“Đầu tư nông nghiệp công nghệ Israel không đắt như vẫn tưởng”
"Trước đây, khi nhắc đến công nghệ Israel, đa phần mọi người nghĩ rằng nó rất là đắt và chỉ mang tính nghiên cứu, nhưng giờ đây, công nghệ Israel không đắt như mọi người vẫn tưởng", ông Vũ Kiên Trung - Giám đốc công ty TNHH TM& DV Khang Thịnh, đại diện NETAFIM tại Việt Nam cho biết.
- 20-03-2017Nâng trao đổi thương mại Việt Nam-Israel lên 3 tỉ USD
- 19-03-2017Nông nghiệp Israel: Phép màu trên hoang mạc
- 26-02-2017Cách mạng trong công nghệ Israel: Máy tạo nước từ không khí
Tại hội thảo:” Israel – Nguồn công nghệ cao cho phát triển nông nghiệp tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Quốc Doanh cho biết:" Việt Nam đang đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển nông thôn. Vì vậy, cần không ngừng sáng tạo, áp dụng công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất nông nghiệp nhằm thu hẹp khoảng cách với các nước tiên tiến, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về cả số lượng lẫn chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm".
Israel tuy là một quốc gia nghèo tài nguyên thiên nhiên, phần lớn đất đai khô cằn, nhưng nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, Israel đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về nông nghiệp và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay, quốc gia này nằm trong top 25 nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới với GDP bình quân đầu người đạt gần 40.000 USD. Đặc biệt, Israel đứng đầu thế giới về năng suất và chất lượng những sản phẩm nông nghiệp.
Chính vì vậy, việc học hỏi những kinh nghiệm và ứng dụng công nghệ cao từ Israel là một xu hướng tất yếu, mang lại nhiều lợi ích cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, Israel là một quốc gia có định hướng xuất khẩu công nghệ nên các doanh nghiệp luôn muốn tìm đối tác hoặc đầu tư ra nước ngoài.
Tuy nhiên, quá trình hợp tác giữa hai quốc gia đặc biệt là giữa các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các yếu tố liên quan đến chi phí, trình độ lao động hay thiếu thông tin.
Đánh giá về những rào cản này, ông Vũ Kiên Trung - Giám đốc công ty TNHH TM& DV Khang Thịnh, nhà phân phối độc quyền của công ty nông nghiệp Israel NETAFIM tại Việt Nam cho biết:" Việc áp dụng những công nghệ hiện đại của Israel vào Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Điển hình là hai yếu tố chi phí và con người".
"Trước đây, khi nhắc đến công nghệ Israel, đa phần mọi người nghĩ rằng nó rất là đắt và chỉ mang tính nghiên cứu. Điều này khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam khó tiếp cận công nghệ. Tuy nhiên, sau một thời gian hợp tác, các công nghệ sản xuất nông nghiệp đã được nội địa hoá và phân loại với nhiều mức chi phí khác nhau", ông Trung cho biết.
Điển hình như hệ thống tưới nhỏ giọt và nhà kính của NETAFIM, khi về đến Việt Nam được chúng tôi thiết kế lại theo từng loại cây hoặc theo thời gian sử dụng nhằm cắt giảm chi phí một cách tối đa.
Bởi lẽ, nền kinh tế Việt Nam phần lớn vẫn là sản xuất nông nghiệp theo hộ gia đình, vì vậy, đối tượng cần thay đổi phương thức sản xuất vẫn là người nông dân. Để phù hợp với mức đầu tư của từng nông hộ, các hệ thống tưới tiêu tự động phải được thiết kế theo nhiều mức độ phức tạp khác nhau.
Đối với quy mô công ty có vốn đầu tư lớn có thể mua hệ thống tối tân nhất, sử dụng công nghệ cao, mức độ tự động lớn và thời gian sử dụng dài khoảng 10 - 20 năm, còn đối với các hộ gia đình thì sẽ sử dụng hệ thống tối giản nhất, sử dụng trong khoảng 5 năm nhưng vẫn đảm bảo về kỹ thuật và phù hợp với cây trồng.
Do đó, một hệ thống tưới tự động trọn gói cho diện tích khoảng 1 hecta hiện nay có chi phí từ khoảng 50 đến 70 triệu đồng và người nông dân có thể chấp nhận được.
Ngoài ra, việc áp dụng các công nghệ sản xuất nông nghiệp hiện đại của Israel cần người nông dân có trình độ khá cao, biết sử dụng và điều kiển các hệ thống tự động, kiểm soát về độ ẩm đất, nhiệt độ,....
Với mỗi công nghệ mới thì cần có chuyên gia đến hỗ trợ người nông dân để hiểu và biết sử dụng thiết bị. Đây là một trong những khó khăn của nền nông nghiệp Việt Nam khi chưa có lực lượng lao động với trình độ cao.
Vì vậy, chính phủ Việt Nam cũng cần có những chương trình hỗ trợ người nông dân cả về vốn và kiến thức, cần có các khoá học về các thiết bị, công nghệ mới cho người nông dân và lực lượng sản xuất nông nghiệp.
Mặc dù, trong sản xuất và phát triển nông nghiệp, Việt Nam là một quốc gia đi sau, nhưng nếu các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam chọn được những công nghệ phù hợp và áp dụng những thành tựu công nghệ của Israel thì trong một thời gian ngắn tới sẽ có rất nhiều công nghệ của Israel được áp dụng đại trà.
Bizlive