MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu tư xây dựng nhà máy, IREX tham vọng gì ở thị trường pin mặt trời Việt Nam?

26-06-2018 - 13:30 PM | Doanh nghiệp

Đầu tư gần 400 tỷ đồng vào Tổ hợp nhà máy năng lượng tái tạo công nghệ cao, công ty năng lượng IREX đang nỗ lực thực hiện mục tiêu Tier 1 trong 2020. Trong đó, 2018 phấn đấu đạt gần 160 MW xuất khẩu.

Nhập cuộc sớm với điện mặt trời, nhà máy IREX tăng tốc cho cuộc đua thị phần

Sau khi hoàn thành, nhà máy IREX sẽ đạt công suất 500 MW, trong đó 200 MW sản xuất solar cell (tế bào quang điện), 300 MW sản xuất pin mặt trời. Giai đoạn 1 mới hoàn tất dây chuyền pin mặt trời công suất 100 MW, còn 200 MW sẽ tiếp tục hoàn thiện trong giai đoạn 2.

Hiện tại, công ty đang tăng tốc để hoàn thiện giai đoạn 2 trong tiến trình xây dựng nhà máy IREX. Cũng trong lần tham dự triển lãm quốc tế lớn nhất khu vực Bắc Mỹ SPI năm ngoái, IREX đã phải từ chối nhiều đơn hàng giá trị khi nhà máy cũ đã đủ công suất đến quý 2 năm 2018, trong khi nhà máy mới đang trong quá trình xây dựng. Chính vì vậy, trong lần tham dự Intersolar 2018 lần này, cả tập thể đã nỗ lực để ép tiến độ hoàn thành nhà máy mới trước thềm sự kiện diễn ra.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Phạm Thị Thu Trang – Giám đốc R&D công ty IREX cho biết: “So với các tập đoàn khác, công suất của nhà máy IREX không phải lớn. Tuy nhiên, ở bối cảnh Việt Nam hiện tại, đây là con số tương đối phù hợp để chúng tôi mở rộng thị trường trong nước và tập trung phát triển thị trường nước ngoài. Dù công suất không quá lớn, nhưng IREX đã chú trọng nhập khẩu dây chuyền sản xuất hiện đại 100%. Trong đó, có dây chuyền Double Glass Machine cho phép tạo ra những tấm pin hai mặt kính theo từng yêu cầu riêng biệt của khách hàng, là dây chuyền hiện đại hàng đầu hiện nay.”

Thị trường pin mặt trời tại Việt Nam – Mảnh đất màu mỡ của doanh nghiệp “ngoại”

Tính chung các nhà máy tại Việt Nam, nhiều tập đoàn điện mặt trời Trung Quốc đã xây dựng hàng loạt nhà máy tại Khu công nghiệp Bắc Giang. Trong đó, sản lượng thiết kế của JA Solar Group dự kiến đạt 1 GW/năm khi hoàn thiện. Bắc Giang đã có 8 dự án được cấp phép, trở thành tỉnh có quy mô sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất cả nước với tổng công suất 5.200 MW/năm.

Ngoài các doanh nghiệp Trung Quốc, Frist Solar là tập đoàn của Mỹ ước đạt công suất 2,4 GW, dự kiến hoàn thành trong 2019. Tuy nhiên, công ty này chủ yếu sản xuất các tấm pin màng mỏng. Công nghệ này chưa được áp dụng rộng rãi trong xây dựng nhà máy điện mặt trời. Vấn đề là, đa số dự án trên vẫn chưa chính thức đi vào hoạt động và chủ yếu được mở ra để phục vụ nhu cầu xuất khẩu ra thế giới.

Như vậy, cuộc chơi hiện tại thuộc về IREX – đã có sẵn nhà máy, công suất giai đoạn 1 đạt 350 MWp, một số doanh nghiệp Trung Quốc đã đi vào hoạt động và phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Có thể thấy, pin mặt trời Việt Nam xuất hiện khá mờ nhạt trong sân chơi của chính mình.

Đầu tư xây dựng nhà máy, IREX tham vọng gì ở thị trường pin mặt trời Việt Nam? - Ảnh 1.

Dây chuyền sản xuất hiện đại của nhà máy IREX.

Có nhà máy IREX, công ty tiếp tục đặt doanh thu tăng trưởng gấp 3 trong 2018

Với lợi thế sở hữu nhà máy tại Việt Nam, cùng với kinh nghiệm xuất khẩu pin ra thị trường Thế giới, đặc biệt các khu vực khó tính, IREX có đủ tự tin để tiếp cận và giành lấy thị phần pin mặt trời ngay trên sân nhà.

Về mảng điện mặt trời trên mái, IREX có sự hậu thuẫn từ công ty mẹ SolarBK, nằm trong hệ sinh thái có Solar ESCO – cung cấp giải pháp tài chính về tiết kiệm năng lượng và SolarGATES – phân phối các sản phẩm, tiện ích về năng lượng sạch. Sự kết nối này mở ra cơ hội để IREX dẫn đầu trên thị trường pin mặt trời nội địa trong lĩnh vực điện mặt trời trên mái.

Được biết trong 2017, IREX đã chiếm 30% thị phần trong lĩnh vực này. Trong bối cảnh thị trường đã có nhận thức tương đối trong năm qua, cùng với thời hạn về chính sách, 2018 dự đoán sẽ là năm gặt hái của các công ty sở hữu pin mặt trời như IREX, cũng như SolarBK trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ EPC về thiết kế điện mặt trời.

Đối với thị trường quốc tế, nhà máy IREX đặt mục tiêu xuất khẩu 100 MW cho pin mặt trời và 60 MW cho solar cell trong năm 2018, trong kế hoạch vươn đến Tier 1 (Tiêu chí đánh giá xếp hạng tín nhiệm của Bloomberg New Energy) vào năm 2020.

Đầu tư xây dựng nhà máy, IREX tham vọng gì ở thị trường pin mặt trời Việt Nam? - Ảnh 2.

IREX nhận giải thưởng tại cuộc thi E Smarter Award trong khuôn khổ Intersolar 2018.

Nằm trong kế hoạch mở rộng sản xuất và kinh doanh, trong tháng 6 này, công ty IREX đã khai trương văn phòng đại diện tại Nam Kinh (Trung Quốc), tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu. Hiện doanh nghiệp có văn phòng đại diện nước ngoài tại Mỹ và Myanmar. Sản phẩm xuất khẩu đi hơn 10 thị trường như Mỹ, Anh, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật, Singapore...

Bà Trang cho biết: “Chỉ có 2% doanh nghiệp trên Thế giới đạt được Tier 1, vì còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ Chính phủ, nhận thức về ngành của các tổ chức tài chính để chấp nhận bảo lãnh đơn hàng cho doanh nghiệp. Hiện tại, IREX đã có 3 ngân hàng đồng ý bảo lãnh. Mốc thời gian có thể diễn ra sớm hơn nếu có thêm các đối tác cùng đầu tư và đồng hành. IREX đang cân nhắc để thúc đẩy, đưa công ty niêm yết trên sàn chứng khoán sớm hơn dự kiến để tận dụng nguồn lực từ các nhà đầu tư, đưa năng lượng sạch Việt Nam phát triển đúng mức với tiềm năng và giá trị của nó.”

A.D

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên