Đẩy mạnh tín dụng để chống cho vay nặng lãi
Trong khi hoạt động cho vay lãi nặng được quảng cáo khá rầm rộ trên mạng internet; phát, dán, rải... tờ rơi cho vay ở nơi công cộng thì hoạt động cho vay tín chấp chính thống dành cho người lao động nghèo lại rất ít người biết đến. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tội phạm “tín dụng đen” vẫn còn đất sống. Đây là vấn đề cần đổi mới cách tuyên truyền mới đem lại hiệu quả trong phòng chống cho vay nặng lãi...
- 13-05-2020Đường ‘Nhuệ’ có thể bị điều tra về hành vi cho vay nặng lãi
- 10-05-2020Tiệm cầm đồ cho vay lãi nặng 1 năm thu bất chính tiền tỷ
- 27-04-2020Khởi tố đối tượng cho vay nặng lãi đến… 360%/năm
Sáng 24/5, PV Báo CAND ghi nhận trên một số tuyến đường ở phường Linh Xuân, quận Thủ Đức xuất hiện khá nhiều tờ rơi nằm rải rác trên mặt đường, nhất là ở các con hẻm đường số 8, số 10. Nội dung tờ rơi là "Cho vay tiền 077.66.46.8…". Theo một số người dân ở đường số 10, khi họ đi tập thể dục từ 5h sáng đã thấy có các tờ rơi này.
Cán bộ Công an xóa quảng cáo "tín dụng đen" tại chân cầu Nguyễn Tri Phương (quận 5, TP Hồ Chí Minh).
Theo hình ảnh camera của các hộ dân trong hẻm 39, vào khoảng gần 4h cùng ngày, có hai đối tượng đi xe gắn máy chạy với tốc độ khá cao đã quăng số tờ rơi này ở nhiều vị trí, mỗi nơi cách nhau chừng 200-300m, số lượng tờ rơi khoảng 30 tờ. "Trước đây ở khu vực này họ thường dán vào các cột điện, bức tường, còn rải tờ rơi xuống đường như thế này là lần đầu tiên", ông Tâm một người dân sống lâu năm ở hẻm 39, đường 10, khu phố 3, phường Linh Xuân cho biết.
Từ thông tin của tờ rơi, chúng tôi liên hệ qua số điện thoại 077.66.46.8… Nghe máy là người đàn ông nói giọng miền Bắc. Khi tôi hỏi vay 10 triệu đồng, người này "OK" ngay và đề nghị tôi chuẩn bị sẵn hộ khẩu, CMND và nhắn địa chỉ số nhà để cho người đến nhận giấy tờ để làm thủ tục vay. Hỏi lãi suất, anh ta thẳng thừng là 20%/tháng. Vay 10 triệu góp trong 30 ngày, mỗi ngày góp 400 ngàn đồng…
Bên cạnh phát, dán, rải tờ rơi, nhiều đối tượng cho vay nặng lãi còn nghĩ ra nhiều cách để tiếp cận "con mồi" khá hiệu quả là ghi thông tin cho vay vào các vật dụng như hộp đựng giấy, bình uống nước rồi đem tặng cho các quán cơm, quán ăn sáng bình dân ở các khu vực đông người.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các đối tượng "tín dụng đen" thay đổi phương thức quảng cáo xuất hiện từ sau khi Công an TP Hồ Chí Minh mở nhiều đợt cao tội phạm liên quan đến cho vay nặng lãi và ra quân tẩy xóa tờ rơi dán ở các nơi công cộng. Mặt khác, thời gian qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện việc xử lý hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông, cây xanh nơi công cộng trên địa bàn thành phố, nhất là quảng cáo rao vặt cho vay tiền, làm bẩn phố phường.
Trong đó, giao Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm cung cấp thông tin chủ thuê bao có số điện thoại quảng cáo rao vặt không đúng nơi quy định để các đơn vị có cơ sở xử phạt theo quy định. Từ đó, những kẻ cho vay nặng lãi nghĩ ra cách tiếp cận mới vừa để lách luật vừa "đi vào chiều sâu" hơn.
Thực tế cũng cho thấy rằng, tội phạm "tín dụng đen" vẫn còn xem thường pháp luật, chưa biết sợ sệt dù thời gian vừa qua Công an TP Hồ Chí Minh liên tục xóa sổ nhiều băng nhóm cho vay lãi nặng.
Nguyên nhân là do thu lợi từ cho vay nặng lãi là rất "khủng" nhưng mức án dành cho loại tội phạm này là còn khá nhẹ, chưa đủ sức để răn đe. Băng nhóm cho vay nặng lãi do Lê Đức Thành (SN 1995, quê Tuyên Quang) cầm đầu chỉ với vài chục triệu đồng vốn ban đầu, sau khoảng 11 tháng hoạt động, Thành đã thu về khoản lãi gần 450 triệu đồng.
Băng nhóm của Lê Anh Tuấn (SN 1978, quê Hà Nội) với số tiền vốn 100 triệu đồng, sau 4 tháng hoạt động, lãi mẹ đẻ lãi con, Tuấn thu về hơn 600 triệu đồng tiền lãi. Còn băng của Nguyễn Bá Mẽ (SN 1987, quê Bắc Giang) vừa bị bắt giữ, trong 8 tháng hoạt động có 159 lượt người vay nợ (vay ít nhất 10 triệu đồng, nhiều nhất 300 triệu đồng) băng nhóm này tổng số tiền khoảng 21 tỷ đồng. Với mức lãi suất từ 20-45%/tháng, Mẽ đã thu về hàng tỷ đồng tiền lãi.
Có một vấn đề khá nghịch lý đã và đang tồn tại, đó là trong khi kẻ cho vay lãi nặng luôn tìm mọi cách để tiếp cận người vay thì các địa chỉ cho vay tín chấp chính thống lại rất ít có thông tin đến người vay.
Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, để giúp người dân hạn chế tối đa trong việc tiếp tận nguồn vốn của "tín dụng đen", cách đây gần 2 năm, Ngân hàng Nhà nước đã nâng mức cho vay tối đa không tài sản bảo đảm lên đến 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn nông thôn.
Riêng đối với Ngân hàng Agribank có 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc, ngoài ra Agribank còn triển khai chương trình cho vay lưu động đến các vùng sâu, vùng xa tại tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo chỉ đạo các Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tài chính vi mô… đẩy mạnh cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn của người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng với mục đích góp phần đẩy lùi "tín dụng đen".
Gần 1.200 Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động ở 57 tỉnh, thành với tổng tài sản hơn 100.000 tỷ đồng cho vay không cần thế chấp, không cần chứng minh thu nhập nhưng phải là thành viên của quỹ. Thủ tục vay tín chấp từ 1-2 ngày, vay thế chấp khoảng 3 ngày là được giải ngân. Do vậy mà quỹ này rất phù hợp với người nghèo cần vốn kinh doanh buôn bán nhỏ, cần tiền gấp để chữa bệnh, đóng học phí cho con…
Cũng tương tự là Tổ chức tài chính vi mô CEP với hơn 50 chi nhánh ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành. Việc vay quỹ CEP khá đơn giản, nếu là công nhân thì chỉ cần được Công đoàn cơ sở giới thiệu là được xét duyệt cho vay. Còn người lao động tự do bên ngoài thì CEP sẽ phối họp cùng lập danh sách người cần vay và được xét duyệt theo từng đợt một.
Rất tiếc là khi PV Báo CAND thử làm một cuộc khảo sát mini, hỏi gần 20 người lao động nghèo ở cả nội, ngoại thành TP Hồ Chí Minh thì hầu như không ai biết về các địa chỉ vay vốn tín chấp này.
Tờ rơi tuyên truyền về "tín dụng đen" của chính quyền các cấp cũng chỉ nêu nội dung chính là thủ đoạn của đối tượng cho vay nặng lãi để người dân phòng ngừa. Trong khi đó cái mà người lao động nghèo muốn biết hơn đó là khi thật sự túng thiếu họ phải làm gì để vay được tiền tín chấp với mức lãi suất phù hợp thì lại không được đề cập đến.
"Thật ra, chuyện "dính" đến tín dụng đen dẫn đến tan nhà nát cửa thì ai cũng biết cả nhưng chẳng qua vì quá bí bách nên người ta mới làm liều rồi ra sao thì ra. Do vậy, cái mà người nghèo chúng tôi muốn biết là khi cần vay tín chấp gấp một số tiền thì chúng tôi đến đâu, thủ tục vay ra sao. Nên tôi nghĩ tuyên truyền về phòng ngừa tín dụng đen cần chỉ điểm cho chúng tôi biết nơi nào vay được tín chấp với lãi suất thấp mới là thiết thực", bà Nguyễn Thị Tâm, buôn bán nhỏ ở chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh) bộc bạch. Đó cũng là tâm tư của nhiều người lao động nghèo có nhu cầu vay vốn mà chúng tôi tiếp cận được.
Công an nhân dân