Đẩy mạnh tiêu thụ nguồn cung xăng dầu trong nước
Các doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp với diễn biến thị trường cũng như nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước.
- 24-04-2020Đề xuất nhập khẩu xăng dầu dự trữ, Bộ Công Thương, chuyên gia nói gì?
- 21-04-2020Giá dầu thế giới âm 40 USD/thùng, giá xăng trong nước có giảm mạnh?
- 20-04-2020Giá xăng, thịt heo và ẩn số lạm phát
Để đối phó với giá dầu giảm sâu trong bối cảnh dịch Covid-19, thời gian qua, Bộ Công Thương đã có các văn bản chỉ đạo ngành dầu khí rà soát tổng thể kế hoạch các lô dầu khí, các giếng khoan khai thác, xác định mức giá dầu khả thi để có các quyết sách tiếp tục thực hiện hay ngừng các giếng có sản lượng khai thác thấp trên cơ sở hiệu quả, bảo vệ tài nguyên, đảm bảo lợi ích nhà nước, lợi ích nhà đầu tư.
Hiện tại, Việt Nam có hai Nhà máy lọc dầu (NMLD) là NMLD Dung Quất và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, đáp ứng trên 80% nhu cầu xăng dầu trong nước. Thời gian vừa qua, do tác động kép của dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu, các NMLD trong nước gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Việt Sơn, Vụ trưởng Vụ Dầu khí than cho biết, để tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm của các NMLD trong nước cũng như khó khăn của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, cần thiết phải có giải pháp tổng thể trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và của người dân, đồng thời các giải pháp phải phù hợp với quy định hiện hành và các Thỏa thuận, Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Hiện tại, NMLD Dung Quất và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, đáp ứng trên 80% nhu cầu xăng dầu trong nước.
Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, phù hợp với tình hình diễn biến thị trường và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong nước bằng cách tiêu thụ tối đa lượng xăng, dầu sản xuất trong nước.Do đó, các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu cần nghiên cứu, thực hiện các giải pháp như: tối ưu hóa, tiết giảm chi phí vận hành; giảm giá thành sản phẩm; có cơ chế thanh toán linh hoạt; điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường (giảm công suất, điều chỉnh cơ cấu chủng loại sản phẩm Nhà máy lọc dầu); xuất khẩu sản phẩm trong nước không tiêu thụ hết,...
“Các cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu bằng việc ban hành các chính sách hỗ trợ về thuế, tiền tệ,... Đồng thời khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu ưu tiên tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, thay vì nhập khẩu và có chính sách bán hàng linh hoạt, giảm giá thành...”, ông Sơn chỉ rõ./.
VOV