MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là lý do Bình Định đang muốn biến vùng ven biển này thành thiên đường nghỉ dưỡng mới

05-12-2019 - 08:42 AM | Bất động sản

Thời gian gần đây, sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch Bình Định tất yếu kéo theo sự phát triển của thị trường BĐS nghỉ dưỡng. Bên cạnh số lượng, tỉnh sẽ chú trọng đẩy mạnh chất lượng dịch vụ thông qua việc kêu gọi các thương hiệu quản lý quốc tế đến với mình.

Bình Định hiện đang nổi lên như một "viên ngọc", là điểm đến du lịch mới, hấp dẫn hàng đầu Đông Nam Á khi sở hữu 134 km đường bờ biển cùng những thắng cảnh tuyệt đẹp, còn nguyên nét hoang sơ ít nơi nào có được như Kỳ Co, Eo Gió, Cù Lao Xanh, Bãi Trứng, Hòn Khô… 

Sự tăng trưởng bứt phá trong lĩnh vực vận tải hàng không khi cảng hàng không quốc tế Phù Cát đã đi vào hoạt động và tháng 9/2019 đã đón chuyến bay quốc tế đầu tiên, nâng tổng chuyến bay trong ngày tăng lên 40 chuyến. Đặc biệt là sự phát triển nhiều loại hình du lịch đa dạng khác như du lịch lịch sử - văn hóa - tâm linh; du lịch sinh thái, du lịch ẩm thực và đặc biệt là du lịch hội nghị - khoa học gắn với Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành - nơi mỗi năm đón hơn 1.000 nhà khoa học từ nhiều nước trên thế giới.

Với số tiền đầu tư nghìn tỷ đã được các lãnh đạo tỉnh Bình Định phê duyệt để đầu tư cho các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và hạ tầng giao thông vận tải, đặc biệt là tại thiên đường biển mới nổi Quy Nhơn, có thể thấy rõ quyết tâm của Bình Định trong việc phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, biến vùng đất võ trời văn trở thành điểm đến du lịch không thể chối từ dành cho mọi du khách.

“Tuy nhiên, Bình Định cần một cú hích về tiếp thị điểm đến để qua đó tăng trưởng khách du lịch trong và ngoài nước một cách nhanh chóng, ở đây, giống như Phú Quốc, đó là sự hiện diện của những thương hiệu quản lý quốc tế. Hiện trên địa bàn tỉnh này đã có các khu nghỉ dưỡng 5 sao, tuy nhiên vẫn chưa có thương hiệu quản lý tầm quốc tế, đặc biệt cho dòng nghỉ dưỡng cao cấp, siêu cao cấp. Những thương hiệu này sẽ tạo nên danh tiếng cho điểm đến của tỉnh”, một chuyên gia du lịch chia sẻ.

Có thể khẳng định rằng Bình Định đang ở trong thời điểm chín muồi để thu hút đầu tư khi hội đủ các yếu tố giúp thị trường phát triển bền vững. Theo báo cáo từ Sở Xây dựng Bình Định, toàn tỉnh có 45 dự án đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, khu dân cư sinh thái cao cấp, khách sạn và căn hộ nghỉ dưỡng, chung cư nhà ở thương mại, chung cư nhà ở xã hội… Trong đó có 15 dự án đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, chưa có giấy phép xây dựng hoặc đang tiến hành thiết kế ý tưởng kiến trúc và lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

Thực tế đã có nhiều dự án "khủng" từ các "ông lớn" trong và ngoài nước tập trung về đây như FLC, Sun Group, TMS Group, tập đoàn Hưng Thịnh, Phát Đạt, một số tập đoàn đa quốc gia… Và mới đây nhất là "ông lớn" địa ốc Novaland cũng đang chuẩn bị sẵn quỹ đất khá lớn tại bãi biển Nhơn Hội cho một kế hoạch dài hơi với các sản phẩm nghỉ dưỡng chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, thời gian qua còn có nhiều tập đoàn BĐS lớn nhỏ trong và ngoài nước đến Bình Định tìm đất để đầu tư dự án nhằm đón đầu cơ hội phục vụ và tương tác với các dự án lớn hiện hữu. Được biết, Tập đoàn Sun Group đang xúc tiến nghiên cứu tìm hiểu đầu tư dự án Khu đô thị du lịch ngay tại Ghềnh Ráng thộc TP. Quy Nhơn; Công ty NHO cũng đang ráo riết "săn" quỹ đất lớn để đầu tư dự án khu đô thị tại Quy Nhơn, Tập đoàn Amata của Thái Lan còn "kéo" theo một số công ty con vào Bình Định để đầu tư nhiều dự án du lịch mới…

