Được gì khi Việt Nam có 'nhạc trưởng' điều phối ngành lúa gạo?
Theo các chuyên gia, việc thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia trong bối cảnh hiện nay là cần thiết, giúp ngành gạo Việt Nam có một “nhạc trưởng” điều phối hoạt động chung của toàn ngành, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm.
- 07-08-2024Đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia
- 06-08-20242 Bộ "bắt tay" đề xuất lập Hội đồng lúa gạo quốc gia
- 05-08-2024Gạo Việt Nam, Thái Lan lại 'đụng độ' ở một thị trường trọng điểm: Là hàng xóm, cũng là quốc gia nhập khẩu gạo top 1 thế giới - hàng Việt thắng chặt nhưng vẫn có biến số khó lường
Xóa tình trạng mạnh ai nấy làm?
Trao đổi với PV Tiền Phong, GS. Võ Tòng Xuân cho biết ông rất phấn khởi trước thông tin Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) bắt tay thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia.
Theo ông Xuân, Việt Nam là “cường quốc” về xuất khẩu gạo trên thế giới. Những năm gần đây, ngành gạo có sự phát triển vượt bậc và đạt được nhiều kết quả, tạo sinh kế cho hàng chục triệu hộ nông dân.
Tuy nhiên, điểm yếu cố hữu của ngành gạo của Việt Nam là tình trạng mạnh ai nấy làm. Nông dân sản xuất nhỏ lẻ, không theo quy chuẩn mà chỉ tự tin vào kinh nghiệm. Doanh nghiệp cũng có tình trạng tranh mua, tranh bán , hạ giá, dìm hàng khi ra thị trường quốc tế.
Theo ông Xuân, hiện ở một số nước đã có Hội đồng lúa gạo quốc gia. Chẳng hạn, ở Thái Lan có Hội đồng chính sách và quản lý lúa gạo điều phối các hoạt động của các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức trong ngành lúa gạo.
Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan đóng vai trò trong việc quản lý và thúc đẩy xuất khẩu gạo, hỗ trợ các nhà xuất khẩu và đại diện cho lợi ích của họ trên cả thị trường trong nước và quốc tế. Hiệp hội doanh nghiệp gạo có vai trò ổn định giá gạo và đảm bảo chuỗi cung ứng ổn định từ sản xuất đến bán lẻ. Ở các mắt xích khác có Hiệp hội nông dân trồng lúa Thái Lan, các hợp tác xã, Hiệp hội Xay xát gạo…
“Việc Việt Nam thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia là bước đi giúp ngành lúa gạo có bước phát triển chuyên nghiệp, và toàn diện. Đây cũng được xem là nhạc trưởng để đảm bảo sự thống nhất, phát triển ổn định và bền vững cho thị trường cho ngành lúa gạo, không để xảy ra tình trạng xung đột giữa các thành phần", ông Xuân nói.
Giúp ngành gạo phát triển thống nhất, toàn diện
Ông Trần Sơn Hà - Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) - cho rằng, việc thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia là cần thiết nhằm giải quyết những vấn đề vĩ mô liên ngành.
Theo ông Hà, để đảm bảo hoạt động của hội đồng bao trùm toàn ngành lúa gạo, Hội đồng cần xem xét bổ sung cả vấn đề quản lý tiêu thụ lúa gạo trong nước, đồng thời cần quan tâm hơn đến mảng nhập khẩu lúa gạo vì những năm qua Việt Nam nhập khẩu lúa gạo để chủ yếu phục vụ chế biến khá nhiều.
Ông Lê Quốc Doanh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - đánh giá việc thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia trong bối cảnh này không chỉ để giải quyết vấn đề trước mắt mà còn giải quyết vấn đề dài hơn. Theo ông Doanh, đây không phải là vấn đề mới, hiện nhiều nước như Thái Lan có hội đồng lúa gạo quốc gia, Indonesia có hội đồng về cọ dầu, Brazil có hội đồng về cà phê... Việc có Hội đồng lúa gạo quốc gia sẽ giúp chúng ta có chính sách thống nhất, tập trung; việc lấy ý kiến đưa ra quyết định nhanh hơn.
Về mặt tổ chức, vận hành, ông Doanh cho rằng nhóm thường trực hội đồng sẽ là nhóm quan trọng nhất. Đây là nhóm tiếp nhận thông tin từ doanh nghiệp, nông dân, chuyên gia để đề xuất xử lý. Do vậy, nhóm thường trực hội đồng cần chia thành các tổ theo các chuyên ngành, ví dụ tổ chuyên về sản xuất, tổ về xuất khẩu, tổ về thị trường...
Theo dự thảo về việc thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia do Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đưa ra, thành viên hội đồng bao gồm chủ tịch hội đồng là Phó Thủ tướng; 2 phó chủ tịch thường trực hội đồng là Bộ trưởng Công Thương và Bộ trưởng NN&PTNT; ủy viên hội đồng là đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao; đại diện lãnh đạo UBND một số địa phương.
Hội đồng có nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý minh bạch, hiệu quả, đảm bảo ổn định và phát triển thị trường, thúc đẩy phát triển ngành hàng lúa gạo toàn diện, hiệu quả góp phần đảm bảo an sinh xã hội và an ninh lương thực quốc gia, phát triển sản xuất, xuất khẩu hướng tới mục tiêu bền vững. Hội đồng nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất với Thủ tướng phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển ngành lúa gạo...
Tiền Phong