch và có quyền chọn lựa là hai điều người dân chờ đợi và đòi hỏi ở mọi dự án BOT.
Lao động