Đây là siêu thị trong mơ của tỷ phú Jack Ma: robot phục vụ, thanh toán bằng nhận diện khuôn mặt, mua hàng "sướng như vua"
Giao hàng trong vòng 30 phút nếu mua online, gợi ý món ăn phù hợp, chế biến trực tiếp tại siêu thị nếu người mua cần, mô hình bán hàng của Freeshippo đang là hình mẫu để nhiều đối thủ học theo tại Trung Quốc.
- 21-06-2021Giải tán chợ tự phát, hàng ở chợ và siêu thị bán chạy
- 01-06-2021Đơn hàng online ở các siêu thị tăng đột biến, shipper "chạy không kịp thở"
- 29-05-2021Chợ, siêu thị ở Sài Gòn đông kín người ngày cuối tuần
Cảnh tượng những chiếc túi mua sắm được treo trên băng chuyền tự động, chạy về nơi có sẵn các xe giao hàng là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Freshippo không phải là siêu thị bình thường.
Những người chọn hàng trong trang phục polo màu xanh nhạt tìm kiếm trên kệ hàng, quét mã vạch bằng điện thoại thông minh để định vị chính xác loại táo hay dầu mè hoặc gia vị phù hợp với đơn hàng trực tuyến. Sau khi tìm thấy, các mặt hàng được bỏ vào túi, móc vào hệ thống băng chuyền tự động, đưa lên và chuyển về phía sau cửa hàng, nơi có những chiếc xe giao hàng đang chờ đợi.
Hiện có khoảng hơn 200 siêu thị Freshippo như thế đang hoạt động tại Trung Quốc, đóng vai trò là siêu thị công nghệ cao. Các đơn hàng trực tuyến trong bán kính 3 km sẽ được giao trong vòng 30 phút kể từ thời điểm người mua nhấp vào nút "mua hàng".
Tất cả chúng đều thuộc sở hữu và điều hành bởi tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, như một phần trong kế hoạch mà họ gọi là "bán lẻ mới".
Với những người thích mua sắm tại cửa hàng, tất cả các mặt hàng bạn mong muốn cũng đều có sẵn. Nhặt một con tôm hùm, quét mã vạch và ứng dụng của siêu thị sẽ ngay lập tức cung cấp thông tin tóm tắt về nguồn gốc của nó, thậm chí cả chứng chỉ kỹ thuật số chứng minh nó được nuôi theo phương pháp hữu cơ.
Cũng chính ứng dụng đó sẽ hỏi bạn có muốn nấu món này ở nhà hàng trong cửa hàng hay không, nơi robot giao món ăn chờ sẵn và máy tính bảng được gắn cố định ở cuối mỗi bàn cho phép khách hàng xem phim hoặc chương trình truyền hình trong lúc chờ đợi. Hoặc nếu những người mua sắm thích nấu ăn ở nhà, ứng dụng sẽ gợi ý một chai rượu vang trắng ở vị trí nào đó (chẳng hạn, hàng 2, lối đi thứ 5) để kết hợp hoàn hảo với món hải sản. Khi rời đi, khách hàng có thể thanh toán tất cả bằng tính năng nhận diện khuôn mặt.
Khái niệm "bán lẻ mới" được Jack Ma - người đồng sáng lập Alibaba - đặt ra cách đây hơn 5 năm. Mặc dù kiểm soát khoảng 80% thị trường thương mại điện tử trị giá 3,5 nghìn tỷ USD của Trung Quốc, Alibaba vẫn muốn có được thị phần bán hàng tạp hoá lớn hơn.
Cửa hàng Freshippo đầu tiên được mở tại Thượng Hải vào năm 2016. Đến năm 2018, Alibaba có 64 cửa hàng tại 14 thành phố và tăng lên thành 246 cửa hàng vào cuối năm 2020. Chỉ 1 năm sau khi mở cửa hàng đầu tiên, doanh số bán hàng tạp hoá trực tuyến ở Trung Quốc đã tăng lên 32,5%, nhờ một phần không nhỏ vào mô hình này. Mỗi ngày, mỗi cửa hàng Freshippo xử lý "hàng chục nghìn" đơn hàng, theo Guo Xulin - Giám đốc nhân sự tại Freshippo. "Hơn 60% doanh số bán hàng của Freshippo đến từ đơn hàng trực tuyến".
"Tầm nhìn của chúng tôi không bao giờ là so sánh doanh số bán lẻ kỹ thuật số với bán offline mà là xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại trong tương lai, một cơ sở hạ tầng tích hợp trực tuyến và ngoại tuyến một cách liền mạch", ông này cho biết thêm.
Không chỉ với siêu thị, ông Xulin cho biết giải pháp này đã được đưa vào cửa hàng tiện lợi, các điểm ăn sáng và thậm chí cả trung tâm mua sắm. Tuy nhiên, Alibaba vẫn mang lại thay đổi nhiều nhất cho lĩnh vực tạp hoá. Đó là lý do tại sao nhiều đối thủ cạnh tranh đang chạy theo họ.
Cho đến cuối 2021, đối thủ JD có kế hoạch mở 49 siêu thị Seven Fresh hoạt động tại Trung Quốc. JD gọi đây là chiến lược "bán lẻ không giới hạn". Tất cả cửa hàng Seven Fresh đều trang bị công nghệ blockchain, cho phép các sản phẩm được truy xuất nguồn gốc thông qua chuỗi cung ứng. "nếu khách hàng quét mã QR trên một số sản phẩm, họ có thể thấy tất cả thông tin từ chăn nuôi đến vận chuyển", Helson Zheng – người đứng đầu Seven Fresh cho biết.
Tại một số cửa hàng, các xe đẩy hàng robot sẽ đi theo khách hàng và tự động quét mặt hàng khi chúng được đưa vào giỏ. Chiến lược hiện tại của JD là gửi thông báo hoặc tin nhắn SMS trên smartphone của hơn 400 triệu khách hàng khi họ vào cửa hàng. Họ có thể được giảm giá khi mua giấy vệ sinh số lượng lớn, hoặc gợi ý mua loại dao cạo râu mà họ đã mua từ 1 tháng trước (có thể sắp dùng hết).
Giống Freshippo, tất cả cửa hàng Seven Fresh đều cung cấp dịch vụ toàn diện. Zheng cho biết mỗi nhân viên có thể thực hiện hơn 120 đơn hàng mỗi ngày trong khi tốc độ bổ sung các kệ hàng cũng được cải thiện 30% nhờ công nghệ.
Cả Alibaba và JD đều nói rằng đại dịch là động lực lớn để họ thúc đẩy mô hình bán lẻ mới. Xulin cho biết tốc độ tăng trưởng tại các cửa hàng hoạt động trong thời gian hơn 1 năm đều đạt mức 2 con số.
Và đây chỉ là "món khai vị" cho những gì sẽ xảy ra, Jeffrey Towson – trưởng nhóm nghiên cứu tại Asia Tech Strategy cho biết. "Người tiêu dùng sau cùng sẽ không phân biệt được giữa trực tuyến và ngoại tuyến. Bạn sẽ đi bộ trên lối đi của siêu thị, trò chuyện với trợ lý AI trên điện thoại khi nó đề xuất các mặt hàng. Bạn sẽ nhận được đôi giày thể thao mà bạn đặt hàng online trước đó một ngày. Bạn xem bộ phim yêu thích khi họ nấu đồ ăn cho bạn tại cửa hàng".
"Các cửa hàng dạng này đang phát triển nhanh chóng", ông nói thêm. Mục tiêu số một của họ là chuyển đổi trải nghiệm dịch vụ khách hàng sao cho tất cả siêu thị hiện nay đều trở thành lỗi thời.