Đây là cách Pfizer đang chiến đấu để bảo vệ công thức vắc xin trị giá 36 tỷ USD
Cuộc tranh chấp về giá cả, lợi nhuận và quyền kiểm soát đang định hình cái kết của đại dịch Covid-19, vốn đang khiến cả thế giới điêu đứng.
- 15-11-2021Người đứng sau quyết định từ chối núi USD để mang vắc xin Covid-19 phủ khắp thế giới
- 13-11-2021Châu Âu lại trở thành tâm dịch, tiêm vắc-xin thôi chưa đủ!
- 04-11-2021Chính sách ngoại giao vắc xin có thể mang lại cho Trung Quốc những khoản lợi kếch xù hậu Covid-19
- 03-11-202140 triệu liều vắc xin Covid-19 bị ùn ứ tại quốc gia Đông Nam Á này bất chấp đại dịch đe dọa phục hồi kinh tế
- 22-10-2021Tiêm 1 tỉ liều vắc-xin, Ấn Độ "ăn mừng" theo cách đặc biệt
Màn đấu khẩu bí mật giữa 2 nhân vật "sừng sỏ"
Hai trong số những nhân vật quyền lực nhất trong cuộc chiến chống đại dịch đã đối đầu nhau trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến bí mật về cách cung cấp nhiều vắc xin hơn nữa cho những người nghèo nhất thế giới. Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã nêu ra cái gọi là "sự mất cân bằng khủng khiếp" trong việc phân phối vắc xin.
Ông Ghebreyesus nói rằng không thể chấp nhận được việc các nhà sản xuất bán vắc xin với mức giá cao nhất, vốn chỉ mang lại lợi thế cho những nước giàu vốn đang thừa mứa vắc xin trong khi phần còn lại của thế giới vẫn quay quắt trong đại dịch.
"Thành thật mà nói, tôi chẳng thấy cam kết gì từ các ông", ông Tedros nói.
Đáp lại, Albert Bourla, CEO của Pfizer, đã chỉ trích ông Tedros nói một cách "quá xúc động", điều mà ông Tedros đã bác bỏ ngay sau đó và nhấn mạnh vào nhu cầu cấp bách là có nhiều hơn nữa vắc xin cho thế giới.
Albert Bourla, CEO của Pfizer.
Tuy nhiên, cuộc trao đổi này làm bật lên một sự thật vô cùng khó chịu: Bất bình đẳng vắc xin không tự nhiên mà có. Đó là kết quả từ quyết định mà các CEO công ty dược phẩm và các quan chức chính phủ đưa ra. Gần 1 năm sau mũi tiêm đầu tiên, thế giới vẫn đang tồn tại một thực tế phũ phàng: Trong khi các nước giàu đã tính tới mũi tiêm vắc xin tăng cường, chỉ 6% dân số châu Phi được tiêm chủng đầy đủ vào đầu tháng 11.
Điểm mấu chốt của vấn đề này nằm ở công thức vắc xin, trị giá nhiều tỷ USD, mà các công ty dược đang giữ kín bằng mọi giá.
Ban đầu, cả Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson cùng có chung "ưu tiên" là bán vắc xin cho các nước giàu hơn là các nước nghèo. Tuy nhiên, sau đó, họ đi theo những con đường khác nhau. AstraZeneca dẫn đầu các nhà sản xuất vắc xin phương tây trong khi việc bán thuốc cho các nước nghèo hơn. Pfizer gần đây cũng đang gia tăng lượng thuốc bán cho các nước nghèo.
Moderna, công ty chưa bao giờ sản xuất một loại thuốc được cấp phép nào trước Covid-19, hầu như không mở rộng việc được nguồn cung chủ yếu do những hạn chế xuất khẩu và cam kết sớm với Mỹ và châu Âu. Vắc xin đơn liều của Johnson & Johnson lại không mấy thể hiện được vai trò.
Sở dĩ, AstraZeneca có thể gia tăng lượng thuốc cung cấp cho các nước nghèo phần lớn nhờ hãng đã cấp phép cho một nhà sản xuất Ấn Độ. Pfizer không làm điều tương tự. Dù lượng vắc xin bán cho các nước nghèo đã gia tăng trong thời gian gần đây nhưng công thức trị giá 36 tỷ USD hoàn toàn được giữ bí mật bất chấp đề nghị của thế giới.