Bên cạnh đó, một dự án lớn đang được chú ý là Nhơn Hội New City do Phát Đạt làm chủ đầu tư có quy mô hơn 34ha thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội 601,8ha nằm ngay cạnh FLC Quy Nhơn. 

Theo Ban quản lý KKT Nhơn Hội, việc triển khai đầu tư xây dựng KKT theo hướng quy hoạch mới, tạo không gian để phát triển nhiều khu đô thị nghỉ dưỡng đang mở ra nhiều cơ hội để thu hút các dự án BĐS khác theo nhiều dạng quan hệ như cụm ngành công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, khu đô thị, khu dịch vụ du lịch… 

Do đó, việc chọn lựa các nhà đầu tư có đủ năng lực là khâu rất quan trọng để triển khai kịp thời các dự án liên quan, tránh tình trạng đăng ký đầu tư nhưng thực chất là ghim giữ đất để chờ cơ hội sang nhượng hưởng lợi. Song song đó, tỉnh Bình Định đang có chủ trương đầu tư nhiều dự án giao thông mang tính ngoại giao quy mô khá lớn để kích thích các khu vực ven biển phát triển theo hướng đô thị nghỉ dưỡng.

Ông Phạm Minh Quốc, Trưởng phòng Quản lý điều hành Dự án 1 thuộc Ban quản lý Dự án Giao thông tỉnh, cho hay giai đoạn 2020 - 2022 được xác định là thời gian nước rút thi công đối với dự án giao thông đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội nối dài, đường Vành đai 2... Việc thi công hoàn thành tuyến đường sẽ mang đến diện mạo đồng bộ về hạ tầng, rút ngắn thời gian di chuyển từ Sân bay Phù Cát đến Khu kinh tế Nhơn Hội, góp phần thu hút các nhà đầu tư lớn.

Một tuyến giao thông quan trọng khác cũng được tỉnh tập trung chỉ đạo thi công hoàn thành trong năm 2019 này là dự án QL 19 mới (đoạn từ cảng Quy Nhơn - giao QL 1A). Đến thời điểm này, giá trị thực hiện đối với các gói thầu thuộc dự án đạt hơn 2.610 tỷ đồng. Trong năm nay, sẽ tập trung hoàn thiện tuyến đường từ nút giao thông Đống Đa - Hoa Lư đến nút giao thông cầu Bà Gi, xã Phước Lộc (Tuy Phước).

Đặc biệt, Chính phủ quyết định nâng cấp, mở rộng sân bay Phú Bài không đơn giản chỉ là chuyện rút ngắn không gian và thời gian, mà đây còn là cơ hội cho địa phương rộng cửa đón các nhà đầu tư. Ngoài ra, các hãng hàng không chủ động đưa vào khai thác nhiều đường bay thương mại chứng tỏ Phú Bài là cảng hàng không có tầm chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế của khu vực. Là động lực để đẩy mạnh thu hút đầu tư.

"Việc đầu tư nâng cấp, mở rộng, hoàn thiện hạ tầng giao thông như sân bay Phù Cát, cảng biển, đường quốc lộ,… đang rút ngắn khoảng cách giữa Quy Nhơn với các địa phương khác của cả nước. Đặc biệt là sự đầu tư của các tập đoàn lớn thông qua những dự án quy mô có tính chất độc đáo, khác biệt đã tạo sức hấp dẫn cho du lịch của Quy Nhơn và cả các khu vực lân cận", ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc bộ phận R&D DKRA Vietnam, cho biết thêm.

Bùi Hải

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên