Đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia
Chiều 6/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia.
- 06-08-2024"Báu vật' từ Brazil đổ bộ Việt Nam với giá rẻ bất ngờ: Được mệnh danh vàng trắng trên cây, nước ta tiêu thụ đứng thứ 3 thế giới
- 05-08-2024Một mặt hàng của Việt Nam từ lâu đã là á quân xuất khẩu của thế giới: Hơn 2/3 thế giới cùng chốt đơn, thu đều đặn hàng tỷ USD mỗi tháng
- 02-08-2024Hàn Quốc chính thức nhập quả bưởi của Việt Nam
Tại cuộc họp, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - cho biết, dù ngành lúa gạo của Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, song trong bối cảnh mới, ngành lúa gạo đứng trước nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, thị trường trong nước và thế giới diễn biến nhanh, xu thế tiêu dùng thay đổi, nhiều nguồn tài nguyên suy giảm, nhất là tài nguyên nước.
Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương có ý tưởng và thống nhất cao việc đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia để hướng đến mục tiêu đa giá trị, đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường, và nguồn thu nhập cho người trồng lúa và vùng sản xuất lúa.
"Đây là cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc điều phối các hoạt động chung ngành lúa gạo bên cạnh sự quản lý chuyên ngành của các Bộ hiện nay, tạo sự thay đổi đột phá cho ngành lúa gạo", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Thông tin thêm về tiến độ thành lập, ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương - cho biết, hiện Bộ Công Thương đã có công văn gửi đến các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội để xin ý kiến trước khi báo cáo Chính phủ về cơ cấu, chức năng hoạt động của Hội đồng lúa gạo quốc gia.
Thành viên hội đồng bao gồm chủ tịch hội đồng là Phó Thủ tướng Chính phủ; 2 phó chủ tịch thường trực hội đồng là Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng NN&PTNT; ủy viên hội đồng là đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao; đại diện lãnh đạo UBND một số địa phương.
Theo ông Sơn, về chức năng, hội đồng là tổ chức phối hợp liên ngành tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành đối với sự phát triển ngành hàng lúa gạo.
Hội đồng có nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý minh bạch, hiệu quả, đảm bảo ổn định và phát triển thị trường, thúc đẩy phát triển ngành hàng lúa gạo toàn diện, hiệu quả góp phần đảm bảo an sinh xã hội và an ninh lương thực quốc gia, phát triển sản xuất, xuất khẩu hướng tới mục tiêu bền vững.
Hội đồng nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất với Thủ tướng phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển ngành lúa gạo.
Cơ quan này còn giúp Chính phủ, Thủ tướng điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án có tính liên ngành về lúa gạo, đồng thời cho ý kiến về chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách... liên quan đến ngành hàng lúa gạo thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để thu thập thông tin, phân tích đánh giá về tình hình sản xuất, xuất khẩu lúa gạo .
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trên cơ sở góp ý của các đơn vị, doanh nghiệp, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT sẽ tiếp thu và hoàn chỉnh dự thảo để trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất. Hai Bộ mong tiếp tục nhận góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, đồng thời giao cơ quan chức năng của hai bộ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để Hội đồng lúa gạo quốc gia hoạt động hiệu quả.
Tiền phong