Đây có phải lý do thiên tài Warren Buffet đặt cược tới gần nửa tài sản vào cổ phiếu Apple?
Người ta gọi Warren Buffet là "nhà tiên tri xứ Omaha". Hiện tại, 43% tổng trị giá danh mục đầu tư của "nhà tiên tri" đang được dành cho Apple.
- 11-07-2020Bloomberg: Elon Musk hiện đã giàu hơn cả Warren Buffett
- 11-07-2020Tài sản của tỷ phú giàu nhất châu Á bất ngờ vượt Warren Buffett
- 09-07-2020Lý do vì sao Warren Buffett “quay trở lại cuộc chơi” ngay trước sinh nhật tuổi 90 dù “im hơi lặng tiếng” suốt một thời gian dài
Khi ảnh hưởng của Covid-19 lên nước Mỹ đang đi vào giai đoạn tồi tệ nhất, Tim Cook và bộ sậu lại đón nhận một tin tức đặc biệt: giá trị vốn hóa Apple đã lên tới mức đỉnh 1,6 nghìn tỷ USD. Cho đến giờ, vẫn chưa một gã khổng lồ công nghệ nào khác có thể đạt được con số "khủng" này.
Trong số các cổ đông lớn của Apple có một tỷ phú nổi tiếng: Warren Buffet. Hiện tại, cổ phiếu Apple đang chiếm tới 43% giá trị tổng danh mục đầu tư của công ty Berkshire Hathaway do ông sáng lập. Đây là mức tăng khổng lồ khi vị tỷ phú này mới chỉ bắt đầu đầu tư vào Apple cách đây 4 năm (đầu 2016). Tháng 2 vừa qua, Buffet đã lên tiếng tuyên bố Apple là "doanh nghiệp tốt nhất mà tôi biết trên thế giới này".
Và đằng sau lòng tin của nhà đầu tư nổi tiếng nhất thế giới cũng là lý do vì sao các đối thủ phải thực sự lo lắng về những bước đi Apple CHƯA thực hiện.
Apple là khoản đầu tư thành công nhất của "nhà tiên tri xứ Omaha".
Trước hết, bạn cần hiểu rằng đầu tư cổ phiếu là cuộc chơi của tương lai chứ không phải là hiện tại. Nói một cách đơn giản, cổ phiếu dù có trị giá lớn đến đâu cũng vẫn là không có nghĩa nếu như bạn không thể bán ra với giá cao hơn giá mua vào. Việc Warren Buffet mua và nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu Apple (hiện tại trị giá 89 tỷ USD) cho thấy giá cổ phiếu Apple vẫn sẽ gia tăng. Nói cách khác, ông tin tưởng rằng Apple sẽ còn hùng mạnh hơn nữa trong tương lai.
Hiển nhiên, nói đến tương lai là nói đến những điều Apple CHƯA làm, hay nói cách khác là những bước đi CÓ THỂ thực hiện bất cứ lúc nào nhưng lại để dành tới thời điểm thích hợp mới ra đòn. Ví dụ điển hình có thể kể đến iPhone 6 và 6 Plus. Vào đầu thập niên 2010, nhu cầu dành cho iPhone màn hình lớn đã ngay lập tức gia tăng sau khi các hãng Android (mà điển hình là Samsung) tiên phong cho cuộc chiến phablet. Nhưng trong khi Android có kích cỡ 5 inch từ tận 2010/2011, Apple đợi tới tận 2014 mới có iPhone 4.7 inch.
Bạn có thể nghĩ Apple đã chậm chân, nhưng sự thật là Tim Cook đã đọc vị thị trường rất chuẩn xác. Trong những năm từ iPhone 4 đến iPhone 5s, người dùng tuy có thèm muốn màn hình lớn nhưng vẫn KHÔNG từ bỏ nhà Táo. Doanh số iPhone vẫn liên tục tăng trưởng qua từng năm. Phải tới khi nhu cầu trở nên gay gắt, Apple mới "tung chiêu" và ngay lập tức đạt được thành công khổng lồ: doanh số iPhone cuối năm 2014 tăng vọt, Apple thậm chí còn vượt mặt Samsung chiếm lấy vị thế số 1 thị trường. Vài tháng sau đó, Apple cũng là kẻ đầu tiên cán mốc 700 tỷ USD trị giá thị trường.
Sự khôn ngoan của Tim Cook thể hiện qua những bước đi từ tốn, đúng thời điểm.
