MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đẩy nhanh tiến độ Dự án sân bay Long Thành 16 tỷ USD: “Át chủ bài” nằm ở đâu?

29-03-2018 - 08:38 AM | Bất động sản

Một cuộc mổ xẻ nhằm tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án sân bay quốc tế Long Thành, một dự án trọng điểm quốc gia vừa diễn ra tại Tp.HCM.

Tại buổi hội thảo "Đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Long Thành" do báo Tiền phong tổ chức vừa diễn ra, các chuyên gia uy tín hàng đầu cùng với đại diện của các bộ, ngành liên quan đã có những đánh giá rất tốt về việc triển khai dự án sân bay Long Thành, tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đã vạch ra những thách thức không nhỏ nếu như thiếu những cơ chế đặc thù, giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình quan trọng này.

"Át chủ bài" nằm ở đâu?

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thanh có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành hàng không nói riêng và kinh tế xã hội của đất nước nói chung. Đây là dự án có quy mô rất lớn với tổng mức đầu tư lên tới 337 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 16 tỷ USD), trong đó giai đoạn 1 là 114 nghìn tỷ, diện tích đất phải thu hồi lên tới 5.000ha với tổng chi phí đền bù ước tính lên tới con số 23 nghìn tỷ (hơn 1 tỷ USD).

Chính vì thế, dự án này được Quốc hội, Chính phủ và người dân đặc biệt quan tâm. Việc triển khai dự án sân bay Long Thành như thế nào đang là đề tài được các chuyên gia, nhà khoa học rất quan tâm.

Chia sẻ tại buổi hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng việc giải phóng mặt bằng kết hợp cùng cơ chế sẽ là "át chủ bài" cho dự án sân bay Long Thành nhanh hay chậm. Và tất nhiên giải pháp về nguồn vốn cũng là vấn đề quan trọng được các chuyên gia đề cập đến. Mới đây, tỉnh Đồng Nai đã được Bộ Tài chính rót 4.500 tỷ đồng cũng là một tin vui để đẩy nhanh tiến độ dự án này.

Theo G.S Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, vấn đền GPMB mà có thể làm hài lòng tới hơn 4.800 hộ dân là điều không phải dễ. Theo lẽ thường thì nhà nước bồi thường bằng tiền nhưng cũng sẽ có nhiều người dân lại muốn nhận bằng đất. G.S Võ cho rằng hiện tổng diện tích đất thu hồi của dự án có tới 85% là đất nông nghiệp, do đó, cơ quan chức năng cần tính đến việc thay đổi phương án bồi thường giải phóng mặt bằng có tính đến việc bồi thường diện tích đất thu hồi bằng một diện tích đất khác (có thể không cùng loại đất) có giá trị tương xứng hoặc tính ra bồi thường bằng tiền làm hài lòng người dân. Việc này có nhiều khả năng sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ của dự án.

Đẩy nhanh tiến độ Dự án sân bay Long Thành 16 tỷ USD: “Át chủ bài” nằm ở đâu? - Ảnh 1.

Ông Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ngoài ra, G.S Võ cũng lưu ý tới việc học tập mô hình này ở các nước tiên tiến như Nhật hay Hàn Quốc đã áp dụng khá thành công. Nếu triển khai không tốt việc GPMB rất có thể dẫn đến chuyện dân khiếu kiện, khiếu nại làm chậm dự án mà chúng ta đã từng chứng kiến ở nhiều dự án rồi. Để làm tốt điều này ông Võ cũng nhắc tới việc cần phải sửa Luật đất đai hiện hành và cơ chế để phù hợp với thực tế.

Cũng theo G.S Võ, nhà nước xây dựng theo khung tái định cư ở huyện Long Thành hiện nay là khá tốt,  không có gì phức tạp.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT, dự án sân bay Long Thành có ý nghĩa rất quan trọng với ngành hàng không, bởi Việt Nam sẽ  là 1 trong 5 khu vực có tốc độ tăng trưởng  hàng không cao nhất trong một thập kỷ tới.

