MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là cách mà công nghệ Blockchain sẽ làm thay đổi ngành vận tải biển thế giới và giúp kim ngạch thương mại toàn cầu tăng thêm 1.000 tỷ USD

20-04-2018 - 14:07 PM | Tài chính quốc tế

Đây sẽ là một cuộc cách mạng trong hệ thống thương mại toàn cầu ở một quy mô "tầm cỡ" chưa từng có kể từ khi chuẩn hóa kích thước container vào những năm 1960, sự thay đổi đã mở ra thời đại toàn cầu hóa.

Toàn cầu hóa đã đem đến cho thế giới những mạng lưới thương mại tiên tiến nhất từ trước đến nay, với những con tàu "khủng" chạy với tốc độ nhanh chưa từng thấy trước đây, những cảng biển do robot vận hành và cơ sở dữ liệu máy tính khổng lồ theo dõi hành trình của hàng hóa. Thế nhưng tất cả hệ thống vận tải hiện đại bậc nhất này vẫn phải phụ thuộc vào hàng đống văn bản chứng từ.

"Tàn dư" cuối cùng của hệ thống vận tải thế kỷ 19 này sắp đến hồi kết thúc, khi A.P. Moeller-Maersk A/S và nhiều hãng vận tải container khác đã bắt tay với các công ty công nghệ để nâng cấp mạng lưới logistics phức tạp nhất thế giới này.

Đây sẽ là một cuộc cách mạng trong hệ thống thương mại toàn cầu ở một quy mô "tầm cỡ" chưa từng có kể từ khi chuẩn hóa kích thước container vào những năm 1960, sự thay đổi đã mở ra thời đại toàn cầu hóa. Tuy nhiên, tiến trình cách mạng cũng to lớn như chính những biến động mà nó sẽ tạo ra sau này. Để thực hiện điều này, hàng loạt hãng vận tải biển và hàng trăm doanh nghiệp có liên quan khác trên toàn thế giới, trong đó có các nhà máy, ngân hàng, bảo hiểm, môi giới và cả các đơn bị quản lý cảng, sẽ phải cùng nhau xây dựng một quy ước hợp nhất tất cả các hệ thống mới vào một nền tảng khổng lồ duy nhất.

Nếu thành công, các thủ tục giấy tờ vốn phải mất nhiều ngày mới có thể hoàn thành sẽ được hoàn tất chỉ trong vài phút, mà phần lớn quy trình này không cần đến sự can thiệp của con người. Nhờ vậy mà chi phí vận chuyển hàng hóa qua các lục địa có thể được cắt giảm đáng kể, giúp doanh nghiệp có thêm động lực để thay đổi địa điểm sản xuất hay các hàng hóa và nguyên liệu đầu vào từ nước ngoài.

Rahul Kapoor, một nhà phân tích của Bloomberg Intelligence ở Singapore nhận định rằng đây sẽ là đổi mới lớn nhất trong ngành logistics kể từ khi containter được chuẩn hóa. Theo chuyên gia này, cuộc cách mạng nói trên về cơ bản sẽ giúp cho hoạt động vận tải được minh bạch và hiệu quả hơn, và các hãng vận tải biển nhờ vậy sẽ bước ra khỏi các vỏ ốc của chính mình để bắt kịp với công nghệ.

Chìa khóa của cuộc cách mạng trong ngành logistics, cũng như nhiều ngành khác, từ dầu mỏ cho đến tiền kỹ thật số, chính là công nghệ blockchain, một cuốn sổ cái điện tử cho phép các giao dịch được xác minh một cách độc lập. Và những lợi ích của nó không chỉ dừng lại ở vận tải biển, khi việc nâng cao hiệu quả của các phương tiện liên lạc và công tác quản lý biên giới bằng cách sử dụng blockchain có thể giúp kim ngạch thương mại toàn cầu tăng thêm 1.000 tỷ USD, theo dự đoán của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Tháng trước, hãng tàu APL Ltd., thuộc sở hữu của hãng vận tải container lớn thứ ba thế giới CMA CGM SA, cùng với nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới Anheuser-Busch InBev NV, công ty tư vấn công nghệ Accenture Plc, một tổ chức thuế quan của châu Âu và nhiều công ty khác cho biết đã thử nghiệm một nền tảng hoạt động dựa trên công nghệ blockchain. Năm ngoái, hãng vận tải của Hàn Quốc Hyundai Merchant Marine Co. cũng đã tiến hành những đợt chạy thử một hệ thống do Samsung SDS Co phát triển.

Việc theo dõi các giấy tờ vận tải bắt đầu từ khi chủ sở hữu hàng hóa đặt tàu vận chuyển. Các giấy tờ phải được điền đầy đủ và nhận được chấp thuận thì hàng hóa mới có thể vào/ra cảng. Để thực hiện một chuyến hàng, nhân viên của các công ty xuất nhập khẩu phải "vác" hàng đống hồ sơ đến gõ cửa một loạt các cơ quan, ngân hàng, cục thuế và các thể chế có liên quan khác.

Năm 2014, Maersk đã tiến hành dõi theo một container đông lạnh chở hoa hồng và quả bơ từ Kenya sang Hà Lan. Công ty này nhận ra rằng gần 30 cá nhân và tổ chức phải tham gia vào quá trình xử lý giấy tờ trong suốt hành trình sang châu Âu, và phải mất khoảng 34 ngày thì những bông hoa hồng và quả bơ trong chuyến hàng này mới từ nông trại đến được với các nhà bán lẻ, trong đó có 10 ngày chờ các bên xử lý giấy tờ. Thế nhưng, một trong những chứng từ quan trọng lại không thấy đâu và mãi đến sau đó người ta mới phát hiện ra nó nằm lọt thỏm trong cả "núi" giấy tờ khác. Cuộc khảo sát về hành trình của chứng từ vận tải nói trên mà Maersk thực hiện đã hé lộ các chứng từ vận tải và quá trình xử lýchúng đã gây rắc rối cho hoạt động thương mại như thế nào và những hậu quả của nó.

Chính vì vậy, hãng vận tải container lớn nhất thế giới này đã phải thừa nhận rằng các thủ tục giấy tờ dù cần thiết cho thương mại quốc tế song cũng là một trong những gánh nặng lớn nhất đối với hoạt động này. Maersk đã chung tay với công ty International Business Machines Corp. để áp dụng phần mềm theo dõi thời gian thực sử dụng công nghệ blockchain đối với hàng hóa và giấy tờ của hãng.

Các thủ tục giấy tờ lằng nhằng như vậy chính là một trong những nguyên nhân khiến ngành vận tải biển trì trệ so với các ngành khác trong việc chuyển đổi sang các hình thức điện tử. Một loạt các ngôn ngữ, quy định và những tổ chức khác nhau cùng góp mặt vào quá trình vận chuyển hàng hóa trước đây đã khiến cho công tác chuẩn hóa trong ngành này tiến triển một cách "ì ạch".

Thay vào đó, ngành vận tải biển đã dựa vào những tiến bộ trong công nghệ vận tải và xếp dỡ hàng hóa để nâng cao hiệu quả hoạt động. Những con tàu Clipper mũi hẹp buồm trắng đã được thay thế bởi những con tàu hơi nước và sau đó là những "con thủy quái" hiện đại chạy bằng dầu như ngày nay. Nếu như những năm 1850, phải mất hàng tháng trời thì trà mới được vận chuyển từ Trung Quốc sang đến London, thì giờ đây hành trình này chỉ gói gọn trong khoảng 30 ngày.

Cuộc cách mạng lớn nhất trong ngành vận tải biển tính đến thời điểm hiện tại diễn ra vào những năm 1960, khi ngành này sử dụng những container được chuẩn hóa về kích thước như ngày nay để thay thế cho những chiếc thùng gỗ, hòm hay bao tải mà những công nhân xếp dỡ hàng hóa phải bốc vác trên cảng suốt mấy thế kỷ.

Việc chuyển đổi sang một hệ thống điện tử đồng nhất sẽ là một thách thức lớn trong trường hợp hàng hóa của nhiều nhà cung cấp khác nhau cùng được vận chuyển trong một container, đến hàng nghìn khách hàng ở một loạt các quốc gia khác nhau, vì không phải ai cũng muốn áp dụng cùng một nền tảng và giải pháp blockchain như nhau. 

Bên cạnh đó, các hãng vận tải biển còn phải thuyết phục các cảng và các cơ quan khác có liên quan trong hành trình của hàng hóa sử dụng hệ thống của họ. Maersk cho biết nhà vận hành cảng biển PSA International Pte. ở Singapore và APM Terminals ở Hague, Hà Lan sẽ sử dụng nền tảng của hãng này. APL và Accenture thì dự định sẽ thử nghiệm sản phẩm của mình vào cuối năm nay. Accenture cũng đã chạy thử công nghệ của hãng trên nhiều chuyến hàng thử nghiệm từ bia cho đến các sản phẩm y tế. Chuyên gia Kapoor cho rằng hiệu quả tiết kiệm chi phí có thể sẽ được thể hiện trên kết quả tài chính của các công ty này trong khoảng hai năm tới.

Theo K D Adamson, CEO của tập đoàn Futurenautics Group, ngành vận tải biển cần phải rũ bỏ tư duy rằng đây là một ngành đơn độc, mà phải bắt đầu nghĩ về cách phối kết hợp các nhân tố khác nhau của ngành này với các hệ sinh thái khác, trong đó có công nghệ.

Khánh Ly

Bloomberg

Trở lên trên