Đây là bí quyết giúp Zara tạo nên cơn sốt thời trang trên toàn cầu
Zara nổi tiếng vì khả năng đưa mẫu mã mới đến các cửa hàng nhanh chóng và chính xác đến từng đơn vị.
- 10-09-2016Nhìn từ "hiện tượng" Zara để thấy tại sao các hãng thời trang ngoại lại coi thị trường Việt Nam là mỏ vàng?
- 09-03-2016Tập đoàn đứng sau thương hiệu thời trang Zara có kế hoạch mở cửa hàng ở Việt Nam trong năm nay
- 27-10-2015Ông chủ Zara, vị tỷ phú lập nghiệp ở tuổi 40
Arteixo là một thị trấn nhỏ nằm ở miền Tây Bắc của Tây Ban Nha, bên bờ Đại Tây Dương và được bao quanh bởi những làng chài. Ở trung tâm thị trấn là một tòa nhà bằng kính nằm giữa những thảm cỏ xanh rì. Đó chính là trụ sở của Zara – công ty được coi là đã phát minh ra mô hình thời trang nhanh cách đây 2 thập kỷ và phát triển nó trở thành một thành công vang dội. Tòa nhà có tên là Cube.
Những nhân viên của Zara coi Cube như bộ não của hãng, bởi đây là trung tâm xử lý công việc của đế chế thời trang được xây dựng trên một ý tưởng khác xa với truyền thống: tốc độ và mức độ đáp ứng nhu cầu của khách hàng được coi trọng hơn yếu tố chi phí.
Zara nổi tiếng vì khả năng đưa mẫu mã mới đến các cửa hàng nhanh chóng và chính xác đến từng đơn vị. Hai lần mỗi tuần, vào đúng thời điểm nhất định, các cửa hàng trưởng sẽ gửi yêu cầu về quần áo và cứ đều đặn hai lần mỗi tuần quần áo mới sẽ được chuyển đến.
Trong một bài phỏng vấn với Refinery 29 mới được đăng tải hồi đầu năm nay, CCO Jesús Echevarría của công ty mẹ của Zara là Inditex đã bật mí về “vũ khí bí mật” của Zara: một “trung tâm xử lý dữ liệu” chạy 24/7. Trung tâm này cho phép từng cửa hàng theo dõi các số liệu về doanh số mỗi ngày. Được mở ra cách đây 1,5 năm, trung tâm được kết nối với tất cả các cửa hàng bán lẻ của hãng trên toàn cầu để xử lý số liệu theo thời gian thực.
Một nhóm khác sẽ theo dõi phản hồi của khách hàng, ngồi cùng tầng với nhóm thiết kế.
Quy trình này giúp Zara kiểm soát dây chuyền sản xuất tốt hơn các nhà bán lẻ khác. Khoảng một nửa số lượng sản phẩm được làm ra ở Tây Ban Nha hay các nước lân cận. Đối với Zara mà nói, chuỗi cung ứng chính là lợi thế cạnh tranh.
Thành công của Zara còn nằm ở độ phủ sâu rộng trên khắp thế giới. Tây Ban Nha luôn là thị trường lớn nhất của hãng. Tuy nhiên, Vào năm 1988, công ty bắt đầu mở rộng ra thị trường quốc tế qua Porto, Bồ Đào Nha. Trong năm 1989, thương hiệu tiến vào Hoa Kỳ, và sau đó là Pháp trong năm 1990. Hiện Zara có hơn 2.100 cửa hàng tại 83 quốc gia trên thế giới. Mới đây nhất, hãng chính thức mở cửa hàng ở Việt Nam và gây ra cơn sốt khiến bất kỳ hãng thời trang nào cũng phải thèm muốn.
Năm 2013, Trung Quốc vượt Pháp để trở thành thị trường lớn thứ hai thế giới của Zara xét về số cửa hàng với 142 cửa hàng. Đây là thành công đặc biệt bởi mở rộng ở thị trường Trung Quốc luôn là một thách thức lớn đối với mọi nhà bán lẻ. Hơn nữa Zara còn là một công ty toàn cầu có thể thành công mà không phải điều chỉnh cho phù hợp với địa phương.
Theo Felipe Caro, giáo sư tại ĐH California, bí mật thành công của Zara là ở cấu trúc quyền lực tập trung, quá trình đưa ra và thực hiện quyết định nhịp nhàng trơn tru.
Nằm cạnh Cube là trung tâm phân phối chính rộng lớn. Mỗi năm khoảng 450 triệu sản phẩm được sản xuất ra, trong đó 150 triệu chiếc được phân loại và kiểm tra ở trung tâm này. Dù một chiếc áo được làm ra ở Bồ Đào Nha hay Morocco, ở Trung Quốc hay Bangladesh, nó vẫn được chuyển đến Tây Ban Nha trước khi đến cửa hàng.
Trong khu này còn có 11 nhà máy của Zara. Mỗi chiếc áo sơ mi, áo len hay váy được làm ra ở đây sẽ được gửi trục tiếp đến trung tâm phân phối bằng hệ thống tàu điện ngầm tự động. Các vùng lân cận có rất nhiều nhà thầu phụ từng làm việc cho công ty từ thời Amancio Ortega thành lập Zara năm 1975.
Năm nay đã ngoài 80 tuổi và vừa vượt qua Bill Gates để trở thành tỷ phú giàu nhất thế giới trên bảng xếp hạng của Forbes, hiện Armancio Ortega là Chủ tịch của Inditex – tập đoàn được ông thành lập với cốt lõi là Zara – cho đến tận năm 2011. Inditex còn sở hữu 7 thương hiệu thời trang khác và trở thành nhà bán lẻ quần áo lớn nhất thế giới.
Ortega vẫn giữ một bàn làm việc ở trước cửa phòng riêng tại Cube. Ông ngồi giữa các nhà thiết kế, nhân viên marketing, nhân viên lên kế hoạch… Ở đó còn có thông tin về những gì đang được bán, những gì đang bán chạy nhất hay đang ế tại các cửa hàng trên toàn thế giới. Điều này cho phép bộ phận thiết kế nhanh chóng thay đổi cho phù hợp.
Các nhà máy ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Morocco và Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất những sản phẩm hợp mốt nhất và chiếm khoảng một nửa hàng trong kho của Zara. Những chiếc áo phông, áo len và các sản phẩm cơ bản, truyền thống hơn sẽ được sản xuất tại những nhà máy ở châu Á, nơi có chi phí nhân công thấp hơn, và sau đó lại chuyển về Tây Ban Nha bằng đường biển.
Khi hàng mới đã được kiểm tra, phân loại và gắn tag xong, chúng được đóng gói ngay trong đêm, chất lên những xe tải và chuyển ngay đến các cửa hàng hay đến sân bay. Hầu hết các cửa hàng sẽ nhận được hàng muộn nhất là sau 48 giờ.
Zara có thể chịu được nếu chi phí nhân công và vận chuyển tăng lên bởi hãng không phải giảm giá để cạnh tranh như các đối thủ. Tiền quảng cáo cũng không nhiều mà hàng vẫn bán “đắt như tôm tươi”. Tỷ lệ hàng tồn thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình của ngành.