MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là lý do vì sao tiền dồn dập đổ vào "mỏ vàng" bất động sản nghỉ dưỡng

07-07-2016 - 16:03 PM | Bất động sản

Theo một nghiên cứu của CBRE Việt Nam, trong giai đoạn khá dài 2011-2014, thị trường BĐS nghỉ dưỡng gần như chững lại, không có giao dịch kể cả Đà Nẵng. Tuy nhiên, số liệu trong một năm trở lại đây cho thấy thị trường đã phục hồi rất tốt.

Chẳng hạn, số lượng giao dịch tại Đà Nẵng đạt gần 1.700 căn, gấp 10 lần số lượng của cả năm 2015. "Tương tự, tại thị trường Nha Trang, số lượng giao dịch tăng gấp 4 lần. Việc tăng trưởng ổn định về số lượng khách du lịch, cơ sở hạ tầng (đường bay, đường bộ) được mở rộng nâng cấp giúp chúng tôi có niềm tin vào triển vọng của các thị trường này", bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu thuộc CBRE Việt Nam, cho biết thêm.

Và con số này vẫn đang tiếp tục tăng mạnh, lan toả ra khắp các tỉnh - thành có lợi thế du lịch trong cả nước. "Du lịch và giải trí là phân khúc hấp dẫn. Theo chúng tôi đánh giá, phân khúc này sẽ trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản trong năm 2016", ông Trần Việt Hưng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Empire, dự báo.

Theo nhận định của ông Lê Minh Kha, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Ariyana, với nền kinh tế tăng trưởng ổn định từ 5% đến 6% như hiện nay khiến mức sống người dân ngày một nâng cao thì nhu cầu du lịch là tất yếu. Bất động sản là nguồn gốc chung của các ngành kinh tế khác và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng không nằm ngoài xu hướng đó - ở đâu có du lịch phát triển thì bất động sản du lịch nghỉ đưỡng ở đó có tiềm năng phát triển.

Trao đổi với chúng tôi về yếu tố quyết định thành công cho các dự án BĐS nghỉ dưỡng trong tương lai, bà Dung nhấn mạnh rằng tiềm năng cho thuê các dự án nghỉ dưỡng phụ thuộc vào tiềm năng du lịch.

Theo đó, kể từ khi sân bay quốc tế Phú Quốc được khai trương, Phú Quốc ngay lập tức trở thành một địa điểm du lịch biển cạnh tranh với hai thành phố biển Đà Nẵng và Nha Trang với số lượng khách nội địa và quốc tế tăng cao.

Việc mở thêm các đường bay mới, tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng và việc tham gia của một loạt các thương hiệu khách sạn lớn (InterContinental, Marriott, Novotel, Movenpick, Melia, v.v) sẽ là đòn bẩy thúc đẩy thị trường du lịch tại khu vực này trong những năm tới.

Còn theo ông Matthew Powell, Giám dốc Savills Việt Nam tại hà Nội, bất động sản nghỉ dưỡng là tâm điểm chú ý của khách hàng bởi xu hướng đầu tư mới 3 trong 1, đó là vừa sở hữu bất động sản, vừa có thể tận hưởng các dịch vụ du lịch và tham gia chương trình cho thuê gia tăng lợi nhuận.

Ngoài ra, theo bà Dung thì việc các chủ đầu tư cam kết tỷ suất lợi nhuận cho khách hàng khá cao, được tính toán dựa trên số tiền người mua phải bỏ ra cho một sản phẩm và số tiền thu về từ việc cho thuê sản phẩm đó trong một năm, cũng đang hấp dẫn các nhà đầu tư.

Đối với BĐS nghỉ dưỡng, các chủ đầu tư sẽ phải dựa trên công suất phòng và giá phòng của từng thị trường, từng phân khúc. "Để biết mức lợi nhuận đưa ra có khả thi hay không, chúng ta cần biết dự án đó nằm ở phân khúc nào, vị trí nào, có được quản lý tốt hay không, chất lượng ra sao, bởi những yếu tố này quyết định giá phòng và công suất phòng. Một vài bất động sản nghỉ dưỡng 4-5 sao, quản lý chuyên nghiệp và có vị trí tốt có thể đạt được mức lợi nhuận trên." bà Dung cho biết.

Chẳng hạn, một vài dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Nha Trang và Đà Nẵng hiện tại cam kết mức sinh lời khá cao, từ 8-10%/năm trong vòng 10 năm. Tại TP.HCM lợi nhuận cho thuê từ các dự án trung và cao cấp (chất lượng tốt, vị trí đẹp) dao động từ 5-7%.

"Vì vậy nếu chúng ta nhìn vào tỷ suất sinh lời thì có thể đã có câu trả lời. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nghiên cứu thêm dự án đó được đầu tư bởi chủ đầu tư nào, vị trí ra sao, lối tiếp cận trong hiện tại và tương lai thế nào, ai sẽ là người quản lý dự án khi đi vào hoạt động (đặc biệt đối với dự án bất động sản nghỉ dưỡng)", bà Dung nói.

Theo phân tích của G.S Đặng Hùng Võ thì nhiều kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ, gửi tiết kiệm...đều có mức lợi tức thấp. Còn rót vốn vào chứng khoán thì không phải ai cũng có thể đầu tư, đòi hỏi chuyên nghiệp. Còn với kênh đầu tư vào bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đang thể hiện khả năng sinh lợi cao và dễ đầu tư nhất.

Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng thật ra là một phân khúc có tính cạnh tranh cao tại Việt Nam nói riêng và các nước khác nói chung hiện nay. Để phát triển được sản phẩm nghỉ dưỡng thành công, các chủ đầu tư sẽ phải đưa ra câu trả lời cho bài toán kết hợp tất cả các yếu tố: chất lượng sản phẩm và dịch vụ đi kèm, thị trường du lịch tại đó và giá của sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng...

GS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường:

Theo số liệu khảo sát của nhiều doanh nghiệp tư vấn về bất động sản, nguồn cung bất động sản phục vụ du lịch còn đang rất thiếu. Vì vậy việc tăng cung cho khu vực này vẫn hợp lý và không thể gây ra khủng hoảng thừa cung trong giai đoạn trước mắt.

Trong bối cảnh của Việt Nam có tiềm năng du lịch lớn, chính sách phát triển du lịch của nhà nước đang tạo cơ hội để tăng cung cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cũng như du lịch giải trí ở mức cao hơn.

Nguyên Minh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên