MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là cách vụ cháy 4 ngày làm tổn hại Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ trong nhiều năm tới

20-07-2020 - 19:30 PM | Tài chính quốc tế

Một vụ cháy khổng lồ trên tàu đổ bộ tấn công tỷ đô của Hải quân Mỹ kéo dài 4 ngày nhưng có thể khiến Hải quân Mỹ mất tới nhiều năm để lấy lại sức mạnh của mình.

Mỹ căng sức lấp đầy chỗ trống chiếc USS Bonhomme Richard để lại

Giới chức Hải quân Mỹ cho biết vụ hỏa hoạn trên chiếc USS Bonhomme Richard, tàu đổ bộ tấn công đang được bảo trì ở cảng San Diego, sẽ tác động trực tiếp tới sức mạnh của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ.

Theo các chuyên gia, vụ cháy khiến nhiệt độ lên tới mức cao nhất 650 độ C, đủ làm nóng chảy nhôm, phá hủy hệ thống dây điện và các khu vực được cấu thành bởi nhựa và vật liệu dễ cháy như đệm hay đồ dùng văn phòng.

Hiện tại, thiệt hại chính xác từ vụ hỏa hoạn vẫn chưa được đánh giá. Các kỹ sư phải chờ tàu nguội để có thể tiến vào trong và xem xét sự tàn phá của "bà hỏa". Hiện nay, Hải quân Mỹ vẫn đang tiến hành điều tra nguyên nhân vụ việc. Người Mỹ nói rằng còn quá sớm để nói về số phận chiếc USS Bonhomme Richard.

Tuy nhiên, dù tình trạng con tàu có ra sao, tác động dài hạn là đáng kể. USS Bonhomme Richard giống như một chiếc tàu sân bay nhỏ. Nó được nâng cấp để trang bị loại máy bay tàng hình F-35B, mẫu tiêm kích chiến đấu hiện đại nhất của Thủy quân Lục chiến Mỹ.

Đây là cách vụ cháy 4 ngày làm tổn hại Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ trong nhiều năm tới - Ảnh 1.

USS Bonhomme Richard là 1 trong số 4 chiếc tàu của Hải quân Mỹ có khả năng triển khai những chiếc F-35B. Điều đó đồng nghĩa rằng sự vắng mặt trong dài hạn của USS Bonhomme Richard sẽ để lại những khoảng trống trong chiến thuật của Hải quân Mỹ.

Điều này càng trở nên tệ hại hơn khi Mỹ gia tăng căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông. Mối quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ cũng đang rất bất đồng. Thiếu vắng USS Bonhomme Richard và năng lực chiến đấu của nó, Mỹ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược và chiến thuật trong khu vực.

Timothy Heath, nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao của Rand Corp, cho biết, việc triển khai F-35B liên tục ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ đóng vai trò như một lời nhắc nhở hữu hình về lợi thế công nghệ của quân đội Mỹ với các đối thủ như Trung Quốc.

"Khả năng tiên tiến của F-35 khiến chúng vượt trội hơn tất cả các máy bay chiến đấu của Trung Quốc, mang lại lợi thế trong việc chiếm ưu thế trên không. Tuy nhiên, vụ cháy giáng một đòn mạnh vào khả năng duy trì sự hiện diện liên tục của F-35 trên khu vực này", Heath cho hay.

Hiện tại, USS America, phiên bản tàu đổ bộ tấn công hiện đại hơn, đang thay thế vị trí của chiếc USS Bonhomme Richard. Nó hoạt động bên ngoài căn cứ Hải quân của Mỹ tại Sasebo, Nhật Bản. Các chỉ huy của Hải quân Mỹ cho cho thấy USS Tripoli, tàu đổ bộ tấn công mới nhất mới được đưa vào biên chế Hải quân Mỹ hôm 15/7, cũng sẽ sớm gia nhập hạm đội ở Thái Bình Dương khi USS Bonhomme Richard bị cháy.

