Dày đặc trạm bê tông trái phép: Chính quyền có vô can?
Từ báo cáo của UBND quận Hoàng Mai gửi thành phố Hà Nội, rất nhiều sai phạm nghiêm trọng về quản lý đất đai ở phường Lĩnh Nam và Thanh Trì đã lộ diện, đặc biệt là tình trạng buông lỏng quản lý để hàng loạt trạm trộn bê tông hoạt động sai quy định nhiều năm.
“Vượt mặt” cơ quan chức năng
Gần chục năm nay, người dân đoạn đê Nguyễn Khoái hay đường Thúy Lĩnh, Lĩnh Nam… phải sống chung với tình trạng bụi bặm, xi măng bốc mù mịt. Nguyên nhân chính khiến cho đường đê Nguyễn Khoái, đoạn qua địa phận phường Lĩnh Nam, Thanh Trì (quận Hoàng Mai) liên tục bị quần nát bởi các xe trộn bê tông, xe Howo trọng tải lớn chính là các trạm trộn bê tông tươi phía ngoài đê.
Theo tìm hiểu của phóng viên, khu vực này có mật độ trạm bê tông cực lớn. Trên địa bàn phường Lĩnh Nam có trạm trộn của Cty CPĐT Sông Đà - Việt Đức, phường Thanh Trì có 4 trạm trộn: Xí nghiệp Thành An 115, Cty CPĐT và XD Việt Hàn, Cty TNHH Việt Đức và Cty CP bê tông xây dựng A&P. Trong đó, có các trạm trộn hoạt động không phép lâu năm mà không gặp sự cản trở nào. Chủ tịch UBND phường Thanh Trì Dương Văn Hoà thông tin: Có trạm trộn bê tông hoạt động để phục vụ xây dựng cầu Thanh Trì từ năm 2002. Nhưng đến khi hoàn thành cầu vào năm 2010 trạm trộn bê tông này không những không chuyển đi mà lại tiếp tục cho thuê lại để hoạt động.
Lý giải về sự ngang nhiên của các trạm bê tông trên địa bàn phường, ông Hoà cho rằng: Đây là những tồn tại từ quá khứ, giờ cơ quan chức năng chỉ có chức năng giữ nguyên hiện trạng theo đúng kết luận Thanh tra của Sở TNMT năm 2013. Thực tế, kết luận này yêu cầu giữ nguyên hiện trạng không phát sinh thêm để các doanh nghiệp hoàn thành thủ tục thuê đất với thành phố chứ không hề cho phép các trạm trộn tiếp tục hoạt động. Đến lúc này, lãnh đạo phường Thanh Trì lý giải: “Ghi là giữ hiện trạng nhưng anh em có thể hiểu là như vậy”.
Một trạm trộn điển hình nữa là Cty Cổ phần Sông Đà - Việt Đức, hiện đơn vị này đang sử dụng có 21.422m2 xây trạm trộn công suất 180m3/giờ tại khu vực bãi Nghè, phường Lĩnh Nam từ năm 2010. Trạm trộn này đã hết giấy phép từ lâu nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động. Trong báo cáo UBND quận Hoàng Mai gửi thành phố Hà Nội: Tại thời điểm kiểm tra ngày 15/7/2016, hiện trạng trạm trộn này không thay đổi so với kết luận của Sở TNMT năm 2013. Tuy nhiên, ông Phạm Hùng Lân, Hạt trưởng Hạt quản lý đê điều số 3, Chi cục Đê điều Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, ngày 2/11/2015, Cty CP Sông Đà - Việt Đức có gửi văn bản đến Chi cục để xin xây dựng một cối trộn bê tông mới. Mặc dù không được chấp thuận, nhưng đơn vị này vẫn xây dựng công trình.
Theo Thượng tá Lê Văn Tâm, Phó trưởng phòng Cảnh sát Môi trường, CATP Hà Nội, trong quá trình sản xuất bê tông sẽ phát sinh nước rửa máy trộn, rửa bề mặt, chất thải rắn… do đó, tất cả các trạm trộn bê tông trước khi hoạt động đều phải có cam kết hoặc đề án đánh giá tác động môi trường cùng đảm bảo đất đủ điều kiện để sản xuất. Nếu ở cạnh bờ sông, chắc chắn sẽ phát sinh thải trực tiếp, ảnh hưởng đến nguồn nước và nguồn đất xung quanh.
“Ngó lơ” sai phạm?
Theo tìm hiểu của PV, khởi nguồn hình thành các trạm trộn bê tông trên là do trên địa bàn phường Lĩnh Nam, Thanh Trì có tình trạng buông lỏng quản lý kéo dài nhiều năm. Thậm chí, chính quyền địa phương cũng trực tiếp ký hợp đồng cho thuê đất công trái thẩm quyền với mức giá “bèo”, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp khác cho thuê đi - thuê lại trái pháp luật để làm nhà xưởng, trạm trộn bê tông hoạt động sai quy định nhiều năm.
Đơn cử, Công ty CP Thương mại và Xây dựng Hồng Anh ký Hợp đồng giao khoán số 01/HĐ-GK ngày 6/9/2005 với UBND phường Thanh Trì thuê 16.966m2 với mức giá 10.195.200đồng/năm. Ngay sau đó, Cty CP Thương mại và Xây dựng Hồng Anh chỉ sử dụng 4503m2, số còn lại được doanh nghiệp này tự ý cho các doanh nghiệp khác thuê lại, hiện nay trên phần đất Cty Hồng Anh cho thuê lại đang tồn tại 33 công trình xây dựng trái phép. Theo hợp đồng, ngày 6/9/2010, Hợp đồng giao khoán nêu trên đã hết hạn, nhưng đến nay UBND phường Thanh Trì vẫn “phóng khoáng” cho phép doanh nghiệp này hoạt động trên diện tích đất thuê hết hạn 6 năm trước.
Ở Lĩnh Nam, UBND phường cũng trực tiếp ký hợp đồng trái thẩm quyền cho doanh nghiệp thuê đất, buông lỏng cho một số cá nhân và doanh nghiệp tự thuê gom đất giao cho dân theo Nghị định 64, sau đó cho thuê lại hơn 200.000m2 để các đơn vị khác làm kho bãi, xây dựng trạm trộn bê tông trên hành lang thoát lũ sông Hồng.
Làm việc với PV Tiền Phong, lãnh đạo UBND phường Lĩnh Nam và Thanh Trì thừa nhận có sai phạm trong việc quản lý đất đai khi ký hợp đồng cho thuê sai thẩm quyền, để cho doanh nghiệp tự ý cho thuê lại nhiều lần làm kho bãi, trạm trộn bê tông hoạt động rầm rộ suốt ngày đêm. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND phường Thanh Trì đều đổ lỗi “lịch sử để lại”. Thậm chí, trong Thông báo yêu cầu doanh nghiệp dọn dẹp mặt bằng thực hiện công tác phòng chống bão lụt năm 2016, UBND phường Lĩnh Nam còn “bỏ quên” cả trạm bê tông Sông Đà - Việt Đức nằm trong hành lang thoát lũ sông Hồng.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, địa bàn quận Hoàng Mai tồn tại 13 trạm trộn bê tông, trong đó gần 1 nửa chưa được cấp phép. Các trạm trộn đều hoạt động cả mùa mưa lũ, thường xuyên có xe quá tải đi trên đê, đổ xỉ bê tông và bê tông thải làm cản trở dòng chảy. Mặc dù đã kiến nghị, yêu cầu giải tỏa những trạm trộn không phép nhưng đến nay các trạm này vẫn tồn tại và tiếp tục hoạt động.
Tiền phong