Đầu tư chứng khoán qua StockX, hàng trăm người nguy cơ mất trắng
Nhẹ dạ cả tin, hàng trăm nhà đầu tư đã bỏ tiền vào ứng dụng StockX và giờ đang phải đối diện với nguy cơ mất trắng tiền.
- 28-06-2022WeChat bất ngờ “sờ” đến giao dịch tiền điện tử
- 28-06-2022Tài xế công nghệ Ấn Độ kiệt quệ dưới nắng nóng 50 độ C
- 28-06-2022Lộ bảng lương nhân viên Apple, thấp nhất là 2,37 tỷ đồng
Không được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, nhưng các môi giới của ứng dụng StockX vẫn ngang nhiên lôi kéo, hô hào người tham gia qua các nhóm Zalo, Telegram, với hứa hẹn cho phép nhà đầu tư giao dịch T+0, nghĩa là mua bán trong ngày, được mua cổ phiếu với giá ưu đãi thấp hơn thị trường, mang lại lợi nhuận cao tới hàng trăm %/năm.
Thua lỗ chứng khoán cơ sở, một người đàn ông đã chuyển 250 triệu đồng sang đầu tư chứng khoán tại ứng dụng StockX để mong gỡ gạc lại. Mới đầu tư 1 tuần, ứng dụng đã hiển thị thông báo có mã chứng khoán lãi tới 196%. Anh định rút tiền ra, nhưng ứng dụng này lại không cho rút.
"Được tư vấn sang StockX và lợi nhuận lãi là 200%, tối thiểu là 200%, có thể 600% hoặc hơn nữa. Cuối cùng mất cả chì lẫn chài. Bây giờ, số tiền cả lãi và gốc không rút được ra", người tham gia vào ứng dụng StockX cho biết.
Không rút được tiền, nhiều nhà đầu tư đã liên hệ với các môi giới của ứng dụng StockX, nhưng được yêu cầu nạp thêm 20% tiền phí mới cho rút tiền.
"Nạp thêm 20% tổng số tiền thì người ta mới cho mình rút, nhưng đến bây giờ là mình đã nhận ra là như thế là mình đã bị lừa. Vì nếu như thế, tại sao người ta không giữ lại 20% trong số đó để trả cho mình số tiền còn lại mà người ta bắt mình nạp", một người tham gia vào ứng dụng StockX khác chia sẻ, "có một chị ở Đắk Nông nạp vào số tiền gốc là 1,8 tỷ mà không rút được tiền ra. Người của họ cũng nhắn cho chị và bắt nạp vào thêm 360 triệu mới được rút tiền ra. Số tiền của chị rất lớn. Khi chị nạp vào 360 triệu thì họ không cho rút".
Sợ mất tiền, các nhà đầu tư tham gia ứng dụng StockX mới vội vàng lần tìm các thông tin trong bản hợp đồng chuyển nhượng cổ phiếu đã được môi giới ứng dụng StockX gửi cho trước đây. Bản hợp đồng ghi rõ bên chuyển nhượng là Công ty TNHH Sequoia, theo giấy phép đăng ký kinh doanh có địa chỉ tại 97, Mễ Trì Thượng, Hà Nội.
Tuy nhiên, khi làm việc với phóng viên VTV, đại diện của Công ty Sequoia cho biết đã bị ứng dụng StockX mạo danh. Giấy đăng ký kinh doanh của công ty đã bị ứng dụng này chỉnh sửa rồi đăng lên mạng nhằm lừa đảo nhà đầu tư. Theo giấy phép kinh doanh, Công ty Sequoia chỉ hoạt động trong lĩnh vực tư vấn du học, không có liên quan gì đến lĩnh vực chứng khoán.
Các chuyên gia cho rằng, với những chi tiết bất thường kể trên, những người tham gia vào ứng dụng StockX này sẽ khó lấy lại được tiền, khi không rõ ai là chủ của ứng dụng.
"Tôi cho rằng, khi nhà đầu tư giao dịch mua bán trên app này, lệnh không hề được đẩy vào thị trường, chỉ giao dịch trên app này. Thậm chí chủ app này có thể mua bán khớp lệnh của nhà đầu tư nên rủi ro rất lớn. Do đó, khi xảy ra sự cố gì đó, nhà đầu tư không hoàn toàn có thể đòi lại tiền của mình", ông Lưu Chí Kháng, Công ty cổ phần chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, nhận định.
Gọi cho môi giới không được, không còn cách nào những người tham gia vào ứng dụng StockX chỉ còn cách gửi đơn lên cơ quan công an. Trong khi đó, hiện nay các môi giới của ứng dụng StockX vẫn đang miệt mài lập thêm nhiều nhóm Zalo, Telegram khác nhau để tiếp tục lôi kéo thêm các nhà đầu tư mới.
VTV.VN