Rất nhiều bước đi khác của Apple mang màu sắc tương tự, khi Apple không vội vã tung ra tất cả những gì mình có mà chậm rãi đi từng bước vững chãi. Ví dụ, năm nay là năm chứng kiến Apple trở với tầm trung cùng iPhone SE giá 400 USD. Ở mức giá này, iPhone mới nhất cho thấy sức hút đặc biệt của smartphone Táo trên phân khúc giá rẻ khi bán được tới 1 triệu máy tại Trung Quốc ngay giữa mùa dịch. Nhưng nếu chiến lược SE đúng đắn tới vậy, tại sao Apple lại đợi tới 4 năm mới ra mắt sản phẩm 400 USD tiếp theo?
Lý do là bởi năm 2017, iPhone X giá nghìn đô vẫn đạt kỷ lục doanh số. Tập trung vào phân khúc siêu cấp và cao cấp trong những năm tiếp theo là hợp lý để tối ưu lợi nhuận. Phải đến khi thị trường smartphone đã thực sự bão hòa, và phải đến khi Apple cần đặt mục tiêu doanh số lên trên lợi nhuận (để thúc đẩy mảng dịch vụ), iPhone SE mới nên trở lại.
Hoặc, từ từ "rót" tính năng cũng là một chiến lược chậm mà chắc khác của Apple. iPhone 11 cho thấy iPhone hoàn toàn có thể có pin lớn và 3 camera. Nhưng Tim Cook không tung ra các tính năng này từ thế hệ X hay XS mà đợi tới iPhone 12, cũng là khi thiết kế tai thỏ đã đủ 2 năm tuổi và trở nên quá lỗi thời. Nói cách khác, Tim Cook đợi đến khi sức hút thiết kế xuống mức thấp nhất rồi mới tung ra 2 tính năng mà người dùng thực sự cần.
Sắp tới đây, iPhone 12 cũng sẽ có cảm biến LiDAR phía sau lưng và thiết kế mới (2 mặt kính). Chỉ như vậy đã là quá đủ để duy trì doanh số. Những cải tiến hấp dẫn như màn hình 120Hz, camera dưới màn sẽ còn được để dành cho tương lai xa.
Có rất nhiều điều Apple có thể làm để gây tổn hại nặng tới các đối thủ Android - câu hỏi là khi nào?
Một lần nữa, hãy lưu ý rằng Apple chậm chân không phải vì không thể, mà là vì toan tính. Ví dụ như màn hình chẳng hạn: trong toàn bộ lịch sử iPhone, Apple luôn mua linh kiện từ Samsung. Apple hoàn toàn có thể mua màn hình 5 inch từ 2011 hay 2012, và dĩ nhiên cũng có thể mua màn hình 120Hz từ năm nay (hoặc năm ngoái). Nhưng Tim Cook sẽ không làm vậy - ông sẽ chờ đợi đến đúng thời điểm mới tung chiêu.
Chính điều này khiến cho Apple trở nên thực sự đáng sợ đối với các hãng Android. Có rất nhiều điều Apple CHƯA làm nhưng một khi đã làm là sẽ gây ảnh hưởng mạnh tới Android. Một chiếc iPhone SE sẽ gây ảnh hưởng mạnh đến doanh số Android cận cao cấp. Những nhà máy Foxconn tại Ấn Độ sẽ khiến thị phần của Samsung và Xiaomi bị ảnh hưởng nặng. Mức giá đầu bảng hạ nhỏ giọt 50 USD/năm sẽ giúp thị phần thống trị của Apple trên phân khúc cao cấp ngày càng gia tăng. Đó đều là những điều Apple có thể làm, và sẽ làm khi cân bằng được tham vọng về lợi nhuận, mục tiêu phát triển chéo hay những toan tính lâu dài khác.
Người ta gọi Warren Buffet là "nhà tiên tri xứ Omaha" bởi ông thường xuyên dự đoán đúng khoản đầu tư nào sẽ sinh lời dài hạn. Hiện tại, "nhà tiên tri" số 1 Phố Wall đang đánh cược gần một nửa tài sản của mình vào tương lai của Apple. Nếu như Warren Buffet cho rằng tương lai của Apple sẽ tươi sáng hơn, các đối thủ của Apple sao có thể dám chắc rằng tương lai của họ sẽ không u ám hơn?
Trí Thức Trẻ