Vì thế, Quốc hội đã rất quan tâm, thực tế thực hiện GPMB đã được triển khai từ chủ trương đến chi tiết, được dành một nguồn vốn nhất định của nhà nước và Quốc hội đã thông qua. Hiện tại dự án đã có vốn sẵn sàng, dự kiến 23.000 tỉ.

Đẩy nhanh tiến độ Dự án sân bay Long Thành 16 tỷ USD: “Át chủ bài” nằm ở đâu? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng GTVT, ảnh: Tiền phong

Cơ chế sẽ quyết định dự án nhanh hay chậm

Ở một khía cạnh khác, khi mổ xẻ vấn đề tiến độ dự án này, ông Dương Trung Quốc - đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Nai thì cho rằng, cho dù dự án to hay nhỏ cũng sẽ được triển khai nhanh chóng nếu Chính phủ có cơ chế. Chẳng hạn như sân bay của một tập đoàn tư nhân, chỉ cần nhà nước có cơ chế thì làm được rất nhanh. Theo đánh giá của nhà sử học này thì tuy dự án còn nhiều khó khăn nhưng sẽ là cơ hội và triển vọng lâu dài cho người dân. Nên, việc xây dựng hệ thống pháp luật cần năng động hơn.

Và đương nhiên đó sẽ là các cơ chế chính sách về bồi thường và nguồn vốn, đó cũng là câu chuyện nhiều chuyên gia lo ngại. Nói như thứ trưởng Đông thì đó là thách thức cực kỳ lớn, trong đó việc giải phóng mặt bằng không phải lúc nào cũng là một công tác dễ dàng.

"Chúng ta sẽ phải trả lời câu hỏi về huy động nguồn lực từ vốn nhà nước, thành phần tư nhân tham gia. Giải quyết bài toán về cơ chế chính sách, lựa chọn nhà đầu tư. Thu hút nguồn vốn phải được thực hiện bằng nhiều hình thức, vốn trong nước hoặc là nguồn vay. Trong tình trạng trần nợ công như hiện nay thì việc vay vốn sẽ phải gặp những khó khăn nhất định.", ông Đông nhận định.

Bên cạnh đó, theo ông Đông các thủ tục hành chính như trình, duyệt của các cơ quan nhà nước vẫn còn tồn tại những khó khăn. Do đó, theo ông Đông, muốn đẩy nhanh tiế độ xây dựng dự án, cần sự quan tâm chia sẻ của các bộ, ngành, các cấp và toàn dân. Bộ GTVT luôn cầu thị lắng nghe ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học và người dân để hiện thực hóa dự án đúng tiến độ.

Bên cạnh những cơ chế chính sách bồi thường, nguồn vốn được nhiều chuyên gia bàn luận đến thì một giải pháp khác không kém đó là việc tái định cư và lo đào tạo nghề cho người dân sau di dời cũng rất cấp bách và quan trọng hơn bao giờ hết.

Đẩy nhanh tiến độ Dự án sân bay Long Thành 16 tỷ USD: “Át chủ bài” nằm ở đâu? - Ảnh 3.

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai phát biểu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Công lý

Tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Giám đốc sở Tài nguyên & Môi trường cho biết, điểm thuận lợi là tỉnh đã đa có chuẩn bị việc thực hiện dự án từ lâu (2005), người dân cũng đã biến đến dự án nên đã có tính toán của mình. Tuy nhiên, việc di dời ảnh hưởng đến khối lượng nhân khẩu rất lớn, nên tỉnh cần tập trung, chủ động, phối hợp chặt chẽ, tính toán kỹ khâu tái định cư.  Bên cạnh đó, chính quyền cũng cần quan tâm đến việc đào tạo nghề cho người dân sau khi họ di dời.

Cũng theo ông Hưng, việc ổn định công việc cho người dân, cũng là khó khăn thách thức rất lớn. Tuy nhiên Đồng Nai thấy đây là cơ hội để địa phương cố gắng thực hiện, thấy được tầm quan trọng để thúc đẩy sự phát triển.

Nhật Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên