Đây là hầm trú ẩn cho các nhà đầu tư khi thị trường cổ phiếu bước vào suy thoái kéo dài
Những biến động khó lường của chứng khoán Mỹ và thế giới khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng và tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn.
Thị trường chứng khoán thế giới tăng trưởng không ngừng trong cả thập kỷ qua khiến nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng việc thị trường đi xuống là điều gần như bất khả thi. Trong lịch sử 70 năm qua, thị trường thường điều chỉnh mạnh sau mỗi chu kỳ khoảng 4 – 5 năm tăng giá liên tục. Tuy nhiên, trong đợt lên giá kéo dài kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2007 – 2008, hầu hết các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới đều đạt mức tăng từ 3 – 5 lần.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, dấu hiệu điều chỉnh đáng kể đã xuất hiện với các chỉ số chứng khoán lớn. Trong 3 tháng qua, hai chỉ số S&P 500 và DJIA đã giảm hơn 10% so với mức đỉnh mọi thời đại được xác lập hồi tháng 1. Trước đó, chỉ có duy nhất thị trường chứng khoán Trung Quốc đã thực sự điều chỉnh. Chỉ số Chứng khoán Tổng hợp Thượng Hải đã giảm gần 50% trong năm 2015 sau khi tăng mạnh hơn 2,5 lần trong năm trước đó. Hiện chỉ số này đang dao động ở khoảng hơn 3.100 điểm, giảm 40% so với mức đỉnh 3 năm trước.
Đợt điều chỉnh lần này mới diễn ra được khoảng 3 tháng nhưng trải rộng từ các thị trường chứng khoán phát triển (Mỹ, Nhật, Anh, Đức) cho tới các thị trường mới nổi (Trung Quốc, Ấn Độ). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng đây có thể là sự khởi đầu cho một thị trường giá xuống (bear market) kéo dài. Động cơ cho niềm tin này là do (1) các thị trường đã tăng quá mạnh so với triển vọng phát triển của các nền kinh tế, (2) rủi ro bất ổn kinh tế - chính trị gia tăng ở một số khu vực chủ chốt trên thế giới và (3) chi phí sử dụng đồng USD đã tăng đáng kể do Cục dự trữ liên bang Mỹ tiếp diễn tiến trình tăng lãi suất.
Thị trường cổ phiếu thiệt hại thế nào trong downtrend?
Gần như chắc chắn sẽ xuất hiện thị trường giá xuống tiếp theo sau nhiều năm, bây giờ là lúc các nhà đầu tư cần phải lường trước các viễn cảnh có thể xảy ra để xác định chiến lược cho riêng mình.
Chỉ riêng trong thế kỷ này, chúng ta đã chứng kiến hai lần đổ vỡ kỷ lục của thị trường, bao gồm bong bóng dot-com những năm 2000 và khủng hoảng tài chính 2007 – 2008. Phần lớn cổ phiếu đều giảm trên 50% trong hai cuộc khủng hoảng này. Nhiều cổ phiếu giảm hơn 90% giá trị và chúng ta cũng chứng kiến nhiều công ty lớn phá sản sau mỗi đợt suy thoái của thị trường. Bởi thế, nếu thị trường thực sự sẽ rơi vào down trend một lần nữa, việc nhiều cổ phiếu sẽ mất hơn nửa giá trị là điều mà kể cả các nhà đầu tư lạc quan nhất cũng nên để tâm.
Tại Mỹ, kể từ sau thế chiến thứ hai, đã có khoảng 15 lần thị trường giá xuống diễn ra với mức giảm mạnh hơn 20% của các chỉ số chính. Tuy nhiên trong số đó, chỉ ba lần các chỉ số thị trường mất hơn 40% giá trị. Có tới trên 2/3 số lần mức điều chỉnh của thị trường là dưới 30%. Trên thực tế, mức giảm điểm trung bình của 15 lần điều chỉnh nói trên là 26%. Do vậy, mặc dù việc thị trường điều chỉnh giảm mạnh cục bộ là không thể tránh khỏi, nhưng các nhà đầu tư vẫn có cơ sở tin rằng trong dài hạn các chỉ số sẽ tiếp tục chinh phục các đỉnh cao mới.
Dòng tiền sẽ tháo chạy khỏi những thị trường mới nổi?
Trong những xu hướng giá lên điển hình, thị trường chứng khoán của các quốc gia mới nổi luôn là nơi thu hút được những dòng tiền đầu cơ dồi dào, bởi đặc tính (1) triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế cao hơn nhiều so với mức trung bình thế giới và (2) hầu hết chính phủ của các quốc gia mới nổi đều tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán như một kênh huy động vốn chủ chốt. Trên thực tế, Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil là các quốc gia mới nổi điển hình trong giai đoạn 2008 – 2015, trong khi Bangladesh, Việt Nam là những thị trường mới nổi thu hút dòng vốn những năm gần đây.
Tuy nhiên, yếu điểm lớn nhất của các thị trường mới nổi là mức độ biến động giá cổ phiếu (volatility) cao, và sức đề kháng của thị trường kém trước sự rút vốn ồ ạt của dòng tiền đầu cơ. Cũng chính điểm yếu này là nguyên nhân khiến các thị trường mới nổi thường không được các nhà đầu tư lựa chọn để phân bổ tiền khi thị trường xuống giá. Các nhà đầu tư đều tin rằng, thị trường mới nổi thường tăng mạnh khi giá lên, đương nhiên sẽ giảm mạnh hơn khi giá xuống.
Các quỹ chỉ số có còn hấp dẫn trong thị trường giá xuống?
Quỹ chỉ số (Exchange Traded Funds – ETFs) là các quỹ đầu tư mô phỏng danh mục của một chỉ số chứng khoán, và do đó sẽ có mức sinh lời gần như bằng với chỉ số được mô phỏng. Từ khi các nhà đầu tư phát hiện ra rằng, thị trường luôn lên giá trong dài hạn và đa số các nhà quản lý quỹ chủ động không thể đánh bại thị trường trong thời gian dài, thì các quỹ chỉ số trở thành lựa chọn hàng đầu cho quyết định đầu tư của họ. Tới đầu năm 2017, có khoảng gần 5.000 quỹ chỉ số đang hoạt động trên thế giới và quản lý khoảng 3,5 nghìn tỷ USD.
Với quy mô tài sản quản lý lớn như thế, mỗi động thái bơm hay rút tiền của các quỹ này đều có tác động lớn tới thị trường và tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt ở các thị trường mới nổi quy mô trung bình, nơi mà giao dịch của các quỹ chỉ số chiếm tỷ trọng lớn trong giao dịch toàn thị trường.
Khi các nhà đầu tư tin rằng thị trường chứng khoán chuẩn bị bước vào đợt giảm giá kéo dài, họ sẽ rút tiền ra khỏi các quỹ chỉ số như một động thái tạm thời lánh nạn. Điều này tạo áp lực khiến các quỹ chỉ số buộc phải bán ra một phần danh mục để hoàn vốn cho nhà đầu tư, qua đó khiến cho giá cổ phiếu trên thị trường giảm thêm nữa. Niềm tin là nguyên nhân chính tạo ra các biến động mạnh của giá cổ phiếu trong trường hợp này.
Liệu các quỹ đầu tư hợp đồng tương lai được quản lý chủ động có mang lại hiệu quả?
Các quỹ đầu tư hợp đồng tương lai được quản lý chủ động (Managed Futures Fund – MFF) là những quỹ phòng hộ được quản lý bởi các nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp, chuyên tìm kiếm lợi nhuận từ việc nắm giữ vị thế mua (long) hoặc bán (short) đối với các hàng hóa hoặc sản phẩm tài chính khác nhau từ cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa cho đến tiền tệ.
Các quỹ này là trường hợp hiếm hoi giữ được tỷ lệ sinh lời ấn tượng trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính 2007 – 2008. Theo Chỉ số các nhà tư vấn giao dịch hàng hóa BarclayHedge (BarclayHedge Commodity Trading Advisors Index), các quỹ kiểu này đạt được mức tăng trưởng khoảng 14% trong năm 2008, khi mà hầu hết các chỉ số cổ phiếu toàn cầu đều giảm trên 40% .
Thành tích vượt trội đó ngay lập tức thu hút các nhà đầu tư và khiến cho việc phân bổ vốn vào các quỹ được quản lý chủ động trở thành một lựa chọn quan trọng. Tuy vậy, các quỹ này lại thể hiện kết quả kém cỏi trong suốt những năm sau đó. Cụ thể, Chỉ số BarclayHedge CTA chỉ tăng trung bình 6%/năm trong suốt giai đoạn 2009 – 2017 .
Có thể các quỹ loại này chỉ hoạt động tốt khi thị trường chứng khoán cơ sở rơi vào suy thoái, nhưng chưa có bất kỳ bằng chứng nào làm cơ sở cho sự tương quan đó.
Đa dạng hóa đầu tư sang các loại hàng hóa có phải là chiến lược sinh lời?
Giống như hầu hết các tài sản tài chính, giá cả nhiều loại hàng hóa trên thế giới cũng suy giảm mạnh trong giai đoạn 2007 – 2008, đặc biệt là dầu mỏ và các hàng hóa cơ bản chủ chốt.
Tuy vậy, trong khi các tài sản tài chính đều hồi phục và tăng trưởng vượt đỉnh trong thập kỷ vừa qua, thì nhiều loại hàng hóa cơ bản vẫn chưa lấy lại được mức giá trước khủng hoảng. Chỉ số hàng hóa Bloomberg (Bloomberg Commodity Index – BCI) vẫn đang giảm gần 50% kể từ tháng 10/2007 .
Dầu mỏ, gần như là loại hàng hóa quan trọng nhất, vẫn đang duy trì xu hướng hồi phục tốt kể từ khi sụt giảm hơn 70% giá trị sau khi đạt đỉnh vào năm 2014. Liệu các nhà đầu tư có đám đặt cược rằng bây giờ chính là lúc các loại hàng hóa hồi phục giá trị sau nhiều năm ngủ quên? Động cơ cho niềm tin này đó là Trung Quốc, một trong những quốc gia nhập khẩu hàng hóa nhiều nhất trên thế giới, đang hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ sau những chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - tài chính của chính phủ Tập Cận Bình.
Thị trường tiền số có còn hấp dẫn?
Khoảng 1 năm trở lại đây, số lượng và giá cả của các loại tiền số tăng nhanh đáng kể. Bitcoin – đồng tiền số đầu tiên và có giá cao nhất – đã tăng giá hơn 10 lần trong năm ngoái và đạt đỉnh vào đầu năm 2018.
Tuy nhiên, với việc giá cả các loại tiền tệ mới này biến động khó lường và giá trị cơ sở của chúng hoàn toàn chưa được xác định, các nhà đầu tư sẽ rất khó để tin rằng đây là một kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh thị trường tài chính nói chung bất lợi trên toàn cầu. Trên thực tế, đa số các loại tiền số đều đã giảm sâu kể từ mức đỉnh hồi tháng 1/2018 và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Rõ ràng, diễn biến của thị trường cổ phiếu trong quý 1/2018 đã không còn thuận lợi như những năm trước, khiến cho niềm tin của nhà đầu tư toàn cầu bị tác động mạnh mẽ. Thị trường giá lên thường kéo dài nhiều năm, trong khi thị trường giá xuống chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, mỗi thị trường giá xuống như vậy thường kéo theo sự sụt giảm mạnh ở nhiều cổ phiếu chủ chốt vốn thu hút nhiều nhà đầu tư trước đó.
Do đó, để tránh đánh mất khoản lợi nhuận đã kiếm được trong suốt nhiều năm, các nhà đầu tư nên tự lường trước các viễn cảnh khác nhau cho bản thân mình.