Đây là nghịch lý khó tin về tỷ lệ thu chi ngân sách của Việt Nam và diễn ra suốt 10 năm qua
“Tỷ lệ thu ngân sách/GDP của Việt Nam liên tục suy giảm qua các năm. Nếu như giai đoạn 2006 – 2010 thu NSNN ước đạt 28,7% GDP thì đến năm 2016 chỉ còn 22,1%. Trong khi đó, tỷ trọng chi trên GDP lại cao nhất trong khu vực hơn 10 năm qua”, GS. TS. Trần Thọ Đạt và nhóm cộng sự ĐH Kinh tế Quốc dân chỉ ra trong báo cáo mới đây.
- 20-03-2017Bộ trưởng Bộ Tài chính: Nợ công tăng nhanh là đúng, lỗi trước tiên là tại điều hành
- 02-03-2017Nợ vay của DNNN không tính vào nợ công
- 02-02-2017HSBC: Nợ công tăng cao tạo sức ép thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa
- 31-01-2017Tỷ lệ nợ công sát trần, báo động với Việt Nam đang là màu gì?
Dẫn ra số liệu của Tổng cục Thống kê, nhóm nghiên cứu của GS. Trần Thọ Đạt cho biết tổng thu ngân sách tính đến thời điểm 15/12/2016 ước đạt 943,3 nghìn tỷ đồng, bằng 93% dự toán năm. Trong đó thu nội địa 744,9 nghìn tỷ đồng (94,9%) thu từ dầu thô 37,7 nghìn tỷ đồng (69,2%); thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 156,2 nghìn tỷ đồng (90,8%).
Thu nội địa tăng 13,4% còn các khoản thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu giảm mạnh, với mức giảm tương ứng 39,6% và 2,3% so với năm 2015.
Tuy nhiên, tỷ lệ thu ngân sách/GDP của Việt Nam đang liên tục suy giảm qua các năm. Nếu như giai đoạn 2006-2010, thu NSNN ước đạt 28,7% GDP thì giai đoạn 2011-2015 giảm chỉ còn 23,3%. Năm 2016, tỷ lệ ước tính chỉ còn 22,1%.
Nhóm nghiên cứu cho biết tỷ trọng tổng thu NSNN/GDP của Việt Nam đang ở mức trung bình trong khu vực nhưng đang ngày càng giảm dần, do: Kinh tế chưa thực sự khởi sắc; Cắt giảm thuế quan theo lộ trình tham gia các Hiệp định thương mại; Thu từ dầu thô suy giảm do giá dầu và sản lượng dầu suy giảm.
Trong khi đó, tổng chi ngân sách đến thời điểm 15/12/2016 ước đạt 1.135,5 nghìn tỷ đồng, bằng 89,2% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 190,5 nghìn tỷ đồng (74,7%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 786 nghìn tỷ đồng (95,4%); chi trả nợ và viện trợ đạt 150,3 nghìn tỷ đồng (96,9%). Tỷ trọng chi ngân sách/GDP vẫn duy trì ở mức cao.
“So sánh với các nước trong khu vực, tỷ trọng chi trên GDP của Việt Nam thuộc loại cao nhất trong hơn 10 năm qua. Cho đến năm 2016, tỷ trọng này vẫn ở mức trên 28% GDP”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Cụ thể, chi thường xuyên vẫn tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn (khoảng 70%), mức chi này đã lớn hơn mức thu từ thuế và phí.
Như vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng các biện pháp cải cách hành chính vẫn chưa phát huy tác dụng, hệ thống và cơ chế chi tiêu thường xuyên chưa có cải thiện tích cực và trong những năm tới khả năng giảm nhanh chi thường xuyên là không dễ dàng, gây ảnh hưởng lớn đến thâm hụt ngân sách và nợ công trong trung và dài hạn khi ngân sách có thể phải đi vay để chi thường xuyên chứ không phải để đầu tư phát triển.
Tỷ trọng chi đầu tư phát triển đã giảm mạnh từ 28,5% (giai đoạn 2001-2005), 24,4% (giai đoạn 2006-2010), 18% (giai đoạn 2011-2015) và chỉ còn 15,2% trong tổng chi ngân sách năm 2015.
Thâm hụt ngân sách lớn đã khiến nợ công năm 2016 chạm trần 65% GDP. Tỷ lệ này hiện cũng đang ở mức rất cao so với nhóm nước trong khu vực, đặc biệt là tăng rất nhanh so với các nước kể từ năm 2011.
Áp lực chi trả nợ công đang ngày càng gia tăng khi tỷ trọng chi trả nợ trung và dài hạn đã vượt ngưỡng 25% tổng thu ngân sách (năm 2016 ước đạt 26,3%).
Ngoài ra, rủi ro nợ công của Việt Nam còn nằm ở hai yếu tố gồm nợ công trên chưa tính đến nợ của khu vực DNNN trong khi khu vực này vẫn luôn nhận được ngân sách “mềm” từ Chính phủ và là nguồn tiềm ẩn đối với nợ công.
Trên thực tế, báo cáo của Chính phủ cho biết, tổng số nợ phải trả hợp nhất năm 2015 của riêng các Tập đoàn, TCT đã là 1.547.859 tỷ đồng, tương đương hơn 70 tỷ USD (chiếm khoảng 35% GDP). Như vậy, nếu tính cả nợ của DNNN, tỷ lệ nợ công đã vượt quá 100% GDP.
Tốc độ gia tăng nợ công nhanh trong khi triển vọng tăng trưởng kinh tế còn nhiều khó khăn phía trước, ngân sách trung hạn thiếu bền vững, tỉ trọng trả nợ vay trong tổng chi ngân sách đã vượt ngưỡng cho phép đang là nguy cơ lớn đến nền kinh tế.