Đầu tư “lướt sóng” bất động sản có còn dễ ăn?
ảnh minh họa.
Chuyên gia cho rằng, năm 2022 nhìn chung không phải là năm thuận lợi cho lướt sóng bất động sản.
- 07-03-2022HoREA: Giá nhà đất nhiều khu vực bị đẩy lên mức rất cao sau phiên đấu giá kỷ lục
- 07-03-2022Bán vàng mua đất, nhiều nhà đầu tư mất ngay tiền tỷ
- 07-03-2022Hà Nội sẽ kiểm tra, xử lý dứt điểm các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai
Tại talkshow “Có hẹn với chuyên gia” do Batdongsan.com.vn tổ chức mới đây, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết, "lướt sóng" trong bất động sản là thuật ngữ chỉ việc đầu cơ, tìm kiếm cơ hội sinh lời cao trong ngắn hạn, dựa trên thông tin về các khu vực, sản phẩm có khả năng tăng giá nhanh trong tương lai.
Trong giai đoạn 2005 - 2006, việc đầu tư lướt sóng thường thu được lợi nhuận cao. Chỉ cần đăng ký được một suất mua căn hộ hay lô đất dự án rồi bán lại suất cũng có thể lãi gấp đôi tiền cọc, tức là gấp đôi vốn đầu tư.
"Ở giai đoạn khi mà thông tin và hàng hóa còn ít như vậy thì cái việc lướt sóng đem lại siêu lợi nhuận", chuyên gia cho biết.
Theo thời gian, thông tin thị trường bất động sản đã ngày càng minh bạch, việc đầu tư kiểu sang suất chốt cọc ngày càng ít đi, tuy nhiên vẫn chưa bị triệt tiêu. Trong bất động sản vẫn luôn có cơ hội cho lướt sóng, mặc dù lướt sóng giai đoạn này không còn dễ dàng mà phải dựa trên thông tin và sự quyết đoán của nhà đầu tư.
"Nếu chọn lướt sóng ở khu vực Bình Phước do thông tin quy hoạch sân bay thời gian qua thì dễ "lướt sóng hụt", thông tin ảo nhưng vẫn nhiều người bị cuốn theo.
Hay như La Gi là một khu vực có thể lướt sóng vì quy hoạch sẽ lên thành phố và có hạ tầng đang phát triển. Nhưng thời điểm nào La Gi chính thức lên thành phố, thời điểm nào các hạ tầng được đầu tư mạnh và thời điểm nào phù hợp để tạo sóng lại là dấu hỏi với các nhà đầu tư. Như vậy lướt sóng là cơ hội dựa trên thông tin thật nhưng cần sự quyết đoán ở phía nhà đầu tư", chuyên gia phân tích.
Cũng dựa trên các thông tin thị trường, TS Đinh Thế Hiển cho rằng bất động sản năm 2022 không phải là thị trường phù hợp để lướt sóng.
"Xu thế thị trường 2022 là xu thế tập trung vượt qua khó khăn và đang phát triển ở mức độ vượt qua khó khăn. Chúng ta đang cố gắng khôi phục lại nền kinh tế nhưng lại gặp phải các chướng ngại là sự gia tăng số ca mắc Covid-19, làm cản trở việc hoàn toàn mở cửa với quốc tế, phục hồi thị trường.
Giá xăng dầu tăng mạnh cũng sẽ khiến cho lạm phát tăng. Lạm phát có thể làm gia tăng đầu tư bất động sản nhưng về vĩ mô sẽ gây khó khăn và ảnh hưởng tới đầu tư bất động sản.
Bên cạnh đó, giá bất động sản của nhiều khu vực đã tăng rất mạnh trong nhiều năm và cần giai đoạn đi ngang để tích lũy giá trị, ở những cái vùng mà giá cả đã tăng hơn giá trị.
Như vậy năm 2022 nhìn chung không phải là năm thuận lợi cho lướt sóng bất động sản", ông Hiển nhận định.
Tuy nhiên, TS Đinh Thế Hiển cho rằng vẫn sẽ có những khu vực tiềm năng do hưởng lợi từ hạ tầng như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc miền tây: "Những con đường cao tốc luôn "tạo sóng" cho các khu vực có giá đất chưa cao. Bên cạnh đó, những dự án khu công nghiệp cũng sẽ "tạo sóng" cho bất động sản khu vực xung quanh như chúng ta đang quan sát hiện nay tại Cẩm Mỹ, Đồng Nai".
Trước đó, khi bàn luận về vấn đề “lướt sóng” trong năm 2022, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế cho biết, năm nay, thị trường xuất hiện nhiều cơn sốt là do nhiều thông tin quy hoạch, thậm chí còn do một số nhà đầu tư, đầu cơ, cò đất tiếp tay thổi giá. Tuy nhiên, với việc Chính phủ, các địa phương có kinh nghiệm hơn trong kiểm soát, và có nhiều động thái để siết thị trường, các cơn sốt đất nhiều khả năng nằm trong tầm khống chế.
Mặt khác, ông Lực cũng đánh giá, nhà đầu tư trải qua nhiều cơn sốt đất đã có nhận thức tốt hơn về những rủi ro khi lướt sóng thất bại. Đồng thời, thông tin về nhà đất hiện nay đang ngày càng trở nên công khai, minh bạch hơn, khó lợi dụng quy hoạch tạo giá ảo như trước đây. Trong năm 2022, thị trường có thể vẫn xuất hiện một số đợt điều chỉnh giá nhà đất nhưng không mạnh và không đột biến như các năm trước đó.
Còn theo ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo, trường Đại học Kinh tế TP. HCM, nguyên nhân khiến giá đất sốt nóng vừa qua đến từ các thông tin về nguồn cung, quy hoạch, sự thay đổi của điều kiện hạ tầng. Nhưng trong năm 2021, các kế hoạch phát triển về hạ tầng, quy hoạch đã được dần công bố. Bởi vậy, năm 2022 sẽ không còn nhiều tiền đề để xuất hiện những điểm nóng hạ tầng nào có thể tạo ra sốt.