MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu tư mạnh để giảm chi phí logistics

Dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 12%-14%/năm, đóng góp khoảng 4%-5% GDP nhưng chi phí dịch vụ này còn cao so với trung bình thế giới

Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2020 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 26-11, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết chi phí dịch vụ logistics tại Việt Nam tương đương 20,9% GDP, cao hơn mức bình quân toàn cầu là 14% và cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore...

Chiếm 30%-40% giá sản phẩm

"Trong chi phí logistics tại Việt Nam, chi phí vận tải quá cao, tương đương 30%- 40% giá thành sản phẩm, trong khi tỉ lệ này chỉ khoảng 15% ở các quốc gia khác. Điều này làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam" - Chủ tịch VCCI bày tỏ lo ngại.

Theo ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam, hiện có khoảng 4.000 DN cung cấp dịch vụ logistics quốc tế và nội địa nhưng có tới 97% là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Vì vậy, chất lượng dịch vụ, vốn, kinh nghiệm, trình độ quản lý, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nguồn nhân lực còn hạn chế.

Về các yếu tố làm tăng chi phí logistics, ông Khoa liệt kê: phụ phí vận tải cảng biển mà chủ tàu container nước ngoài đang thu của chủ hàng Việt Nam, thời gian thông quan hàng hóa, kiểm tra chuyên môn còn bị kéo dài; chi phí vận tải hàng hóa bằng đường bộ quá cao; tính kết nối và hạ tầng các phương tiện vận tải chưa cao; năng lực cạnh tranh của DN cung cấp dịch vụ logistics chưa đạt yêu cầu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết trong lĩnh vực logistics, những cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) có thể mang tới các cơ hội như gia tăng quy mô thị trường, tăng hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí. Tuy vậy, thách thức đặt ra cũng rất lớn khi DN phải cạnh tranh với nhiều đối thủ khác, đặc biệt là các DN châu Âu.

Đầu tư mạnh để giảm chi phí logistics - Ảnh 1.

Chi phí logistics cao làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam

Chuyển đổi số để giảm chi phí

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chỉ ra 3 vấn đề cơ bản khiến chi phí logistics còn thiếu tính cạnh tranh là: cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính và sự kết nối của DN trong nước với các DN nước ngoài.

Đây cũng là những "điểm nghẽn" mà các DN trong lĩnh vực logistics đã thấy. Ông Phùng Tiến Toàn, Chủ tịch HĐQT Công ty Interserco, cho rằng dù số lượng trung tâm logistics đã tăng trưởng khá nhanh song hầu hết có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, ít phương thức vận tải kết nối. Để tháo gỡ khó khăn này, ông Toàn kiến nghị Chính phủ và các bộ - ngành có chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, phí và các cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng đối với các trung tâm logistics.

Ông Đào Trọng Khoa đề xuất giải pháp chuyển đổi số để cắt giảm chi phí. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm hình thành nền tảng số tích hợp công nghệ hiện có về logistics như hệ thống quản lý vận tải, cảng biển, kho bãi nhằm phục vụ DN cung cấp dịch vụ logistics và các DN sản xuất, xuất nhập khẩu để kéo giảm chi phí. Ông Khoa cũng đề xuất Chính phủ nghiên cứu các chính sách khuyến khích và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp liên quan đến công nghệ phục vụ logistics.

Để tháo gỡ các "điểm nghẽn" cho ngành logistics, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh cần gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin. Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ - ngành liên quan sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực, giải pháp tiết giảm chi phí, thúc đẩy phát triển logistics cho từng lĩnh vực giao thông; từng vùng miền, địa phương.

Phó Thủ tướng yêu cầu ưu tiên tối đa nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình giao thông lớn như tuyến cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành; nâng cấp 2 sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và hệ thống cảng cửa ngõ quốc tế, cảng thủy nội địa; nghiên cứu đầu tư xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics lớn có khả năng kết nối tốt với các cảng, các tuyến vận tải chính, kết nối hạ tầng logistics với các nước trong khu vực ASEAN, Đông Bắc Á và các khu vực khác trên thế giới.

Hỗ trợ doanh nghiệp

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương sớm xây dựng các giải pháp hỗ trợ DN liên quan đến chính sách và thực thi các FTA. "Các bộ, ngành khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc để DN dịch vụ logistics, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn trong và ngoài nước, phát triển thị trường, đào tạo nhân lực, tiếp cận thông tin" - Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Theo Minh Chiến

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên