Đây là lý do khiến chuyên gia sức khoẻ không dùng hoá mỹ phẩm khi tắm gội
Vì sao BS James Hamblin đã không dùng xà phòng tắm gội trong 5 năm qua. Câu trả lời khiến nhiều người trong chúng ta bất ngờ.
- 15-09-2020Khi đi tắm, chúng ta nên gội đầu hay cọ rửa cơ thể trước mới ĐÚNG NHẤT? Câu hỏi tưởng vô nghĩa nhưng lại quyết định cực lớn đến sức khỏe của bạn
- 04-05-2020Trong mùa nắng nóng, đừng bao giờ mắc phải 7 sai lầm này khi tắm gội kẻo có thể đột tử bất cứ lúc nào
- 11-12-2019Không muốn chết sớm thì đừng bao giờ phạm phải "tam đại cấm kỵ" này khi tắm và gội đầu
Ngoại trừ rửa tay, bác sĩ James Hamblin đã không dùng xà phòng tắm gội trong 5 năm qua bởi theo anh, nỗi ám ảnh về sạch sẽ của nhân loại đang gây hại cho các vi sinh vật vốn có nhiệm vụ duy trì sự khoẻ mạnh của chúng ta.
Giảng dạy tại trường Y tế cộng đồng Yale và là một nhà văn y khoa, diễn giả của tạp chí The Atlantic (Mỹ), ở tuổi 37, James Hamblin trông trẻ trung đến mức bị so sánh với bác sĩ nhí hư cấu Doogie Howser. Vậy nhưng khi Hamblin nói về việc không sử dụng xà phòng tắm gội trong nhiều năm qua, mọi người dường như không thể kiềm chế được sự kinh hãi.
Tuy nhiên, dù có vẻ như bất chấp những quy tắc vệ sinh nhưng Hamblin luôn chú trọng rửa tay với xà phòng ở những thời điểm quan trọng, ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.
Trải nghiệm thú vị
Ý tưởng tắm gội không dùng chất tẩy rửa của Hamblin bắt đầu khi anh chuyển đến 1 căn hộ nhỏ ở Brooklyn (New York, Mỹ) để theo đuổi nghề viết đồng thời tìm hiểu về khoa học vi sinh - Thời điểm anh cần tiết kiệm thời gian, tiền bạc và cả không gian.
Hamblin đã suy ngẫm về quan niệm sạch sẽ hiện đại, xem đâu là tự nhiên, đâu là do tiêu dùng. Anh phát hiện: Sự kỳ thị về mùi cơ thể bắt đầu từ một chiến lược quảng cáo đã giúp doanh số của xà phòng Lifeboy tăng gấp 4 lần trong những năm 20 của thế kỷ trước.
Một thế kỷ đã trôi qua, chúng ta vẫn đang tiếp tục nỗi sợ hãi ai đó sẽ phát hiện ra dấu hiệu nhỏ nhất mùi cơ thể của mình. Đó là lý do chúng ta ngày càng dùng nhiều nước hoa, kem dưỡng ẩm và các sản phẩm tẩy rửa khác.
‘Khi tôi càng ít dùng xà phòng, tôi sẽ càng ít cần đến nó…", bác sĩ kiêm nhà báo James Hamblin nói về việc ngừng dùng xà phòng và chất khử mùi
Hamblin cho biết: "Trên thực tế, mùi cơ thể không phải lúc nào cũng gây khó chịu. Nhưng chúng ta đã gom tất cả vào 1 giỏ, bất cứ ai có mùi mồ hôi hay mùi gì không phải là từ xà phòng, nước hoa, chất khử mùi, chúng ta đều nghĩ là họ không sạch sẽ".
Vậy nhưng, bất chấp những tiến bộ trong y học và chăm sóc da, các vấn đề về mụn trứng cá, chàm và vảy nến cùng hàng loạt bệnh tự miễn khác vẫn không ngừng tăng lên.
Ngoài ra, trong khi chúng ta cố tỏ ra sạch sẽ, thơm tho, nghiên cứu cho thấy rất nhiều người trong chúng ta không rửa tay đúng cách hay thậm chí chẳng rửa tay trước khi ăn và sau khi đi toilet - 2 thời điểm quan trọng nhất. Và tất nhiên, ý thức về tầm quan trọng của rửa tay đã tăng lên rất nhiều kể từ khi Covid-19 xuất hiện.
Khi phát hiện ra những nghịch lý này, Hamblin bắt đầu thử nghiệm chính bản thân mình. Anh giảm dần các chất tẩy rửa, khử mùi và nhận thấy cơ thể mình có những phản ứng rất thú vị.
Trả lời trên tờ Guardian, BS Hamblin cho biết: "Da tôi ít nhờn hơn, các vết chàm cũng giảm. Cơ thể tôi không còn mùi của cây thông hay hoa oải hương nhưng tôi cũng chẳng còn mùi hôi của hành sau khi chất khử mùi ở nách hết tác dụng. Bạn gái tôi còn nói "tôi có mùi ‘như một con người'".
Hamblin nhận thấy mùi cơ thể anh sẽ nặng hơn khi anh căng thẳng. Anh cũng nhận thấy những người yêu nhau luôn thấy mùi cơ thể của người yêu thật tuyệt vời. Anh cũng đã có những trao đổi với 1 nhà nghiên cứu, người đang huấn luyện chó đánh hơi mùi ung thư ở người.
"Hàng trăm tín hiệu hoá học dễ bay hơi mà chúng ta "phân phát" đóng vai trò quan trọng trong giao tiếp với những người khác (và loài khác) theo những cách mà chúng ta giờ mới chỉ bắt đầu hiểu được", Hamblin viết.
Bí mật của hệ vi sinh vật
Theo BS James Hamblin, việc sử dụng xà phòng và các hoá mỹ phẩm ưa thích khác là không cần thiết. Bởi các chất làm sạch có thể tác động tới sự cân bằng của hệ vi sinh tự nhiên.
"Trong khi chúng ta luôn nghĩ rằng làn da là một hàng rào bảo vệ, ngăn cách chúng ta với thế giới bên ngoài thì ngày càng nhiều hiểu biết về hệ vi sinh cho thấy làn da chính là một hệ "giao tiếp" với môi trường xung quanh", Hamblin viết trong cuốn "Clean: The New Science of Skin" mới ra mắt của mình.
Ngay cả khi bạn không muốn quan tâm đến thế giới vi sinh vật, vốn sống cộng sinh trên cơ thể chúng ta, với hàng triệu tỉ vi sinh vật bao phủ từ làn da đến hệ tiêu hoá, thì những thông điệp quảng cáo của các nhãn hàng như "nuôi dưỡng hệ vi sinh dịu nhẹ" in trên các chai sữa tắm hẳn sẽ khiến bạn phải chú ý.
Đó là bởi các nhà vi sinh và nhãn hàng đang ngày càng hiểu hơn về mối quan hệ cộng sinh của chúng ta với thế giới vi sinh vật - chúng vốn đóng vai trò chính trong việc phát triển hệ miễn dịch, bảo vệ chúng ta khỏi các tác nhân gây bệnh (bằng cách tạo ra các chất kháng khuẩn và cạnh tranh giành không gian và nguồn dinh dưỡng của các tác nhân gây hại) và giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh tự miễn như bệnh chàm (eczema).
Điều này có nghĩa, việc tẩy rửa các tế bào chết và các dầu tự nhiên của cơ thể - nguồn dinh dưỡng của các vi sinh - hay sử dụng các chất kháng khuẩn không còn là ý tưởng tốt nhất nữa.
Nói một cách đơn giản, việc đằm mình trong xà phòng đã làm rối loạn phản ứng tự nhiên của cơ thể với bụi bẩn. Đây cũng là lý do chính BS Hamblin đã quyết định thay đổi hẳn cách tắm gội.
Trước đó, một nghiên cứu năm 2013 cho thấy mụn có liên quan với sự rối loạn hệ vi sinh vật.
Trên thực tế, các nhà vi sinh vật cũng nhận thấy những người làm nông và người Amish, những người sống cả đời bên đồng ruộng, có hệ vi sinh đa dạng tối ưu và ít mắc các bệnh tự miễn và các bệnh truyền nhiễm hơn.
Điều này có nghĩa, nếu những người phương Tây muốn tăng cường vi sinh cho làn da thì nên gần gũi với những người khác và động vật, tức là dành thời gian nhiều hơn cho thiên nhiên, tức là ở bẩn hơn.
Sự thật của ngành công nghiệp chăm sóc da
Hamblin đã "bóc trần" sự thật của ngành công nghiệp chăm sóc da: từ một hợp chất đa năng, thường có thành phần tự nhiên, xà phòng đã được biến hoá dưới vô số những hình thức khác trong những công thức na ná nhau để giải quyết đủ loại vấn đề, từ giới tính cho đến các tình huống, với mức giá cực kỳ khác biệt.
Sau khi xà phòng lấy đi các chất dầu tự nhiên trên cơ thể, chúng ta lại cần tới chất dưỡng ẩm và dầu xả để phục hồi chúng. Vào những năm 50, ngành công nghiệp chăm sóc da đã kiếm bộn tiền hơn nữa khi đẩy những tác dụng phụ gây khô da của xà phòng lên để bán các sản phẩm tẩy rửa dịu nhẹ hơn.
Và ngày nay, con người hướng đến tìm kiếm những sản phẩm gần với tự nhiên nhất sau khi đã trải qua trọn vẹn "vòng xoáy" tiêu dùng.
Như nhà báo Maya Dusenbery đã được kê toa mọi phương pháp trị mụn và cuối cùng chỉ có 1 cách hiệu quả? Đó là không làm gì cả.
Cô đã thử các chất làm sạch, se da, các kháng sinh đường uống và đường bôi, thuốc đặc trị chỉ dùng cho người bị trứng cá nặng ( isotretinoin - một loại thuốc gây tác dụng phụ như viêm ruột, muốn tự tử) nhưng không có loại nào hiệu quả, thậm chí cô còn bị viêm khớp - một bệnh tự miễn. Thêm vào đó, khi dùng thuốc ức chế miễn dịch, tóc cô đã bắt đầu rụng.
Dusenbery đã quyết định ngừng sử dụng bất kỳ chất nào liên quan đến làn da của mình. Sau vài tháng tăng tiết, dầu trên da đã giảm. Thứ duy nhất cô cho phép chạm lên mặt là một miếng vải mềm và nước. Cùng với sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, bệnh viêm khớp của cô cũng bắt đầu đỡ.
Chúng ta ngày càng dùng nhiều nước hoa, kem dưỡng và các sản phẩm tẩy rửa khác
Theo Hamblin, với kết quả từ trải nghiệm của Dusenberys, có lẽ các nhà vi sinh, da liễu và các công ty sản xuất các sản phẩm chăm sóc da sẽ cố gắng tạo ra các loại thuốc mới trị các bệnh da liễu cùng các dòng sản phẩm làm đẹp chủ yếu có chứa các vi khuẩn sống hay các thành phần là thức ăn cho vi khuẩn.
Thậm chí, các tập đoàn cung cấp các hoá mỹ phẩm cũng sẽ phát triển các dòng sản phẩm làm đẹp chuyên biệt, phù hợp với hệ vi sinh trên từng làn da, giống như dấu vân tay.
Tuy nhiên, những điều đó còn xa mới trở thành hiện thực bởi hiểu rõ về thế giới vi sinh vật chưa bao giờ là dễ dàng. Hamblin cho rằng nên cảnh giác khi ai đó nói rằng đang bán một loại vi sinh hay nói rằng cơ thể bạn đang mất cân bằng vi sinh và cần ngay 1 sự điều chỉnh với sự hỗ trợ từ y học.
Về kháng sinh, Hamblin cho rằng nó đã làm cho mụn nặng hơn và còn là nguyên nhân gây ra bệnh tự miễn. Và theo anh, kháng sinh quá liều là mối đe doạ với quần thể vi sinh vật và kháng sinh đáng sợ hơn cả các hoá mỹ phẩm.
Theo Hamblin, giảm sử dụng kháng sinh cùng với đó là không rửa tay thường xuyên là chìa khoá để phục hồi hệ vi sinh vật này.
Tắm gội thường xuyên có cần thiết?
Mặc dù không kêu gọi mọi người ngừng dùng các hoá mỹ phẩm khi tắm gội nhưng BS Hamblin cho rằng mỗi người nên đặt câu hỏi về "những bước từng được coi là cần thiết khi tắm gội".
"Nếu bạn ngừng sử dụng các hoá mỹ phẩm tắm gội hay không tắm một ngày, da bạn sẽ chẳng nhờn hay bốc mùi hôi như bạn tưởng. Chính tôi đã trải nghiệm điều này. Tôi thấy mình có mùi của 1 con người", Hamblin nói khẳng định.
BS James Hamblin không phải là chuyên gia sức khoẻ duy nhất cảnh báo về việc sử dụng xà phòng tắm gội mỗi ngày. Các nghiên cứu cũng cho thấy tắm rửa hằng ngày có thể gây hại cho da.
Webise Sức khoẻ Harvard cũng đề cập tới việc không tắm gội hằng ngày. Theo đó, tắm gội hằng ngày không cải thiện sức khoẻ mà còn gây ra các vấn đề về da hay các vấn đề sức khoẻ khác và quan trọng là chúng gây lãng phí nước.
Tương tự, tinh dầu, nước hoa và các hoạt chất khác trong dầu gội, dầu xả và xà phòng còn có thể gây ra các vấn đề khác cho chúng ta, chẳng hạn như dị ứng (chưa nói tới vấn đề chi phí).
Các chuyên gia cho rằng tắm gội vài lần mỗi tuần phù hợp với đại đa số mọi người, trừ khi bị bẩn, ra nhiều mồ hôi hay có lý do khác để tắm thường xuyên hơn). Tắm nhanh (3-4 phút), tập trung chủ yếu ở nách và bẹn, là đủ.
Nhưng với đại dịch hiện tại, phần lớn thói quen vệ sinh sẽ được duy trì. Nếu nỗi sợ vi khuẩn của thế giới trước Covid-19 đã làm mất cân bằng hệ vi sinh, thì sự phong toả và giãn cách xã hội sẽ còn khiến sự mất cân bằng này trở nên trầm trọng hơn trong tương lai. "Tôi không biết khi nào chúng ta sẽ lại bắt tay nhau- cách mà chúng ta chia sẻ vi sinh vật cho người khác", Hamblin nói.
Theo theguardian
Pháp luật và Bạn đọc