MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đây là những "vũ khí" mà Tổng thống Mỹ nắm trong tay trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc

06-07-2018 - 15:04 PM | Tài chính quốc tế

So với các đời Tổng thống trước thường dùng WTO, ông Trump lại sử dụng một kho vũ khí rất khác và có tác động tức thì hơn nhiều, mà phần lớn trong số này được sử dụng với lý do an ninh quốc gia.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng nói rằng ông đang thực hiện sứ mệnh bảo vệ việc làm cho người Mỹ, cắt giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc và đáp trả lại cái mà ông gọi là hàng chục năm các doanh nghiệp Trung Quốc "đánh cắp" các tài sản sở hữu trí tuệ của nước Mỹ.

Công cụ thương mại mà các đời tổng thống trước đây thường sử dụng là đệ đơn lên Cơ quan giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO), nơi mà phải mất 3-4 năm thì các tranh chấp mới được giải quyết ổn thỏa. Đến lượt mình, Tổng thống Trump lại dùng đến một kho vũ khí rất khác và có tác động tức thì hơn nhiều, mà phần lớn trong số này được sử dụng với lý do an ninh quốc gia.

Mục 232 Đạo luật Thương mại mở rộng năm 1962 (Trade Expansion Act)

Mục này cho phép Tổng thống điều chỉnh lượng hàng nhập khẩu mà không cần quốc hội bỏ phiếu thông qua nếu Bộ Thương mại tìm thấy bằng chứng cho thấy hàng nhập khẩu đe dọa an ninh quốc gia. Sau khi Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, vốn trước đây là một nhà đầu tư có máu mặt trong ngành thép, tuyên bố rằng ngành thép của Mỹ đang đối mặt với một mối đe dọa như vậy, Tổng thống Trump đã đánh thuế 25% đối với các mặt hàng thép và 10% đối với các mặt hàng nhôm nhập khẩu. 

Luật pháp của nước Mỹ không định nghĩa thế nào là "an ninh quốc gia", vì vậy Tổng thống Trump khá tự do khi quyết định một mối đe dọa nào đó. Washington cũng cho biết đang điều tra các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia đến từ mặt hàng ô tô nhập khẩu.

Mục 301 Đạo luật Thương mại năm 1974

Điều luật này cho phép Đại diện thương mại Mỹ, một thành viên của Văn phòng điều hành của phủ Tổng thống Mỹ, xác định và trả đũa những hành vi thương mại không công bằng của các nước khác. 

Năm 2017, Tổng thống Trump đã yêu cầu Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer mở một cuộc điều tra theo mục 301 để xem liệu Trung Quốc có đang gây tổn hại cho sự phát triển công nghệ, đổi mới và quyền sở hữu trí tuệ của nước Mỹ hay không. Kết quả cuộc điều tra đánh giá này đã dẫn đến quyết định đánh thuế đối với lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD mà Washington vừa tuyên bố có hiệu lực từ ngày 6/7.

CFIUS, Ủy ban đầu tư nước ngoài tại Mỹ

Cơ quan này, đứng đầu là Bộ trưởng Tài chính Mỹ, sẽ đánh giá các thương vụ, trong đó các doanh nghiệp nước ngoài đề nghị mua lại các doanh nghiệp Mỹ để quyết định xem liệu các thương vụ này có đe dọa đến an ninh quốc gia hay không. 

Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, CFIUS đã chặn đứng nhiều thương vụ các doanh nghiệp Trung Quốc muốn "thâu tóm" các công ty công nghệ của Mỹ. Lệnh cấm của ông Trump đối với thương vụ Broadcom mua lại Qualcomm với giá 117 tỷ USD, mà nếu được thông qua sẽ trở thành thương vụ lớn nhất trong lịch sử của ngành công nghệ, cũng được đưa ra dựa trên những khuyến nghị từ CFIUS. 

Quốc hội Mỹ đang làm việc để thông qua điều luật cho phép mở rộng phạm vi các loại hình giao dịch được đánh giá bởi CFIUS để giải quyết những lo ngại về an ninh, bao gồm mua cổ phần thiểu số, thành lập công ty liên doanh và các thương vụ mua tài sản gần các căn cứ quân sự của Mỹ.

Mục 214 Đạo luật Truyền thông năm 1934

Cơ quan Thông tin và truyền thông quốc gia Mỹ (NTIA) trực thuộc Bộ Thương mại Mỹ đã khuyến cáo Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) nên bác đơn xin cung cấp các dịch vụ viễn thông giữa Mỹ và các nước khác mà China Mobile đã nộp hồi năm 2011. 

NTIA cho rằng sự góp mặt của China Mobile tại thị trường Mỹ sẽ "tạo ra những nguy cơ không thể chấp nhận được về hành pháp và an ninh quốc gia". NTIA đã yêu cầu FCC bác đơn của China Mobile theo mục 214, điều luật điều chỉnh sự gia nhập của các nhà mạng nước ngoài vào thị trường truyền thông Mỹ. Theo NTIA, Chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng các liên kết do China Mobile thiết lập để thực hiện hành vi gián điệp kinh tế và "đánh cắp" các tài sản sở hữu trí tuệ.

Đề xuất quy định về trợ cấp của FCC

FCC, cơ quan quản lý hoạt động truyền thông giữa các bang của Mỹ, đã đưa ra đề xuất ngăn chặn các doanh nghiệp nhận trợ cấp chi khoản tiền này với "các nhà cung cấp gây lo ngại về an ninh quốc gia". Các nhà cung cấp được nói đến ở đây hẳn là bao gồm các công ty Huawei và ZTE của Trung Quốc. Huawei đã phản đối đề xuất này, và các nhà mạng lớn của Mỹ, dẫn đầu là AT&T và Verizon cũng đã đề nghị FCC "chậm rãi" và tham vấn các cơ quan an ninh. Sau khi đưa ra đề xuất nói trên hồi tháng Tư, FCC đã tiếp nhận các ý kiến đóng góp và đã không vội lên kế hoạch cho một đợt bỏ phiếu thứ hai vốn cần thiết để có thể đưa đề xuất nói trên thành chính sách.

Lệnh cấm xuất khẩu

Bộ Thương Mại Mỹ đã cấm ZTE mua công nghệ của nước Mỹ trong bảy năm vì đã vi phạm các lệnh cấm vận đối với Iran và Triều Tiên, qua đó gần như làm thui chột khả năng hoạt động kinh doanh của công ty này. Tổng thống Trump xem trường hợp trừng phạt này như một "lá bài" để thương lượng trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc. 

Trong một động thái thể hiện sự ủng hộ đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Washington hồi tháng Sáu đã đạt được một thỏa tuận cho phép ZTE tiếp tục hoạt động kinh doanh sau khi công ty này chấp nhận nộp khoản tiền phạt cao kỷ lục và có những điều chỉnh trong đội ngũ điều hành. Tuy nhiên, việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm đối với ZTE vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Khánh Ly

Bloomberg

Trở lên trên