Đây là lý do Art Director của Leo Burnett Việt Nam không dùng Facebook!
Làm việc tại Công ty quảng cáo toàn cầu Leo Burnett với vị trí Senior Art Director (Chỉ đạo Nghệ thuật), Nguyễn Minh Thuỳ - không sử dụng mạng xã hội Facebook vì nó “ngốn thời gian” và “không muốn cảm xúc bản thân bị ảnh hưởng bởi những nội dung mà người ta chia sẻ hàng ngày”.
- 17-04-2017Thuở chưa có trăm tỷ dội bom quảng cáo, TGDĐ đã có chiêu Marketing khôn ngoan với mức phí chỉ bằng 1/10.000 như thế này
- 16-04-2017Tung MV quảng cáo nhắm thẳng vào Oppo, Samsung đang tấn công bằng chính thứ vũ khí mà đối thủ từng thuần thục nhất
- 12-04-2017United Airlines gặp nạn, đối thủ Emirates tung quảng cáo chế giễu "một cách xuất sắc"
- 05-04-2017Cắt giảm quảng cáo, liệu giá xe điện 2 bánh có thể rẻ hơn?
- 04-04-2017Dự định làm quảng cáo đặc biệt trong ngày cá tháng 4, không ngờ lại thành tai họa kéo cổ phiếu này giảm đến 5%
Hẹn gặp trên tầng 2 một quán cafe đối diện Nhà thờ lớn Hà Nội, Nguyễn Minh Thùy, nhâm nhi đồ uống trong thời tiết mát mẻ nhưng có nắng của một buổi sáng giao mùa ở thủ đô Hà Nội.
Cha mẹ không biết con gái làm nghề gì
Công việc thường ngày của Art Director ra sao?
Sơ bộ thế này, trong ngành quảng cáo, Art Director (AD) là người chịu trách nhiệm định hướng và phát triển thiết kế, hình ảnh cho một hoặc nhiều chiến dịch quảng cáo. Đây là ngành công nghiệp với tuổi đời còn trẻ ở Việt Nam.
Tuy nhiên, với nhu cầu và sự phát triển không ngừng của ngành quảng cáo trong thời đại công nghệ số, vai trò của AD trong một chiến dịch quảng cáo không chỉ dừng lại ở ý tưởng, định hướng hình ảnh cho thương hiệu, cho một chiến dịch quảng cáo cụ thể mà phải sử dụng hiệu quả mọi công cụ có trong tay từ chiến lược, kế hoạch marketing, nghiên cứu thị trường, các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, các số liệu phân tích,… để tối ưu hoá hiệu quả cho chiến dịch quảng cáo sản phẩm/ thương hiệu không chỉ trong một thời gian ngắn theo chu kỳ 3-6 tháng thông thường mà còn là đường dài 1 năm, 3-5 năm.
Nói chung, nghề của mình luôn luôn được cập nhật và phải liên tục tự trau dồi, tự thay đổi mình nên khái niệm cũ về Art Director không còn chính xác. Phải nói thật, đến bố mẹ mình cũng không biết mình đang làm gì và “Chỉ đạo Nghệ thuật” cụ thể là làm sao nữa.
Ở Việt Nam, có những trường nào đào tạo công việc này?
Ngành quảng cáo còn khá mới ở Việt Nam, vì vậy theo mình biết trong hệ thống đào tạo chính quy không có trường nào đào tạo Art Director, ngoài một vài trung tâm giáo dục mới mở khoảng 2-3 năm nay thì họ có những khoá ngắn hạn về khái niệm hoặc nâng cao do chính những anh/ chị đã từng hoặc đang làm trong ngành giảng dạy. Nhưng bạn phải nhào vào ngành, phải thực sự làm mới thấy thực tế được.
Khi gia nhập agency đầu tiên, mình bắt đầu với vị trí graphic designer. Làm nhiều, kinh nghiệm nhiều hơn, trau dồi kỹ năng cần thiết cùng với khả năng của mình, thì việc được bổ nhiệm vị trí mới là điều đương nhiên sẽ xảy ra. Tuy nhiên, bạn cần trải qua nhiều vị trí trước khi có thể trở thành một Art Director.
Với đặc thù công việc, mình di chuyển khá nhiều; có những đợt sản xuất cùng một lúc nhiều phim thì có thể đi công tác ở nước ngoài cả tháng, hết bay đi lại bay về. Có những lúc mình làm việc liên tục 30-35 tiếng, làm nhiều việc cùng lúc, cộng với áp lực từ thời gian, khối lượng công việc, áp lực từ khách hàng hay thậm chí nhiều lúc cũng căng thẳng với chính nội bộ team mình để tìm cách và thống nhất hướng xử lý công việc. Thời gian dành cho bản thân gần như không có, mất ngủ và stress thường xuyên xảy ra.
Tuy nhiên, với đặc thù công việc, mình được tiếp xúc, tìm hiểu rất nhiều người thú vị, đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề; được đi nhiều, học nhiều, được thoả sức sáng tạo…. Nói chung, mình được rất nhiều.
Giống như phim ngắn “Love/Hate” của Leo Burnett Toronto; cảm xúc “yêu” và “ghét” trong công việc của mình luôn được đan xen rất thú vị, thậm chí đến mức cực đoan. Nước mắt có, nụ cười luôn luôn có; mệt mỏi thường trực nhưng niềm vui luôn luôn ở xung quanh; thất vọng có nhưng luôn được tự do bay bổng, được truyền cảm hứng; giận dữ có nhưng luôn được đền đáp bằng hạnh phúc… “Tôi ghét công việc của tôi - tôi yêu công việc của tôi” - miêu tả chính xác lý do cho đến bây giờ mình vẫn gắn bó với ngành Quảng cáo.
Người ta thường nghe nhiều tới Giám đốc sáng tạo hơn là Giám đốc nghệ thuật. Hai công việc này khác nhau như thế nào?
Đây là hai vị trí khác nhau. Để lên được Creative Director, các Art Director còn phải nỗ lực phấn đấu. Ngoại trừ những cá nhân xuất chúng, với khả kiệt suất, một người cần tuổi nghề nhất định và vốn kiến thức vững chắc mới có thể lên được Creative Director. Đây thực chất là công việc liên quan nhiều tới lĩnh vực quản lý. Người làm Creative Director không chỉ phải đảm bảo hệ thống vận hành tốt mà có thể làm việc với khách hàng để phục vụ mục đích kinh doanh của công ty.
Bí mật phía sau những chiến dịch quảng cáo
Sự thịnh hành của mạng xã hội cùng xu hướng mobile hoá tác động ra sao tới công việc của bạn?
Trong thời đại mới, ý tưởng quảng cáo không chỉ còn là một đoạn phim 30 giây chiếu trên TV hay một hình ảnh sản phẩm đẹp trên billboard, mà là một chuỗi các hoạt động truyền thông, tiếp thị trên mọi kênh phương tiện từ offline đến online được lên kế hoạch một cách bài bản và cực kỳ chi tiết.
Nó chi tiết đến mức có thể đi theo mọi hoạt động của người tiêu dùng ở bất cứ nơi nào họ hiện diện.
Ví dụ, buổi sáng khi ngủ dậy bạn sẽ được tiếp nhận ngay một mẩu thông tin, một hình ảnh gây tò mò mang thông điệp ngầm về một sản phẩm nào đó sắp ra mắt thị trường trên Facebook; rồi trên đường bạn tới công sở, tới trường học lại được tiếp tục thấy những hình ảnh nhắc nhở bạn về mẩu quảng cáo sáng nay bạn vừa xem; bạn đi ăn trưa với đồng nghiệp đăng nhập vào wifi của nhà hàng thì ngay lập tức thấy thông điệp kêu gọi bạn chiều nay nhớ đừng quên xem một đoạn phim về một sản phẩm mới; giờ giải lao buổi chiều bạn check Facebook hay lướt Youtube thì đoạn phim đó đang được livestream và chắc chắn là hấp dẫn bạn rồi bởi cách thức giới thiệu sản phẩm thật sự rất sành điệu khiến bạn muốn thử sản phẩm ngay lập tức; bạn đi chơi sau giờ làm việc và hoàn toàn bị thu hút vào một buổi concert, hoặc một trò chơi được tổ chức để ra mắt sản phẩm mới, bạn có cơ hội thử và mua sản phẩm đầu tiên ngay lập tức.
Xin được nói thêm, những hoạt động này được tính toán không chỉ để tiếp cận với một nhóm khách hàng mà tiếp cận trực tiếp từng cá nhân. Trong thời đại số, mọi dữ liệu của người dùng đều được ghi nhận và các chiến dịch quảng cáo dựa vào đó để đạt hiệu quả truyền tải tối đa. Bạn có thể thấy được sức mạnh của mạng xã hội và xu hướng mobile hoá vô cùng ấn tượng.
Tất cả chuỗi hoạt động này được nghiên cứu từ thói quen, từ bản chất, hành vi của người tiêu dùng. Vì vậy, mình và đồng nghiệp luôn phải học, đổi mới không ngừng và áp dụng triệt để những kiến thức này. Các chiến dịch quảng cáo mới có tuổi đời ngắn hơn cho từng giai đoạn, có thể chỉ là 1 tuần tới vài tháng, nhưng theo một kế hoạch dài hơi để gắn kết người tiêu dùng với sản phẩm. Trong quá trình làm, mình được phép linh hoạt thay đổi cách tiếp cận tuỳ vào phản ứng của người tiêu dùng. Rất thú vị!
Thuỳ có lời khuyên gì muốn dành cho những bạn trẻ đang đam mê và nỗ lực phấn đấu để trở thành một Art Director như bạn?
Mình thích thì mình làm thôi. Tuy nhiên, nếu đã làm thì hãy theo đuổi nó, làm đến nơi đến chốn.
Để đạt được vị trí đang có, mình cũng trải qua nhiều khó khăn, vất vả trong nhiều năm. Nhưng điều quan trọng là mình yêu thích công việc của mình, và mình có được những kinh nghiệm và trải nghiệm vô giá.