Đây là "hòn đá tảng" ngáng đường sự trỗi dậy tưởng chừng như không thể lay chuyển được của Trung Quốc
Bất chấp Chính phủ nước này đang nỗ lực hết sức để đảo ngược chính sách một con, giới chuyên gia cảnh báo có lẽ đã quá muộn để Trung Quốc ngăn chặn những hệ lụy sẽ ám ảnh Trung Quốc trong nhiều thập kỷ tới.
- 21-09-2019Đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc bất ngờ cắt ngắn thời gian tại Mỹ
- 20-09-2019Trung Quốc hạ lãi suất lần 2, chứng khoán châu Á tăng
- 20-09-2019Cố vấn Mỹ: Trump có thể áp thuế quan 50-100% với hàng hóa Trung Quốc
Các nghiên cứu do Chính phủ Trung Quốc thực hiện dự báo rằng dân số của quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ đạt đỉnh 1,4 người vào năm 2029. Tuy nhiên, sau đó Trung Quốc sẽ trải qua một cú sụt giảm mạnh "không thể ngăn chặn được", với số dân giảm xuống còn 1,36 tỷ người đến năm 2050, khiến lực lượng lao động giảm khoảng 200 triệu người.
Nếu như tỷ lệ sinh không thay đổi, đến năm 2065 dân số Trung Quốc sẽ còn 1,17 tỷ người. Báo cáo cũng cho biết xu hướng giảm dài hạn đi kèm với già hóa dân số sẽ gây ra những hệ lụy rất đáng lo ngại về cả kinh tế và xã hội.
Được tung ra để ngăn chặn việc dân số tăng quá nhanh, chính sách một con với nhiều biện pháp trừng phạt như phạt tiền thật nặng, ép buộc nạo phá thai và thậm chí là triệt sản, đã tỏ ra quá thành công. Tỷ lệ sinh giảm từ 2,9 trẻ trên mỗi gia đình năm 1979 xuống chỉ còn 1,6 trẻ năm 1995.
Năm 2016, quy định được nới lỏng lên mỗi gia đình được phép có 2 con. Tuy nhiên tỷ lệ sinh lại tiếp tục giảm sau khi tăng nhẹ trong một thời gian rất ngắn. Năm ngoái, tỷ lệ sinh ở một số tỉnh thành đã giảm 35%.
Tỷ lệ sinh của Trung Quốc hiện đã chính thức giảm xuống còn 1,6 trẻ trên mỗi phụ nữ, thậm chí một số chuyên gia phân tích còn cho rằng tỷ lệ thực tế chỉ là 1,18 trẻ, trong khi tỷ lệ chuẩn để đảm bảo tổng số dân không sụt giảm là 2,1 trẻ. Kể cả nếu tỷ lệ sinh là 1,3 trẻ, dân số Trung Quốc sẽ giảm hơn một nửa chỉ trong 80 năm.
Một hệ lụy khác của chính sách một con là thiếu hụt nữ giới. Vì quan điểm phải có con trai để nối dõi, Trung Quốc hiện có số nam giới nhiều hơn 34 triệu so với nữ giới, dự đoán đến năm 2020 sẽ có 24 triệu nam giới độc thân trong độ tuổi kết hôn không thể tìm được vợ.
Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều, với số lượng nữ giới trong độ tuổi 22 đến 31 được dự đoán sẽ giảm 40% trong giai đoạn 2015 – 2025.
Gần đây, ở những vùng phát triển hơn như Bắc Kinh và Thượng Hải có tỷ lệ sinh thấp hơn nhiều so với các khu vực ở phía Tây như tỉnh Thanh Đảo mà nguyên nhân là do xu hướng di cư. Các tỉnh phía Đông Bắc cũng bị giảm tỷ lệ sinh do nguyên nhân kinh tế.
Tỷ lệ đăng ký kết hôn đã liên tục giảm suốt từ năm 2013 đến nay, trong khi tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng lên. "Quan điểm của người trẻ về chuyện lập gia đình và sinh con đang thay đổi nhanh chóng, những giá trị truyền thống như duy trì nòi giống đang bị suy yếu", giáo sư Yuan Xin của ĐH Nankai nói.
Các yếu tố khác khiến dân số suy giảm bao gồm chi phí để nuôi một đứa trẻ ngày càng tăng, giá nhà ở đắt đỏ và sự cạnh tranh học hành ngày càng khốc liệt hay thiếu hụt các cơ sở hạ tầng thiết yếu để chăm sóc trẻ em.
Lực lượng lao động co hẹp là một trong những hệ lụy tiêu cực đầu tiên mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gặp phải. Số dân trong độ tuổi lao động – gồm những người từ 15 đến 64 tuổi, đã giảm 4 năm liên tiếp sau khi đạt đỉnh năm 2013.
Kết quả là, tỷ lệ phụ thuộc – nhóm những người không thể làm việc, bao gồm trẻ em và người già, đã tăng lần đầu tiên trong hơn 30 năm vào năm 2011 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao.
Đến cuối năm 2035 Trung Quốc có thể có 400 triệu người già, so với con số 240 triệu của năm ngoái. Điều này tạo ra gánh nặng cho ngân sách chính phủ. Năm 2016 số tiền lương hưu phải chi trả chạm mức 640 tỷ nhân dân tệ (tức 90 tỷ USD), tăng 140% so với 5 năm trước và được dự báo sẽ tăng một cách bền vững lên 60 nghìn tỷ nhân dân tệ mỗi năm vào năm 2050.
Trong khi đó hệ thống an sinh xã hội, hưu trí và y tế của Trung Quốc còn chưa phát triển. Ước tính có khoảng 900 triệu người Trung Quốc chỉ được tiếp cận rất ít với mạng lưới an sinh xã hội.
Các dự báo này củng cố thêm quan điểm rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trở nên "già trước khi giàu".
Shuli Ren, cây bút của Bloomberg, so sánh rằng ở các nước phát triển nhóm người trên 60 tuổi tăng gấp đôi lên khoảng 24% số dân trong giai đoạn 1950 – 2015 nhưng khi đó mức thu nhập bình quân đầu người là khoảng 41.000 USD. Trong khi đó ở Trung Quốc, quá trình này có thể chỉ diễn ra trong 12 năm, và mức thu nhập bình quân đầu người năm 2015 được dự báo sẽ chỉ bằng 1/3 so với các nước phát triển ở thời điểm năm 2015.
Nhận thức được cuộc khủng hoảng đang đến gần, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã nới lỏng hơn nữa chính sách một con để tăng tỷ lệ sinh, đồng thời áp dụng các biện pháp làm giảm gánh nặng lên hệ thống an sinh xã hội như tăng tuổi nghỉ hưu, tăng trợ cấp thai sản. Tuy nhiên, những gì đã diễn ra ở các nước phát triển cho thấy rất khó để đảo ngược hiện trạng.
Một nghiên cứu bởi nhà kinh tế học Lyman Stone cho thấy kể cả các chính sách kiểu Bắc Âu với những hỗ trợ tuyệt vời cho các gia đình cũng mang lại rất ít tác động lên tỷ lệ sinh trong dài hạn. Chưa kể đến việc tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc suy yếu từ mức 2 con số xuống còn 1 con số và nợ tăng lên mức kỷ lục 254% GDP từ cuối năm 2018.
Chào đón nhiều lao động nước ngoài hơn nữa (như Nhật Bản đã làm) hoặc cải thiện năng suất lao động được coi là hai cách phổ biến nhất hiện nay để bù đắp sự co hẹp của lực lượng lao động. Tuy nhiên hai chuyên gia J. Stewart Black và Allen J. Morrison của Harvard Business Review cho rằng có rất nhiều cơn gió ngược: năng suất lao động sụt giảm và Trung Quốc cũng không cởi mở đối với lao động nước ngoài.
Mô hình phát triển kinh tế nhờ "khai thác triệt để lao động giá rẻ" của Trung Quốc đang nhanh chóng hụt hơi. JPMorgan dự đoán tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể giảm xuống còn 5,5% trong giai đoạn 2021 – 2025 (hiện là 6,5%) và đến năm 2030 chỉ còn 4,5%. Trung Quốc khó có thể vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngược với Trung Quốc, lực lượng lao động của Ấn Độ, Indonesia và Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục mở rộng ít nhất là cho đến năm 2060. Tỷ lệ sinh cao và dòng người nhập cư lớn sẽ giúp dân số Mỹ tăng từ mức 324 triệu người của năm 2017 lên 390 triệu vào năm 2050, trong khi Ấn Độ được dự báo sẽ vượt Trung Quốc để trở thành nước đông dân nhất thế giới vào năm 2027.
Nếu dân số là vận mệnh đất nước thì Trung Quốc đang đối mặt với thách thức lớn nhất trong nhiều thập kỷ và không hề có giải pháp ngắn hạn nào trong tầm với.