MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu tư nông nghiệp nhìn từ một số mô hình tại Việt Nam

Tại Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, Chính phủ đã yêu cầu phải “tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”...

Trước đó, trong Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013, rất nhiều chính sách ưu tiên phát triển ngành này đã được bổ sung như chính sách phát triển thủy sản, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn,...

Đánh giá cao tiềm năng của ngành, trong thời gian qua, đã có không ít doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực này. Cùng với đó, đã xuất hiện khá nhiều mô hình nông nghiệp như mô hình cánh đồng lớn, mô hình chuỗi sản xuất khép kín, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm hay mô hình trang trại – thức ăn – gia đình (Farm – Foods – Family = 3F).

Mô hình Cánh đồng lớn được manh nha tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cách đây khoảng 6 năm và hiện nay đã được nhân rộng ra nhiều tỉnh với diện tích không ngừng tăng qua từ vụ lúa.

Lợi ích đầu tiên có thể thấy ở mô hình Cánh đồng lớn đó là giúp cho quy trình sản xuất lúa mang tính hiện đại hơn, có sản lượng lớn, đồng đều. Thay vì hoạt động manh mún và riêng lẻ như trước, nông dân cùng nhau thực hiện một quy trình sản xuất chung trong tất cả các khâu, từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.

Trong khi đó, doanh nghiệp tham gia mô hình này có thể yên tâm vì có nguồn hàng ổn định, chất lượng cao để cung cấp ra thị trường.

Hiện nay, một số doanh nghiệp có diện tích liên kết lớn như CTCP Bảo vệ thực vật An Giang, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam. Những doanh nghiệp này đang hỗ trợ nông dân liên kết cánh đồng lớn thành lập các hợp tác xã làm tổ chức trung gian kết nối giữa doanh nghiệp và nông dân. CTCP Bảo vệ Thực vật An Giang đã hỗ trợ thành lập hàng trăm tổ, nhóm hợp tác xã của các hộ sản xuất lúa. Sau khi thành lập hợp tác xã, công ty đã cử nhân viên kỹ thuật hỗ trợ các HTX về kỹ thuật, quản lý, chủ động sản xuất.

Trong khi đó, khi nói đến mô hình chuỗi sản xuất khép kín phải kể đến vua cá tra - CTCP Thủy sản Hùng Vương . Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty cho biết, định hướng khép kín chuỗi cung ứng từ thức ăn – giống con/ vùng nuôi – thu mua, đánh bắt – chế biến, xuất khẩu đã giúp Hùng Vương phát triển mạnh mẽ và đi sâu được vào các thị trường khó tính trong giai đoạn vừa qua.

Một trong những công cụ quan trọng giúp Thủy sản Hùng Vương hoàn thành được chuỗi khép kín này chính là M&A và thương vụ lớn nhất của "đại gia thủy sản" này trong thời gian qua chính là việc thâu tóm hơn 90% cổ phần CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng, giúp công ty làm chủ thức ăn chăn nuôi thủy sản.

Trong khi đó, mô hình ứng dụng công nghệ cao mặc dù chưa được nhiều doanh nghiệp áp dụng do đòi hỏi vốn đầu tư lớn nhưng cũng chứng tỏ được hiệu quả kinh tế. Như tập đoàn TH đã quyết định nhập khẩu toàn bộ bí quyết công nghệ cùng kỹ thuật chăn nuôi bò sữa của Israel, xây dựng nhà máy chế biến sữa công nghệ hiện đại nhất thế giới và đã thu được hiệu quả bất ngờ. Theo đó, giá trị canh tác mỗi năm của vùng đất Nghĩa Đàn (Nghệ An) trước đây chỉ khoảng 50- 70 triệu đồng/ha, sau khi Tập đoàn TH trồng cao lương, ngô chất lượng cao đã tăng lên hơn 20 lần.

Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH cho rằng, ở Việt Nam, các doanh nghiệp không muốn mạo hiểm đầu tư vào nông nghiệp vì cho rằng, việc đầu tư vào lĩnh vực này có xác suất rủi ro khá cao, bởi phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên, vốn đầu tư lớn, thu hồi chậm. Vì vậy, cách duy nhất thay đổi bức tranh nông nghiệp lạc hậu và lối tư duy cũ trên là đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Trên thực tế, thu hút nguồn vốn FDI vào nông nghiệp cũng là một vấn đề lớn, đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hết sức quan tâm. Điều này được thể hiện rõ việc hoàn thiện dự thảo xây dựng Chiến lược tăng cường thu hút FDI vào lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp Việt Nam đến năm 2030. Chiến lược là cơ sở để xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về Chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn.

Ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN & PTNT cho biết, nông nghiệp Việt Nam là ngành có nhiều tiềm năng phát triển và đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc.

Nhà đầu tư từ các nước này đang rất quan tâm đến ứng dụng công nghệ cao trong phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng và giá trị gia tăng cao. Nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài đã đến làm việc với Bộ để tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Hồi tháng 4 năm ngoái, Tập đoàn Showa Denko (Nhật Bản) đã đầu tư 1 triệu USD xây dựng nhà máy rau sạch tại tỉnh Hà Nam bằng công nghệ đèn led - công nghệ giúp rau tăng trưởng nhanh gấp 2,5 lần so với trồng với ánh sáng tự nhiên.

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng đang hỗ trợ Lâm Đồng xây dựng cụm công nghiệp nông nghiệp, trong đó, đặc biệt chú trọng đến các dự án về rau củ quả.

Năm 2013, dự án "Làng thần kỳ Nhật tại Đà Lạt" với vốn đầu tư 1 triệu USD do Công ty TNHH An Phú Lacue triển khai tại Lạc Dương (Lâm Đồng) theo mô hình "làng thần kỳ" ở Kawakami (Nhật Bản) đã hoạt động.

Một năm sau, rau xà lách Mỹ sản xuất theo công nghệ Nhật Bản tại đây đã ra mắt thị trường và tiếp tục xuất hiện tại hệ thống siêu thị Aeon, Big C, Co.opmart, các quán ăn Nhật tại Việt Nam và xuất khẩu qua Nhật.

Không chỉ trồng trên quy mô 13ha của Công ty, An Phú Lacue đã nhân rộng mô hình này ra nhiều hộ nông dân địa phương.

Xác định tầm quan trọng của việc phát triển ngành nông nghiệp, Quảng Ninh gần đây cũng là một trong những tỉnh có những chính sách tích cực thu hút vốn đầu tư vào ngành này.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thành cho biết, mô hình các Trung tâm hành chính công đã dần đi vào hoàn thiện và được sử dụng hiệu quả tại tỉnh cũng như các địa phương. Đối với doanh nghiệp, thông qua rà soát, các cơ quan có liên quan đã đề xuất cắt giảm thủ tục hành chính từ 237 ngày xuống còn 109 ngày làm việc; cắt giảm 64% thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận đầu tư.

"Đối với những dự án của các nhà đầu tư chiến lược thay vì phải trình qua các sở, ban ngành, lãnh đạo tỉnh sẽ trực tiếp tham gia hỗ trợ để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ", lãnh đạo tỉnh cho biết.

Linh Linh

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên