MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu tư và Phát triển TDT: Lợi nhuận 6 tháng tăng 19,5%, chuẩn bị chào sàn HNX với giá 15.000 đồng/cp

17-07-2018 - 10:01 AM | Doanh nghiệp

Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Việt Thắng, dự sau khi lên sàn Đầu tư và Phát triển TDT sẽ tiến hành chia cổ tức bằng tiền mặt.

Vào ngày 18/7 tới đây, hơn 8 triệu cổ phiếu CTCP Đầu tư và Phát triển TDT (TDT) sẽ chính thức chào sàn HNX với giá khởi điểm 15.000 đồng/cp. Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Việt Thắng, dự sau khi lên sàn TDT sẽ tiến hành chia cổ tức bằng tiền mặt, tỷ lệ 12%. Đồng thời, nếu cần thiết Công ty sẽ tiến hành tăng vốn thời gian tới.

Tại Roadshow diễn ra ngày 16/7, trước câu hỏi về chiến lược phòng ngừa trước rủi ro chiến tranh thương mại Trung - Mỹ, ông Thắng khẳng định không đáng lo ngại. Theo vị này, thực ra đây là nhận định của nhiều chuyên gia nói chung, không riêng cá nhân ông; đồng thời liên quan đến việc Mỹ sẽ áp thuế lên hàng hóa Việt Nam thì cũng đã áp rồi, ông Thắng một lần nữa khẳng định ngành dệt may sẽ không chịu ảnh hưởng quá nặng nề.

Nói về thị trường dệt may 2018, ông Thắng khẳng định năm 2018 là năm rất tốt về đơn hàng, tốc độ tăng trưởng đơn hàng của ngành dệt may 5 tháng đầu năm tăng trên 10%. Còn về các hiệp định, để thẩm thấu các hiệp định cần thời gian.

Thành lập vào ngày 22/03/2011, TDT được xây dựng trên diện tích quy hoạch là 30.000 m2 tại quốc lộ 37 thuộc xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Ngành nghề sản xuất kinh doanh chính của Công ty là chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, sản phẩm chủ yếu được xuất sang thị trường Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc…

Là đối tác của "ông lớn" GAP, Zara, SuperDry, Tesco…

Hiện, sản phẩm của Công ty là áo quần cho nam, nữ và trẻ em… từ áo thun, quần short cho đến áo khoác ngoài. Trên thị trường xuất khẩu, khách hành của TDT đang cân bằng giữa hai thị trường là Mỹ và EU. Trong đó, khách hàng Mỹ bao gồm các nhà bán lẻ, siêu thị lớn nằm trong Top 10 của Mỹ như GAP, TARGET, A&F… Khách hàng EU của TDT cũng là các nhà bán lẻ như Zara, Tesco, Dielse, SuperDry…

Liên quan đến khách hàng, một trong những lợi thế TDT có được theo đại diện Công ty chính là sự "chung thủy" của danh sách khách hàng hiện tại. Theo người cầm cương từng chia sẻ, nếu nói về đối thủ cạnh tranh thì TDT cũng không quá lo lắng, bởi khách hàng hiện nay của Công ty là làm việc từ rất lâu rồi, do đó khó mà mất mối được. Chưa kể, các đơn hàng của TDT phần lớn là có số lượng nhiều, thời gian sản xuất lâu dài nên hiệu quả tương đối cao.

Về quy mô, sau đợt tăng vốn gần đây nhất trong năm 2017, vốn chủ sở hữu TDT đã đạt khoảng 80 tỷ đồng. Như vậy, so với đối thủ cùng ngành thì con số này tương đối khiêm tốn; tuy nhiên, việc này không thành vấn đề, bởi theo ban lãnh đạo so với TNG thì TDT có một chiến lược hoàn toàn khác. Chi tiết hơn, Công ty định hướng đẩy mạnh M&A, không giới hạn tại Thái Nguyên mà mở rộng sang các tỉnh Thái Bình… từ đó tận dụng những nhà máy sẵn đó và chuyên tâm quản lý cho hiệu quả.

Hướng đến doanh thu 1.000 tỷ đồng

Với những luận điểm trên, cùng quy trình may mặc khép kín với chuỗi cung ứng giá trị cũng như việc trở lại của CPTPP (TPP-11), TDT đặt kế hoạch lợi nhuận đến năm 2020 là 30,7 tỷ đồng với kỳ vọng đẩy mạnh mảng FOB, bởi khi Công ty tăng năng lực thì phải tăng được doanh thu FOB, hiệu suất sẽ cao hơn. Riêng năm 2018 Công ty dự kiến doanh thu đạt 299 tỷ, lợi nhuận tương ứng xấp xỉ 20 tỷ đồng.

Tính riêng 6 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận 107,7 tỷ doanh thu và 5,5 tỷ đồng lợi nhuận, lần lượt tăng 15% và 19,5% so với cùng kỳ năm 2017. Kết quả trên có được nhờ năng suất lao động tại nhà máy TDT tăng 40%, lợi nhuận mảng FOB tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017.

Mục tiêu dài hơi hơn, lãnh đạo TDT cho biết hướng đến mục tiêu doanh thu 1.000 tỷ đồng, tuy nhiên với định hướng "chậm chắc" do đó sẽ được Công ty tiến hành trong vài năm, dự đạt được sau khi hai dự án một di dời nhà máy và một xây dựng mới đi vào hoàn thiện. Đồng thời, sau khi đạt được mục tiêu kinh doanh, TDT dự kiến sẽ chuyển niêm yết sang HoSE khi đủ điều kiện.

Về đầu tư, hiện Công ty có hai nhà máy, trong đó có Thịnh Đức. Kế hoạch cho giai đoạn 2018-2023, Công ty dự kiến phát triển hai dự án bao gồm:

(1) dịch chuyển dự án xí nghiệp may TDT-Thịnh Đức với tổng vốn 30 tỷ cho diện tích mặt bằng 1,5-2ha, thời gian triển khai dự kiến quý 3/2018-quý 2/2019 với công suất 1,2 triệu sản phẩm/năm. Tính đến nay, TDT đang tìm quỹ đất để di dời và tăng công suất nhà máy;

(2) dự án xây dựng nhà máy mới TDT-Phú Lương với diện dích mặt bằng từ 3-4ha, dự tiêu tốn 50 tỷ đồng đầu tư, thời gian triển khai từ 2020-2023, dự đạt công suất 2,4 triệu sản phẩm/năm sau khi đi vào hoạt động.

Nguyên Phong

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên