Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong trung hạn
Trong chiến lược thúc đẩy tiếp cận dịch vụ tài chính và phổ cập tài chính mà Chính phủ đề ra tại Quyết định 2545 về TTKDTM thì phấn đấu tới cuối năm 2020 có ít nhất 70% tỷ lệ người dân tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt. NHNN đang thực hiện các giải pháp để thúc đẩy số lượng người dùng được tiếp cận với tài khoản ngân hàng đến con số 70% này.
- 28-10-2020Thẻ ghi nợ CIMB Visa Debit ghi điểm với diện mạo mới cùng tính năng thanh toán chạm
- 27-10-2020Chuyển tiền ra nước ngoài thanh toán giao dịch vãng lai thế nào?
- 23-10-2020Động lực thúc đẩy thanh toán số tăng trưởng
Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là một trong những chủ trương quan trọng trong thúc đẩy Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Mục tiêu đề ra trong Chiến lược là phấn đấu tới năm 2025, ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; số lượng giao dịch TTKDTM đạt tốc độ tăng 20-25%/năm…
Tại cuộc họp Thường niên IMF và WB năm 2020, NHNN cho biết trong trung hạn, nằm trong những nội dung trọng tâm được cơ quan điều hành tập trung là đẩy mạnh TTKDTM, phát triển và nâng cao sức cạnh tranh của hệ thống các TCTD trong nước... Đây cũng là mục tiêu đặt ra tại Kế hoạch số 09/KH-NHNN của NHNN ban hành ngày 12/10/2020 góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh trong thời gian dịch bệnh
Để TTKDTM có thể góp phần hiện thực hoá chủ trương thúc đẩy tài chính toàn diện, lãnh đạo Vụ Thanh toán cho hay cần phải đồng thời triển khai tích cực cả 4 yếu tố: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán; xây dựng hạ tầng thanh toán; cung ứng sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện ích, thân thiện; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục tài chính toàn diện quốc gia.Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều nguy cơ đặt ra, nhưng cũng là cơ hội để thúc đẩy TTKDTM, hạn chế tiếp xúc.
Những tháng đầu năm 2020, doanh số thanh toán chi tiêu thẻ nội địa tại kênh thanh toán mới (mPOS, QR, Ecom) có tăng trưởng cao, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh số thanh toán Ecom thẻ nội địa tăng trưởng cao ở mức 81%. Đến nay, trên thị trường có 6 ngân hàng triển khai mPOS (bằng với năm 2018) và 11 ngân hàng triển khai QR (năm 2018 là 6 ngân hàng). Thông tin từ Vụ Thanh toán cho biết, đến cuối tháng 8/2020 có 75 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Số tài khoản cá nhân đạt 95,6 triệu. Tổng lượng thẻ lưu hành đạt 109 triệu thẻ. Mạng lưới ATM, POS phủ sóng đến tất cả địa bàn tỉnh trên cả nước với 19.541 ATM và 274.539 POS. Trong 8 tháng đầu năm 2020, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt 94,2 triệu món, giá trị đạt gần 67,5 triệu tỷ đồng…
Thời gian qua, hành lang pháp lý về TTKDTM đã được NHNN rà soát, bổ sung, hoàn thiện để thúc đẩy TTKDTM trong nền kinh tế. Theo đó, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị 22/CT-TTg ngày 26/5/2020 về đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển TTKDTM tại Việt Nam; hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về TTKDTM; ban hành Bộ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa và Bộ Tiêu chuẩn cơ sở Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam làm cơ sở để các TCTD, tổ chức trung gian thanh toán áp dụng thống nhất một tiêu chuẩn tại thị trường Việt Nam…
Một chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, TTKDTM sẽ khó có thể đạt tới những thay đổi đáng kể nếu như chỉ có sự nỗ lực của hệ thống các NHTM, mà bỏ qua vai trò và vị trí của các công ty Fintech hiện nay. Ông Varun Mittal - Phó Chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore, Giám đốc phụ trách tư vấn dịch vụ Fintech Công ty E&Y khu vực Đông Nam Á nhìn nhận, hiện có khoảng 85% nền kinh tế vẫn đang dùng tiền mặt. "Nếu mong muốn tạo phát triển đột phá thì phải đẩy mạnh sang thanh toán số, với các phương thức mới, mà hiện nay hình thức nở rộ là việc sử dụng ví điện tử", ông Varun Mittal cho hay. Số liệu của Vụ Thanh toán cho biết, hiện có 39 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trên thị trường, trong đó chiếm đa phần là cung ứng dịch vụ ví điện tử, ngoài ra là các dịch vụ cổng thanh toán điện tử, hỗ trợ thu hộ, chi hộ và cung cấp dịch vụ chuyển tiền điện tử.
Việt Nam có lợi thế cho các DN Fintech phát triển, đó là quy mô dân số với hơn 96 triệu dân, tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân hiện nay là 45,8 triệu, chiếm khoảng 63% dân số có tài khoản ngân hàng và tiếp cận với ít nhất một dịch vụ tài chính. Trong chiến lược thúc đẩy tiếp cận dịch vụ tài chính và phổ cập tài chính mà Chính phủ đề ra tại Quyết định 2545 về TTKDTM thì phấn đấu tới cuối năm 2020 có ít nhất 70% tỷ lệ người dân tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng. NHNN đang thực hiện các giải pháp để thúc đẩy số lượng người dùng được tiếp cận với tài khoản ngân hàng đến con số 70% này.
Theo nhìn nhận của một chuyên gia, 5 năm tới thị trường chắc chắn sẽ có những sự thanh lọc nhất định. Nhiều DN mới được thành lập nhưng cũng sẽ có một lượng các công ty Fintech sẽ phải rời bỏ thị trường. "Đây là quy luật thị trường, tuy nhiên nếu nhìn vào những diễn biến hiện nay thì chúng ta cũng kỳ vọng để sớm thôi Việt Nam sẽ có những DN "kỳ lân" (các DN được định giá trên 1 tỷ USD)", vị này kỳ vọng.
Quả vậy hiện có nhiều DN Fintech đã thu hút được vốn đầu tư tương đối từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Vì vậy hoàn toàn có quyền để hy vọng trong vòng 5 năm tới, các DN đã được rót vốn sẽ ngày càng có quy mô phát triển lớn hơn, và khi càng nhiều Fintech tham gia thị trường với độ phủ rộng thì sẽ tạo thêm đòn bẩy để TTKDTM thực sự có những tăng trưởng vượt bậc.
Thời báo ngân hàng