Bourla, CEO của Pfizer, gọi quyền sở hữu trí tuệ là "máu cử các công ty tư nhân" và thẳng thắn phản đối những lời yêu cầu chia sẻ công thức. Điều đó xảy ra trong bối cảnh phần lớn thế giới vẫn đang hứng chịu những tác động khủng khiếp của đại dịch. Tuy nhiên, Bourla cho rằng sẽ có đủ vắc xin vào giữa năm tới.
Nước đi xoa dịu thế giới của Pfizer
Hồi tháng 5, Chính quyền Biden cho biết họ ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ để mang lại cú hích cho ngành dược phẩm, đảo ngược việc ủng hộ các quyền sở hữu trí tuệ mà Washington D.C đã tiến hành suốt nhiều năm qua. Bên trong Pfizer, một cuộc tranh luận đã nổ ra. Các giám đốc liên tục nhóm họp để tìm cách tránh bị ảnh hưởng.
Tháng tiếp theo, Pfizer đồng ý bán cho Chính phủ Mỹ 500 triệu liều vắc xin với giá gốc nhằm phân phối cho các nước có thu nhập thấp, sau đó nâng gấp đôi lên 1 tỷ liều. Tuy nhiên, họ từ chối đàm phán với Covax, chương trình của WHO nhằm hỗ trợ cung cấp vắc xin cho các nước nghèo hơn, để gia tăng lượng vắc xin bán cho tổ chức này.
"Các tiếp cận của họ là: Hãy để chúng tôi kiểm soát nguồn cung và chúng tôi sẽ làm việc với các quốc gia để gia tăng các khoản đóng góp. Ngành công nghiệp này hiểu rõ từ bỏ bản quyền là mối đe dọa với mô hình kinh doanh của họ", Giáo sư Brook Baker của Đại học Northeastern nói về Pfizer.
Phân bổ vắc xin của Pfizer, chủ yếu dành cho nước giàu và nước có thu nhập trung bình cao.
Thông điệp mà Bourla gửi tới các nước nghèo hơn là hãy nhanh tay đặt mua sản phẩm mà công ty này đang bán. Với các nước giàu có, Bourla so sánh những mũi tiêm với giá của một bữa ăn nhanh, khoảng 20 USD. Với các nước nghèo hơn, giá rẻ hơn một nửa.
Thực tế, không thể phủ nhận nỗ lực phi thường của Pfizer trong việc tạo ra vắc xin chống Covid-19. Từ những ngày đầu tiên của đại dịch, công ty trụ sở tại New York đã ném mọi thứ họ có vào tìm kiếm một loại vắc xin hiệu quả và tạo ra nó trong một thời gian ngắn kỷ lục. Đây chắc chắn là một trong những bước đột phá nhanh và vĩ đại nhất lịch sử ngành y.
Nếu không có Bourla dẫn dắt, thành tựu đó đã không thể xảy ra. Với tư cách là CEO của công ty, ông đã chơi một canh bạc liều lĩnh với BioNTech của Đức để phát triển loại vắc xin sử dụng công nghệ mRNA chưa được chứng minh. Người đàn ông này còn tuyên bố sẽ chi bất cứ khoản nào cần thiết để tìm ra một loại vắc xin hiệu quả. Ông cũng bật đèn xanh cho việc xây dựng một hệ thống công nghệ cao của riêng Pfizer để đảm bảo vắc xin có thể được giữ an toàn ở câm -70 độ C trong quá trình giao hàng hàng loạt.
Chiến thắng trong màn cược này đã đưa Pfizer trở thành người dẫn đầu trong cuộc đua vắc xin Covid-19 toàn cầu. Đây là loại vắc xin đầu tiên được Mỹ phê duyệt với doanh thu và lợi nhuận cao ngất ngưởng. Đây cũng là loại vắc xin đầu tiên được phê duyệt để tiêm nhắc lại và sử dụng cho trẻ em dưới 12 tuổi.
Tuy nhiên, trước những lời chỉ trích ngày càng gia tăng, các công ty dược có những phương pháp khác để xoa dịu. Họ ký hợp đồng sản xuất bổ sung, đóng chai hoặc liên kết với các công ty khác để gia tăng sản lượng. Các nước tại châu Phi cũng là đích mà họ hướng tới để liên minh nhằm sớm gia tăng sản lượng cho khu vực này. Dù có thể bán thuốc với giá rẻ hơn nhưng họ giữ lại bản quyền cho mình.