MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là "cánh cửa" khác cho các em học sinh không đỗ lớp 10 cả công lập và ngoài công lập: Phụ huynh có thể tham khảo thêm

04-07-2023 - 20:34 PM | Sống

Đây là "cánh cửa" khác cho các em học sinh không đỗ lớp 10 cả công lập và ngoài công lập: Phụ huynh có thể tham khảo thêm

Phụ huynh có thể xem xét, chọn chương trình này làm hướng đi tương lai cho con.

Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024 ở Hà Nội, có gần 105.000 thí sinh đăng ký dự thi, trong khi tổng chỉ tiêu là khoảng 72.000. Như vậy, khoảng 33.000 em sẽ không có suất vào công lập.

Sau khi Sở GD-ĐT Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 của các trường THPT chuyên và không chuyên, phụ huynh và các em học sinh không đỗ cả 3 NV (nguyện vọng) lại phải đối mặt với một cuộc đua mới. Đó là nộp hồ sơ vào các trường ngoài công lập. Tuy vậy, cánh cửa này cũng khá hẹp nhiều trường ngoài công lập đã sớm hết chỉ tiêu hoặc trường vẫn còn chỉ tiêu nhưng mức học phí và các khoản phát sinh lại ngoài tầm chi trả của gia đình.

Những trường ngoài công lập thuộc hàng top năm nay cũng lấy điểm chuẩn khá cao. Chẳng hạn, Trường Tiểu học, THCS & THPT Thực nghiệm Khoa học Giáo dục (quận Ba Đình) lấy điểm chuẩn 41, áp dụng với thí sinh đã đăng ký xét tuyển từ 15/6. Trường Marie Curie thông lấy điểm chuẩn 41 (cơ sở Mỹ Đình), 38 điểm (cơ sở Văn Phú). Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu cũng có điểm chuẩn là 38,5,...

Đây là "cánh cửa" khác cho các em học sinh không đỗ lớp 10 cả công lập và ngoài công lập: Phụ huynh có thể tham khảo thêm - Ảnh 1.

Phụ huynh xếp hàng nộp hồ sơ vào trường ngoài công lập cho con.

Chương trình 9+: Hướng đi khác cho các em học sinh không đỗ lớp 10 cả công lập và ngoài công lập

Nhiều năm nay, thay vì thi vào lớp 10 công lập, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đã chọn học chương trình 9+ tại các trường trung cấp, cao đẳng. Vậy chương trình 9+ là gì?

9+ là tên thường gọi của mô hình đào tạo song song giữa học nghề và học văn hóa. Theo thông tư 15/2022/TT-BGDĐT, chương trình văn hóa ở đây là khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm ba môn bắt buộc toán, ngữ văn, lịch sử.

Bên cạnh đó, mỗi ngành nghề đào tạo phải học thêm ít nhất một môn lựa chọn trong các môn vật lý, hóa học, sinh học, địa lý. Sau ba năm học, học sinh có thể tham gia thi tốt nghiệp THPT như các học sinh ở các trường phổ thông công lập. Bên cạnh đó, thí sinh sẽ được học nghề miễn học phí, theo quy định của Chính phủ.

Học sinh sẽ được xét tốt nghiệp THPT (nếu đủ điểm tốt nghiệp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT) và có bằng tốt nghiệp trung cấp. Học tiếp 1-1,5 năm, tùy từng trường, học sinh sẽ được liên thông và có bằng tốt nghiệp CĐ.

Đây là "cánh cửa" khác cho các em học sinh không đỗ lớp 10 cả công lập và ngoài công lập: Phụ huynh có thể tham khảo thêm - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Được biết, những nằm gần đây, mô hình 9+ đang chiếm ưu thế trong việc thu hút học sinh tốt nghiệp THCS vì mang lại nhiều lợi ích như rút ngắn thời gian học tập, tiết kiệm chi phí, điều kiện tuyển sinh dễ hơn, học sinh vẫn có cơ hội hoàn thành chương trình học phổ thông, đặc biệt là cơ hội việc làm sau khi ra trường lại rất lớn.

Ngoài ra, mô hình này rất linh động để học sinh có thể lựa chọn con đường nghề nghiệp, có thể dừng việc học để làm nghề ngay hay theo đuổi việc học tập lâu dài.

Bên cạnh đó, nhằm thu hút thí sinh lựa chọn học nghề chương trình 9+, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với mong muốn đa dạng của người học và nhu cầu sử dụng lao động của thị trường việc làm. Đồng thời, các cơ sở giáo dục cũng chú trọng quan tâm đổi mới phương pháp đào tạo.

Do đó, phụ huynh có thể xem xét, chọn chương trình này làm hướng đi tương lai cho con.


Theo Thanh Hương

Phụ nữ số

Trở lên trên