MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây chính là căn nguyên khủng hoảng ở châu Âu

27-08-2016 - 10:00 AM | Tài chính quốc tế

Người ta hoài nghi về nhà nước quốc gia, về cả việc thành lập EU vốn được xem là thành tựu vĩ đại của châu Âu sau Thế chiến thứ hai.

Trong cuốn sách mới với tựa đề "Đồng euro và đe doạ của nó đến tương lai châu Âu”, ông Joseph Stiglitz, Giáo sư Trường Đại học Columbia (Mỹ), người giành giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2001, nhận định nếu không suy tính lại một cách thấu đáo về đồng tiền chung, nhiều thế kỷ sau châu Âu vẫn sẽ bị người đời chê trách vì “giấc mộng đẹp” về hòa bình và thịnh vượng sớm tan rã và chẳng bao giờ trở thành hiện thực.

Châu Âu, nguồn cội của phong trào Khai sáng và cái nôi của khoa học hiện đại, đang lâm vào khủng hoảng. Là châu lục đã tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp dẫn đến những thay đổi đột phá về mức sống trong hai thế kỷ qua nhưng châu Âu đã trải qua một thời kỳ cận khủng hoảng kéo dài. GDP tính theo đầu người của khu vực đồng euro trong năm 2015 chỉ cao hơn đôi chút với năm 2007. Một số nước thành viên euro đã rơi vào tình trạng đình trệ trong nhiều năm liền.

Tỉ lệ thất nghiệp đã leo lên mức 10% vào năm 2009 và kể từ đó luôn đứng ở mức hai con số. Đằng sau những số liệu khô khan còn là khát vọng và giấc mơ của hàng triệu thanh niên châu Âu đã tan vỡ mà nhiều người trong đó đã học hành và làm việc chăm chí. Nó mách bảo chúng ta về sự chia ly của các gia đình bởi nhiều người phải rời bỏ quê hương đi tìm kế sinh nhai. Những con số vô tri, vô giác này còn báo trước về nhiều thập kỷ có tỉ lệ tăng trưởng và mức sống suy giảm.

Nhưng đó chỉ là phần nổi. Ẩn chứa đằng sau còn là những bất đồng chính trị sâu sắc. Nền tảng của một châu Âu vững mạnh thời kỳ hậu chiến tranh lạnh đang lung lay. Các nhóm tán thành chủ trương giải thể các nhà nước quốc gia (nation-state) đang chiếm ưu thế. Tháng 6 vừa qua nước Anh đã bỏ phiếu rời con thuyền Liên minh châu Âu (EU), và Italy cùng Tây Ban Nha đang dọa nạt sẽ theo chân.

Người ta hoài nghi về nhà nước quốc gia, về cả việc thành lập EU vốn được xem là thành tựu vĩ đại của châu Âu sau Thế chiến thứ hai.

Mặc dù có nhiều yếu tố góp phần tạo nên tình cảnh nhọc nhằn hiện nay ở châu Âu, song có một lỗi cơ bản: đó là việc kiến tạo đồng tiền chung euro. Hay nói chính xác hơn, việc thành lập một đồng tiền chung mà không thiết lập một tập hợp các thể chế để giúp một châu Âu đa dạng vận hành một cách hiệu quả.

Đồng tiền chung châu Âu là thành quả của những nỗ lực được bắt đầu vào giữa thế kỷ 20. Các nhà lãnh đạo châu Âu thấu hiểu rằng một tương lai hoà bình đòi hỏi việc tổ chức lại hoàn toàn hệ thống chính trị, kinh tế và thậm chí bản sắc dân tộc của châu lục này.

Vào năm 1957, tầm nhìn trở nên gần hơn với thực tế khi Hiệp ước Rome được ký kết về việc thành lập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) gồm Bỉ, Pháp, Italy, Luxembourg, Hà Lan và Tây Đức cũ. Trong những thập kỷ tiếp theo là thời kỳ chiến tranh lạnh, nhiều nước Tây Âu khác đã gia nhập EEC. Từng bước một, những hạn chế được nới lỏng về việc làm, đi lại và thương mại giữa các nước thành viên EEC.

Song quá trình hội nhập của châu Âu chỉ thực sự vào guồng khi chiến tranh lạnh kết thúc. Sự sụp đổ Bức tường Berlin vào năm 1989 cho thấy thời điểm cho những liên kết châu Âu chặt chẽ hơn và mạnh hơn đã tới gần. Những hy vọng về một tương lai hoà bình và thịnh vượng lên cao hơn bao giờ hết cả ở trong giới lãnh đạo cũng như người dân. Điều này đã dẫn tới việc ký Hiệp ước Maastricht về việc chính thức thành lập EU vào năm 1993 và thiết lập phần lớn cơ cấu kinh tế và các thể chế, bao gồm đề ra quá trình áp dụng một đồng tiền chung: euro.

Những người tán thành đồng euro có lý khi lập luận rằng đây không chỉ là một dự án kinh tế nhằm nâng cao mức sống bằng cách tăng tính hiệu quả các việc phân bổ nguồn lực, theo đuổi các nguyên tắc lợi thế so sánh, nâng cao cạnh tranh, tận dụng lợi thế của các nền kinh tế lớn và củng cố sự ổn định kinh tế. Quan trọng hơn, đó là một dự án chính trị nhằm mục đích tăng cường liên kết chính trị của châu Âu, đưa các nước và người dân ở châu lục này xích lại gần nhau và đảm bảo cùng tồn tại hoà bình.

Song trên thực tế, đồng euro đã không đạt hai mục tiêu chính về hội nhập chính trị và phồn thịnh. Những mục tiêu này hiện nay ngày càng xa vời hơn trước thời điểm thành lập khu vực đồng euro. Thay vì hoà bình và hoà hợp, các nước châu Âu nhìn nhau một cách ngờ vực và giận dữ. Các khuôn mẫu cũ đang hồi sinh, như Bắc Âu chỉ trích Nam Âu lười biếng và không đáng tin cậy haynhững hồi ức về cách hành xử của nước Đức trong các hai cuộc chiến tranh thế giới lại tái hiện.

Khu vực đồng euro đã có khiếm khuyết lúc mới khai sinh. Tính đa dạng đã từng là sức mạnh của châu Âu. Song đối với một đồng tiền chung áp dụng cho một khu vực với nhiều sự đa dạng kinh tế và chính trị là điều không dễ. Một đồng tiền chung kéo theo một tỉ giá hối đoái cố định giữa các nước và một tỉ lệ lãi suất chung. Thậm chí nếu những yếu tố này có chiều hướng phản ánh hoàn cảnh ở đại đa số các nước thành viên, thì với sự đa dạng kinh tế, cần có một tập hợp các thể chế có thể giúp các nước này mà các chính sách hiện nay không thực sự phù hợp. Châu Âu đã không xây dựng được các thể chế này.

Tồi tệ hơn, cơ cấu của khu vực đồng euro được xây dựng theo những ý tưởng về điều kiện cần thiết cho sự thành công về kinh tế. Ví dụ, khác với Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có sứ mệnh tập trung vào vấn đề lạm phát, bao hàm thất nghiệp, tăng trưởng và sự ổn định. Điều này không dễ dàng vì khu vực đồng euro không được cơ cấu để điều tiết sự đa dạng kinh tế của châu Âu. Cơ cấu, những điều lệ và quy định của khu vực đồng euro không được thiết kế để thúc đẩy tăng trưởng, việc làm và ổn định.

Tại sao các chính khách có thiện ý khi cố gắng xây dựng một châu Âu mạnh hơn, đoàn kết hơn, lại tạo ra điều có kết quả hoàn toàn ngược lại?

Các nhà sáng lập đồng euro mang những tư tưởng và quan điểm về cách thức vận hành kinh tế chỉ thịnh hành khi đó. Họ có niềm tin vào thị trường song thiếu kiến thức về những mặt hạn chế của các thị trường và điều cần thiết để khiến chúng hoạt động.

