MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là lý do vì sao nếu bạn đã bán thương hiệu bánh của mình cho người khác thì không được lên truyền thông “kể lể quá khứ”

Thông thường, những thương vụ M&A có thể yêu cầu bên bán không kinh doanh cạnh tranh trong vòng 3-5 năm. Tuy vậy tùy từng trường hợp mà bên mua có thể yêu cầu bên bán không bao giờ được quay trở lại cạnh tranh với thương hiệu cũ.

Trong các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A), điều khoản “không cạnh tranh” (NCC hay CNC) thường được thêm vào hợp đồng nhằm tránh tình trạng mất giá tài sản cho bên mua cũng như tạo thuận lợi cho việc kinh doanh của nhà đầu tư mới.

Ví dụ, nếu một nhà đầu tư A mua chuỗi nhà hàng của doanh nhân B, điều khoản NCC sẽ được thêm vào hợp đồng. Theo đó, bên B sẽ không được kinh doanh chuỗi nhà hàng tương tự, hoặc tham gia vào mảng kinh doanh tương tự tùy trường hợp trong một thời gian nhất định.

Thời gian và không gian của thỏa thuận này sẽ được điều chỉnh tùy trường hợp cũng như pháp luật của mỗi nước sao cho phù hợp nhất. Mục đích chính của chúng là để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư khi thực hiện M&A.

Đó là lý do vì sao chúng ta sẽ thấy Kinh Đô sau khi bán mảng bánh kẹo đổi tên thành Kido thì không được bán bánh nữa, hay ông chủ X-men sau khi bán thương hiệu cũng không được đề cập về thương vụ trên truyền thông trong một thời gian xác định.

Mặc dù vậy, nhiều thương vụ M&A tại một số quốc gia không coi trọng điều khoản này và hậy quả là người bán sử dụng thương hiệu mới để cạnh tranh lại với chính thương hiệu cũ mà họ bán cho đối tác. Vì vậy, khi thực hiện một hợp đồng M&A, các nhà đầu tư nên chú ý những điều sau:

1. Xác định rõ thế nào là hoạt động kinh doanh cạnh tranh với thương hiệu cũ

Nhà đầu tư nên đánh giá cẩn thận rủi ro “cạnh tranh” từ người bán khi thực hiện các hợp đồng M&A. Có thể những hoạt động của người bán hiện tại không ảnh hưởng gì nhưng không ai dự đoán được tương lai. Vì vậy, những nhà đầu tư Mỹ thường không liệt kê chi tiết các điều khoản cho NCC trong hợp đồng nhằm dễ dàng mở rộng định nghĩa của khái niệm “cạnh tranh” sang các ngành nghề, lĩnh vực ảnh hưởng đến thương hiệu của họ.

Thông thường, các nhà đầu tư Mỹ sẽ gắn điều khoản NCC với chủ đề “hoạt động cạnh tranh” của bên bán sau khi hoàn tất M&A hơn là tập trung cụ thể vào mảng kinh doanh mà họ mua.

Ví dụ, một công ty bánh kẹo A bán mảng sản xuất bánh cho nhà đầu tư B. Họ có quy định NCC trong hợp đồng với điều khoản bên A không được kinh doanh mảng bánh và cạnh tranh với bên B. Tuy nhiên, một thời gian sau bên A chuyển sang kinh doanh bánh bao với lý do mảng sản xuất cũ chuyên về bánh quy, bánh ngọt nên họ không vi phạm NCC.

Tất nhiên đây là một hình thức lách thỏa thuận và hai bên có khả năng sẽ phải ra tòa. Tuy nhiên, rõ ràng là nhà đầu tư B nên hướng NCC đến vấn đề không kinh doanh cạnh tranh sau M&A hơn là tập trung quá cụ thể vào mảng làm bánh, khiến cho bên A lách luật.

2. Thời gian thực hiện NCC

Thông thường, những thương vụ M&A tại Mỹ có thể yêu cầu bên bán không kinh doanh cạnh tranh trong vòng 3-5 năm. Tuy vậy tùy từng trường hợp mà bên mua có thể yêu cầu bên bán không bao giờ được quay trở lại cạnh tranh với thương hiệu cũ.

Mặc dù vậy, ngay cả những luật sư Phương Tây cũng phải thừa nhận rằng việc duy trì NCC quá 5 năm trên thực tế khá khó khăn chứ chưa nói đến không giới hạn về thời gian. Những ảnh hưởng cạnh tranh mà chủ cũ gây ra có thể nhiều vô số, trực tiếp hoặc gián tiếp và để xác định liệu bên bán có vi phạm thỏa thuận NCC không phụ thuộc rất nhiều vào luật pháp của nước sở tại.

3. Giới hạn thị trường cho NCC

Với những mảng kinh doanh như sản xuất hàng hóa hay vận tải biển, việc thực hiện NCC khá dễ dàng khi thị trường rõ ràng.

Tuy nhiên, do thương mại điện tử ngày một phát triển cũng như quá trình toàn cầu hóa gia tăng, các hiệp định thương mại được xây dựng nhiều hơn khiến việc thực hiện NCC ngày một phức tạp.

Luật pháp tại mỗi khu vực thường khác nhau nên các nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ trước khi đề ra giới hạn thị trường cho NCC. Thông thường với sự sự phát triển của công nghệ và Internet ngày nay, các hợp đồng có NCC ngày nay sẽ quy định cấm bên mua có hoạt động kinh doanh cạnh tranh với thương hiệu cũ trên toàn cầu.

Năm 2010, hãng viễn thông Telefonica mua lại cổ phần chi phối trong Vivo từ đối tác Portugal Telecom. Theo hợp đồng, cả Telefonica và Portugal Telecom sẽ không được phép kinh doanh cạnh tranh lẫn nhau tại các thị trường Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong khoảng tháng 9/2010-12/2011.

Tuy nhiên, Hội đồng Châu Âu (EC) đã mở cuộc điều tra vào tháng 1/2011 và bác bỏ thỏa thuận này vào tháng 2 cùng năm với lý do vi phạm các quy định chung cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng tại Châu Âu.

3. Không được liên hệ với nhà cung cấp, khách hàng hay nhân viên cũ

Ngoài thỏa thuận không được kinh doanh cạnh tranh với thương hiệu cũ, các luật sư tại Mỹ cũng chú trọng đến những rủi ro cạnh tranh khác nữa mà các ông chủ cũ có thể gây ra cho nhà đầu tư. Theo đó, những điều khoản như không được liên hệ với nhà cung cấp cũ, khách hàng hay nhân viên cũ... cũng có thể được thêm vào để đảm bảo kinh doanh bình thường cho thương hiệu sau khi M&A.

Một số thương hiệu tận dụng được mối quan hệ tốt với nhà cung cấp, khách hàng hoặc xây dựng được tình cảm với đội ngũ nhân viên để tạo nên lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Khi nhà đầu tư đề nghị M&A, chính lợi thế cạnh tranh trên là yếu tố khiến họ bỏ tiền và đương nhiên những điều khoản trên cần được ghi vào trong hợp đồng để bảo vệ lợi ích của người mua.

4. Bảo mật

Ngoài việc quy định điều khoản NCC trong hợp đồng M&A, nhà đầu tư thường cho thêm điều khoản bảo mật thông tin (được gọi dưới nhiều cái tên như NDA, CA, CDA, PIA hay SA).

Theo đó, bên mua sẽ không được tiết lộ bất kỳ thông tin nào có khả năng gây ảnh hưởng đến công vệc kinh doanh của thương hiệu cũ. Đây là một điều khoản khá quan trọng khi ông chủ cũ biết rõ về sự thật tạo nên thành công của thương hiệu, những bằng sáng chế, các mối quan hệ hay những bí mật có thể gây bất lợi cho doanh nghiệp.

Ví dụ như một chủ chuỗi nhà hàng A bán cho nhà đầu tư B. Sau một thời gian A bắt đầu có những phát ngôn gây mất uy tín cho chuỗi nhà hàng mà B đã mua hoặc tiết lộ những bí mật làm nên lợi thế cạnh tranh cho nhà hàng cũ. Đây là một trong những trường hợp điển hình của việc vi phạm thỏa thuận bảo mật thông tin trong hợp đồng M&A.

Ngoài ra, thỏa thuận NDA còn có thể bao gồm việc giữ bí mật nội dung hợp đồng M&A nhằm tránh những phiền phức không cần thiết cho nhà đầu tư mới.

Thỏa thuận bảo mật này thường không có giới hạn về thời gian trong các thương vụ M&A ở Phương Tây.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp quá trình đàm phán diễn ra quá nhanh và nhiều thông tin trong hợp đông bị lộ khi chưa được ký kết. Trong trường hợp này, cả bên mua và bên bán nên đàm phán về những thông tin đã bị tiết lộ trước đó để tránh gây ra kiện cáo.

Theo Hoàng Nam

Trí thức trẻ/CafeBiz

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên