2 Bộ "bắt tay" đề xuất lập Hội đồng lúa gạo quốc gia
Hội đồng lúa gạo quốc gia sẽ là tổ chức phối hợp liên ngành tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành đối với sự phát triển ngành hàng lúa gạo.
- 06-08-2024Cảnh lạ thường ở thủ phủ sầu riêng
- 06-08-2024Là nhà sản xuất lớn thứ 6 thế giới, Việt Nam vẫn chi hàng trăm triệu mua thịt lợn ngoại: nhập khẩu tăng 100%, giá rẻ hơn cả giá trong nước
- 06-08-2024Giá hồ tiêu tăng gấp đôi: Nông dân mừng, doanh nghiệp xuất khẩu lo
Chiều ngày 6-8, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia.
Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương có ý tưởng và thống nhất cao việc đề xuất thành lập một Hội đồng lúa gạo quốc gia.
Hội đồng này sẽ đóng vai trò như một diễn đàn để các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân cùng nhau bàn bạc, thống nhất đưa ra những quyết sách quan trọng liên quan đến ngành lúa gạo tại những thời điểm và tình huống khác nhau; nâng cao được vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong Hội đồng.
Nói về ý tưởng thành lập, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan kể cách đây hơn một năm, có một doanh nghiệp đi hội chợ THAIFEX của Thái Lan, sau đó chụp ảnh gửi về cho ông hình ảnh gian hàng gạo của Thái Lan, ở trên có dòng chữ "Think rice, think Thailand" - tức nghĩ tới hạt gạo là nghĩ tới Thái Lan.
"Khó tìm được câu slogan vừa đơn giản, vừa ấn tượng cho khách hàng như vậy" - Bộ trưởng chia sẻ.
Với Việt Nam, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay trong thời gian qua, ngành gạo Việt Nam đạt được bứt phá ngoạn mục, gạo ST 25 được vinh danh trên thế giới, nhưng còn nhiều bất ổn để xây dựng ngành hàng lúa gạo Việt Nam phát triển.
Theo đó, lãnh đạo ngành NN-PTNT cho rằng gạo không phải chỉ là xuất khẩu mà phục vụ tiêu dùng nội địa, không chỉ phục vụ phát triển kinh tế mà còn ngoại giao. Do vậy, cần sự tư duy khác về ngành lúa gạo.
Theo đó, Bộ NN-PTNT nhận được sự đồng thuận của Bộ Công Thương về việc phải có thiết chế bao trùm hơn về ngành hàng lúa gạo, chứ không thể dừng ở Hiệp hội Lương thực.
Ông nhấn mạnh: Xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam bằng hành động thực sự của cả hệ thống.
Theo TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), tại các nước có các ngành hàng xuất khẩu chiến lược quy mô quốc gia và quốc tế như ngành cọ dầu ở Malaysia, ngành cà phê ở Brazil, ngành lúa gạo ở Thái Lan,… bên cạnh các tổ chức của người sản xuất kinh doanh như các hiệp hội, nghiệp đoàn, liên hiệp hợp tác xã… còn có mô hình "Hội đồng ngành hàng" hay "Ban điều phối ngành hàng" ở cấp quốc gia.
Đây là thể chế có sự gắn kết giữa các cơ quan bộ ngành của Nhà nước với các tổ chức đại diện cho các tác nhân trong chuỗi giá trị (nông dân, đến người chế biến, người kinh doanh) và giữa các địa phương tham gia sản xuất.
Do vậy, Hội đồng ngành hàng lúa gạo quốc gia là thiết chế thích hợp. Hội đồng lúa gạo quốc gia sẽ là tổ chức phối hợp liên ngành tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành đối với sự phát triển ngành hàng lúa gạo.
Trong đó, Hội đồng nghiên cứu đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách minh bạch, hiệu quả, đảm bảo ổn định và phát triển thị trường cho ngành lúa gạo; Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để thu thập thông tin, phân tích đánh giá về tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành hàng lúa gạo…
Dự thảo Quyết định thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia đề xuất Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng. 2 Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng gồm: Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT.
Ủy viên Hội đồng gồm: Đại diện lãnh đạo các Bộ, đại diện lãnh đạo các hội, hiệp hội và đại diện lãnh đạo UBND một số địa phương: Thái Bình, Nam Định, TP HCM; 13 địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long, gồm: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.
Người Lao Động