Nước Đức được đưa ra như là một câu chuyện thành công để các nước khác noi theo nhưng thực tế không phải như vậy. Nền kinh tế Đức đã tăng trưởng 6,8% so với năm 2007, song với tỉ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm chỉ là 0,8%, con số mà trong điều kiện bình thường có thể xem gần với thất bại. Đáng chú ý, những phát triển tại Đức trước khủng hoảng, vào đầu những năm 2000 khi nước Đức thực thi cải cách, bao gồm cắt giảm mạnh mạng lưới an toàn xã hội, đã gây thiệt hại cho những người công nhân bình thường, đặc biệt là những người ở đáy xã hội. Khoảng cách giữa người nghèo và tầng lớp trung bình tăng 9% trong chưa đầy một thập kỷ. Và trong suốt những năm đầu của thế kỷ 21, nghèo đói và bất bình đẳng tiếp tục gia tăng.

Sự phản ứng của châu Âu về kết quả cuộc trưng cầu dân ý Brexit tại Anh cũng "cay nghiệt” giống như phản ứng sau khi người dân Hy Lạp bỏ phiếu bác bỏ từ chối gói cứu trợ với điều kiện hà khắc vào tháng 6/2015.

Những hậu quả kinh tế và chính trị của Brexit dĩ nhiên sẽ phụ thuộc nhiều vào phản ứng của châu Âu. Hầu hết giả thuyết cho rằng châu Âu sẽ không "cắt mũi mình để làm mất mặt mình". Xây dựng mối quan hệ kinh tế tốt nhất phù hợp với nguyện vọng dân chủ và tâm tư của những người ở bên hai bờ Eo biển Măng Sơ là có lợi cho cả hai bên. Bất cứ điều gì EU làm cho Anh với mục đích trừng phạt sẽ có tác dụng ngang bằng và ngược lại là gây tổn thất cho chính mình. Thực tế các thị trường chứng khoán châu Âu giảm giá đáng kể và các ngân hàng châu Âu chịu thiệt hại nặng nề ít nhất cho thấy Brexit gây ảnh hưởng xấu cho chính cả châu Âu.

Song Chủ tịch Uỷ ban EU, Jean-Claude, đã đưa ra một đường lối cứng rắn: châu Âu cần phải thẳng tay trừng phạt và cần phải đưa ra ít nhượng bộ hơn những gì đã dành cho Anh nhằm ngăn chặn các nước gia thành viên khác vội vã rút lui.

Có thể mô tả Liên minh Tiền tệ châu Âu (EMU) như là một vụ hôn phối không hạnh phúc và đầy rắc rối, vì nó là liên minh của 19 nước khác biệt rõ rệt đang ràng buộc với nhau. Giống như trong một cuộc hôn nhân lục đục, cái giá của sự chia ly có thể rất cao về mặt tài chính và tình cảm, song cái giá của việc ở lại có thể thậm chí còn lớn hơn nữa.

Một trong những bài học kinh tế đầu tiên đó là hãy để quá khứ trở thành dĩ vãng. Người ta cần luôn đặt ra câu hỏi: Chúng ta đang ở đâu? Chúng ta cần làm gì? Ở cả hai bờ của biển Măng Sơ, các nền chính trị cần phải hướng đển sự hiểu biết những nguồn cơn sâu xa của sự giận dữ.

Trong nền dân chủ, tổ chức chính trị có thể đã làm quá ít để giải toả những lo ngại của quá nhiều người dân và tìm ra cách thức để thực hiện điều đó hiện nay: tạo ra trong phạm vi mỗi nước và thông qua các thoả thuận xuyên biên giới một châu Âu mới và dân chủ hơn vốn coi mục tiêu hàng đầu là nâng cao phúc lợi của những người dân thường.

Mặc dù có nhiều lý do để bi quan, song điều quan trọng hơn là cũng có những lý do để hy vọng. Bởi có rất nhiều người trên khắp châu Âu giữ vững niềm tin vào dự án châu Âu. Và khắp châu Âu, có những con người trẻ tuổi đã tham gia các cuộc biểu tình tuần hành vì một châu Âu khác, một châu lục mà trong đó các hiệp định thương mại mới không chỉ phục vụ cho lợi ích công ty mà cho lợi ích xã hội rộng hơn.

Hy vọng rằng cú sốc về kết quả Brexit sẽ làm dậy sóng ở cả hai bên bờ Biển Măng Sơ để dẫn tới một EU thực sự đổi mới.

Xuân Hương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên