Đầu tư xây dựng nhà máy Mazda - lớn nhất Đông Nam Á, THACO khẳng định vị thế dẫn đầu thị trường ô tô Việt Nam
Bất chấp xu thế nhập xe CBU từ các trung tâm sản xuất tại Asean của các doanh nghiệp Việt, THACO vẫn đầu tư phát triển sản xuất lắp ráp ô tô trong nước nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
THACO “chơi lớn” đầu tư nhà máy công suất 100.000 xe/năm
Được biết từ năm 2011, THACO bắt đầu ký kết hợp tác với Tập đoàn Mazda Nhật Bản và đã đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động nhà máy Vina Mazda (hiện hữu) công suất ban đầu 10.000 xe/năm, sau đó nhà máy được nâng lên 30.000 xe/năm vào năm 2014.
Nhà máy đã sản xuất lắp ráp hầu hết các mẫu xe của Mazda được thị trường ưa chuộng (Mazda2, Mazda3, Mazda6, Mazda CX-5). Tính đến nay, con số bán ra đã tăng hơn 92.000 xe, riêng năm 2016 đạt hơn 32.000 xe, đưa Mazda trở thành thương hiệu ô tô Nhật Bản đứng thứ 2 về doanh số trên thị trường ô tô Việt Nam.
Theo thông tin từ THACO, nhà máy Mazda với công suất 100.000 xe/năm (giai đoạn 1: 50.000 xe/năm) đã khởi công xây dựng ngày 26/3/2017 trên diện tích 35 ha (hơn 12 ha nhà xưởng) và dự kiến đưa vào hoạt động cuối tháng 3/2018. Tổng vốn đầu tư là 12.000 tỷ đồng, các dây chuyền hầu hết đều tự động, ứng dụng CNTT trong quản lý và được cung cấp từ các nhà sản xuất thiết bị nổi tiếng Châu Âu, Nhật Bản.
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Công ty ô tô Trường Hải cho biết: “Qua kinh nghiệm thiết kế và xây dựng nhà máy THACO Mazda, chúng tôi sẽ nâng cấp toàn bộ các nhà máy khác để Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải trở thành khu công nghiệp kiểu mẫu của ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ.”
Bước đi khẳng định vai trò doanh nghiệp đầu ngành
Ông Dương chia sẻ: “Với vai trò là doanh nghiệp ô tô lớn tại Việt Nam, THACO tự nhận trách nhiệm tham gia ổn định thị trường và mang lại giá trị thiết thực cho người tiêu dùng. Trong thời gian qua, THACO cũng đã tiên phong giảm giá theo lộ trình hội nhập khi thuế nhập khẩu về bằng 0% vào năm 2018 và sẽ tiếp tục giảm giá khi thuế tiêu thụ đặc biệt của dòng xe 2.0 trở xuống giảm 5% từ ngày 01/01/2018”.
Ông Dương cho biết thêm, theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ về thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đặt mục tiêu đến năm 2035 (đã được Thủ tướng phê duyệt lần thứ 2 năm 2014), số xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm khoảng 78% so với nhu cầu nội địa.
Hiện nay, dù các doanh nghiệp dần chuyển sang nhập xe nguyên chiếc do thuế nhập khẩu xe CBU về 0% từ năm 2018; thì THACO vẫn tiên phong phát triển sản xuất lắp ráp trong nước, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Đây cũng là cam kết của THACO với Chính phủ và ngành công nghiệp ô tô nhằm phát triển sản xuất ô tô có quy mô và từng bước cạnh tranh được trong khu vực.
Thách thức đặt ra cho THACO đó là làm sao vừa đáp ứng nhu cầu tất yếu của người dân mua được xe với giá rẻ, hợp lý, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp. Đồng thời phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, tạo cơ hội việc làm, giảm nhập siêu, phát triển công nghiệp và có đóng góp tích cực vào việc phát triển nền kinh tế đất nước trong bối cảnh thời điểm hội nhập khu vực Asean năm 2018 đã chạm ngõ.
Cụ thể là phải cạnh tranh với các nền công nghiệp ô tô đã phát triển từ hơn 50 đến 70 năm, có quy mô về sản xuất và thị trường ô tô lớn rất nhiều lần so với Việt Nam như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia…
Đón đầu xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4
Cũng theo ông Dương, có ba yếu tố thúc đẩy THACO thực hiện chiến lược đầu tư xây dựng hầu hết các nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Đó là yêu cầu cạnh tranh hội nhập khu vực Asean năm 2018, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 mà cơ bản là sản xuất tự động hóa và cuối cùng là đáp ứng yêu cầu đặt hang riêng lẻ của khách hàng.
THACO đã tiến hành đầu tư xây dựng nhà máy xe du lịch Kia, Mazda, xe du lịch cao cấp, nhà máy xe bus, nhà máy tải, cũng như các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trên 40%, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các nước ASEAN.
Trong đó nhà máy THACO Mazda là nhà máy lớn nhất của Mazda nói riêng và ngành sản xuất lắp ráp ô tô tại Đông Nam Á, có công nghệ hiện đại nhất, tự động hóa hoàn toàn, đáp ứng yêu cầu sản xuất lắp ráp các dòng xe Mazda thế hệ thứ 7. Đây được xem là công trình có ý nghĩa khởi đầu và là dự án mẫu cho chu kỳ đầu tư mới của THACO tại Chu Lai với tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD.
Trong bài phát biểu tại buổi lễ xuất xưởng Mazda CX5 mới, ông Trần Bá Dương cho rằng: “Trong bối cảnh thị trường Việt Nam trải qua cơn bão giá ô tô, và miền Trung vừa hứng chịu thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra, THACO vẫn nỗ lực thực hiện đúng kế hoạch xây dựng nhà máy. Đến nay, sau 8 tháng khởi công xây dựng THACO đã hoàn thành hơn 70% khối lượng công việc theo đúng tiến độ đề ra dưới sự giám sát của các chuyên gia Nhật Bản (tại công trường hiện có hơn 150 chuyên gia, ngày cao điểm có đến 200 chuyên gia hỗ trợ lắp đặt thiết bị)”.