Những mối nguy tiềm ẩn

Tuy nhiên, không phải vì thế mà lỗ hổng chiếc USS Bonhomme Richard để lại được lấp đầy hết. Theo kế hoạch, USS Bonhomme Richard sẽ trở lại Hạm đội vào mùa thu năm nay, giúp 1 chiếc khác được về bảo trì. Bây giờ, điều đó không thể xảy ra. Kế hoạch bảo trì 1 con tàu khác sẽ bị hoãn hay ít nhất là thay đổi kế hoạch.

Với những gì đang xảy ra, quân đội Mỹ sẽ phải cắt giảm các nhiệm vụ mà họ đảm nhận hoặc để các đội còn lại thực hiện tất cả các nhiệm vụ. Cả 2 phương án này đều có rủi ro. Việc cắt giảm hoạt động của các lực lượng viễn chinh Mỹ có thể để lại những lỗ hổng cho sự hiện diện của Mỹ, điều thúc đẩy các nước như Trung Quốc đẩy mạnh các biện pháp bắt nạt.

Trước đây, một vụ đụng độ khó tin giữa 2 chiến hạm Mỹ đã khiến 17 thủy thủ thiệt mạng và buộc chúng phải nằm bờ trong hơn 2 năm. Gần đây, hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt đã phải nằm bờ nhiều tuần ở đảo Guam khi Covid-19 khiến 1.000 thành viên trên tàu nhiễm bệnh và 1 người thiệt mạng. Việc để virus lây lan đã khiến thuyền trưởng của tàu bị cách chức.

Ngoài ra, sự cố với  USS Bonhomme Richard còn có thể khiến Mỹ không thực hiện được những cam kết mà họ đưa ra, gây ảnh hưởng tới uy tín của Mỹ trong khu vực, vốn đang được coi là nhạy cảm.

Bên cạnh đó, thiệt hại kinh tế sẽ không nhỏ. USS Bonhomme Richard có giá khoảng 750 triệu USD. Khi bị cháy, nó đang trải qua quá trình nâng cấp vài trăm triệu USD khác để sẵn sàng cho những chiếc F-35B. Tuy nhiên, vụ cháy đã khiến mọi thứ bị thiêu rụi.

Đây là cách vụ cháy 4 ngày làm tổn hại Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ trong nhiều năm tới - Ảnh 2.

Hiện tại, việc sửa chữa tàu USS Bonhomme Richard, nếu có thể, sẽ tốn ít nhất 150 triệu USD. Trước đó, Hải quân Mỹ đã phải chi 500 triệu USD sửa chữa 2 tàu khu trục đâm nhau ngoài khơi Nhật Bản vào năm 2017. Trong trường hợp USS Bonhomme Richard không thể sửa chữa, đóng mới 1 tàu đổ bộ tấn công thế hệ mới như USS Tripoli sẽ ngốn khoảng 3,4 tỷ USD.

Tuy nhiên, đại diện của Hải quân Mỹ không tỏ ra quá lo lắng với việc vắng mặt của USS Bonhomme Richard. "Nếu chiến lược của chúng tôi phải phụ thuộc vào một con tàu cụ thể nào đó thì rõ ràng chúng tôi chẳng khác gì cá nằm trên thớt", cựu đô đốc John Kirby, nhà phân tích quân sự của CNN, cho biết.

Là tàu đổ bộ tấn công thuộc lớp Wasp, USS Bonhomme Richard được biên chế 6 máy bay tiêm kích F-35B hoặc 6 chiếc AV-8B Harrier II. Mặt sàn rộng cho phép các loại máy bay tấn công này cất cánh sau khi chạy đà và hạ cánh theo phương thẳng đứng. Ngoài ra, nó có thể mang theo nhiều trực thăng, bao gồm cả trực thăng tấn công. Trong trường hợp cần thiết, những tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp có thể mang tới 20 tiêm kích.

USS Bonhomme Richard dài 257m, rộng 31,8m và có thể di chuyện với vận tốc 41 km/h cùng phạm vi hoạt động 17.600 km. Ngoài các loại máy bay, tàu có thể mang theo các phương tiện đổ bộ tấn công chuyên dụng của Hải quân Mỹ với khả năng cho gần 2.000 quân đổ bộ lên bờ.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên