MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là loại quả Trung Quốc trồng mãi vẫn thất bại, Việt Nam xuất khẩu thu hàng loạt kỷ lục

11-08-2024 - 09:18 AM | Thị trường

Loại quả này rất được người Trung Quốc ưa thích nhưng trồng nhiều năm vẫn thất bại.

Đó là sầu riêng. Trung Quốc được coi là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất trên thế giới hiện nay. Quốc gia này đã nhiều lần nỗ lực trồng sầu riêng để phục vụ nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, sau nhiều năm trồng thử nghiệm, những người nông dân ở Trung Quốc vẫn chưa thể trồng thành công. 

Vùng trồng sầu riêng tại một số địa phương ở Trung Quốc được tiến hành mở rộng trong mấy năm gần đây. Thế nhưng, cây sầu riêng lại cho quả không đều và chất lượng cũng không được như kỳ vọng. Hơn nữa, khi trồng loại quả này, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với lượng khí thải carbon ra môi trường.

Trong một nghiên cứu mới đây nhất của Khoa Tài nguyên và Khoa học Môi trường thuộc ĐH Nông nghiệp Nam Kinh (NAU), Trung Quốc, cứ 1 kg sầu riêng sẽ thải ra lượng khí thải tương đương là 2 kg CO2.

Kết quả này có được sau khi các nhà nghiên cứu tiến hành thu nhập mẫu và phân tích từ những trang trại tại Hải Nam, vùng trồng sầu riêng chính của Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, trong chu kỳ sinh trưởng của sầu riêng, những quá trình như canh tác, tưới tiêu, bón phân, thuốc trừ sâu, hay đóng gói và vận chuyển đều tạo ra khí thải carbon.

Đây là loại quả Trung Quốc trồng mãi vẫn thất bại, Việt Nam xuất khẩu thu hàng loạt kỷ lục- Ảnh 1.

Nhiều cây sầu riêng ở Trung Quốc chưa cho quả nhiều. Ảnh: China News Agency

PGS Cheng Kun tại NAU nhận định rằng, sầu riêng có lượng khí thải carbon cao hơn so với những loại quả khác. Trên thực tế, các cây sầu riêng ở Trung Quốc mới bắt đầu cho ra quả trong vòng 2 năm qua. Do năng suất thấp hơn trong giai đoạn đầu sinh trưởng của cây sầu riêng nên dẫn tới lượng khí thải carbon cao hơn tên mỗi quả.

Chính vì vậy, Trung Quốc đang tìm cách để giảm lượng khí thải carbon khi trồng sầu riêng nói riêng và trong ngành nông nghiệp nói chung.

Các chuyên gia từ NAU đã phát triển một loại than sinh khối nhằm làm giàu chất hữu cơ trong đất, đồng thời cải thiện về cấu trúc đất cũng như tăng khả năng giữ nước và độ phì nhiêu. Hiện nay, các công ty trồng sầu riêng ở Trung Quốc đã bắt đầu dùng loại than này.

Việt Nam xuất khẩu sầu riêng đạt hàng tỷ USD

Trong khi đó, Việt Nam lại là quốc gia xuất khẩu sầu riêng thu về nhiều tỷ USD trong những năm qua.

Trong năm 2023, Trung Quốc đã chi khoảng 6,5 tỷ USD để nhập khẩu tới 1,4 triệu tấn sầu riêng, tăng gần 70% so với năm trước. Nguồn cung sầu riêng chủ yếu đến từ Thái Lan và Việt Nam.

Trong đó, sầu riêng của Việt Nam đã được xuất khẩu sang Trung Quốc trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, mãi đến tháng 10/2022, sầu riêng của Việt Nam mới được xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường chính ngạch. Chính nhờ vậy, kim ngạch về xuất khẩu "vua quả" của Việt Nam cũng liên tục phá đỉnh lịch sử. Từ đó, đời sống của người nông dân trồng sầu riêng cũng được cải thiện rất nhiều, thu lãi hàng tỷ đồng/ha.

Đây là loại quả Trung Quốc trồng mãi vẫn thất bại, Việt Nam xuất khẩu thu hàng loạt kỷ lục- Ảnh 2.

Sầu riêng Việt Nam rất được người dân Trung Quốc ưa chuộng. Ảnh minh họa

Theo chia sẻ của các nhà vườn tại miền Tây, với vụ nghịch sầu riêng giá cao, nông dân có thể thu lãi từ 1 – 2,5 tỷ đồng/ha, tùy vào sản lượng và giá cả. Trong khi đó, với vụ thuận sầu riêng, sau khi trừ chi phí, người nông dân vẫn lãi khoảng từ 700 triệu đồng – 1 tỷ đồng/ha.

Minh chứng như năm 2023, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của nước ta đạt 2,24 tỷ USD. Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm tới 96,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành sầu riêng Việt Nam. Kết quả này giúp sầu riêng trở thành loại trái cây tỷ USD tiếp theo của Việt Nam, chỉ sau thanh long. Hiện nay, sầu riêng tiếp tục dẫn đầu về kim ngạch trong nhóm rau quả xuất khẩu chủ lực của nước ta, cao gấp 4 lần so với thanh long (loại quả từng giữ vị trí đầu bảng).

Trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt khoảng 1,32 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2023. Theo các chuyên gia, dự kiến 6 tháng cuối năm, kim ngạch xuất khẩu có thể ước đạt thêm 2 tỷ USD, do vào vụ thu hoạch sầu riêng ở Tây Nguyên.

Theo các chuyên gia dự báo, với tốc độ nhập khẩu cùng nhu cầu như hiện nay, dung lượng của thị trường sầu riêng Trung Quốc dự báo sẽ sớm tăng lên mốc 20 tỷ USD/năm. Điều này có nghĩa là Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng nhằm đẩy mạnh việc xuất khẩu loại quả này sang Trung Quốc.

Trên thực tế, hiện nay, Trung Quốc và Việt Nam đã hoàn tất về việc đàm phát kỹ thuật và sẽ sớm tiến hành ký kết về nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh. Như vậy, ngoài sầu riêng tươi, Việt Nam còn có thể xuất khẩu những sản phẩm sầu riêng đông lạnh sang thị trường tỷ dân.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nếu như Việt Nam ký được thêm nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc thì kim ngạch xuất khẩu của loại quả này sẽ thu thêm vài trăm triệu USD mỗi năm.

Trong năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu sầu riêng đạt 3,5 tỉ USD, tăng 55% so với năm ngoái. Đây cũng là con số cao nhất kể từ trước đến nay.

Bài tham khảo ngồn: Mard, Customs, Xinhua

Theo Minh Hằng

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên