ĐBQH: Cấp hàng nghìn hecta đất làm dự án du lịch tâm linh có cần thiết không?
Đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng Xây dựng về tính thoả đáng và hợp lý khi phân bổ hàng nghìn ha cho các dự án du lịch tâm linh, đồng thời chất vấn về khả năng quản lý, kiểm soát của cơ quan chức năng.
Phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội của Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà chiều 4/6 và 5/6 "nóng" với những câu hỏi của đại biểu liên quan đến việc cấp đất hàng nghìn ha cho dự án du lịch tâm linh kết hợp thương mại dịch vụ.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) đặt câu hỏi về tính cần thiết của việc hình thành các khu du lịch tâm linh và thương mại dịch vụ chiếm hàng nghìn ha đất.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết loại hình du lịch này đã được điều chỉnh tại Luật Đất đai, Luật Tôn giáo, Luật Bảo vệ môi trường... Hiện giấy phép xây dựng đã quy định cụ thể việc cải tạo, xây dựng các công trình loại này. Ngoài ra, xây dựng các khu du lịch tâm linh còn chịu sự quản lý của cơ quan tôn giáo địa phương.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà. Ảnh: VnExpress.
Bộ trưởng thừa nhận các quy định pháp luật đã có nhưng chưa nêu rõ nằm trong quy hoạch đô thị hay du lịch vì thế việc vận dụng ở địa phương chưa thống nhất, tuỳ tiện.
Từ đó, tư lệnh ngành xây dựng cam kết sẽ nghiên cứu, quy định rõ hơn về các dự án dạng này.Ông cũng cho biết cơ quan này sẽ ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn để phân biệt rõ đất dành cho tâm linh, đất cho du lịch... nhằm đảm bảo chặt chẽ sử dụng đất.
Sau phần trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) tiếp tục đặt vấn đề về về việc có trường hợp xây chùa chỉ vài trăm ha nhưng được cấp đất hàng nghìn, thậm chục nghìn ha và trở thành khu vực thuộc kiểm soát của chủ đầu tư. Đại biểu Nghĩa hỏi các cơ quan chức năng có kiểm soát, quản lý được không và cấp đất như vậy đúng Pháp luật không?
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Hà nói việc đầu tư xây khu du lịch, trong đó có du lịch tâm linh được điều chỉnh ở ở các pháp luật về đất đai, tín ngưỡng tôn giáo, di sản văn hoá, xây dựng, đầu tư, luật quy hoạch, pháp luật về bảo vệ môi trường và phát triển rừng.
Một số công cụ kiểm soát vấn đề này gồm: Luật Du lịch có quy định phải lập quy hoạch về du lịch ở từng địa phương, Luật Đất đai quy định UBND cấp tỉnh phải căn cứ vào chính sách, tôn giáo của Nhà nước quy hoạch kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt để quyết định diện tích đất giao cho cơ sở tôn giáo, Luật Tín ngưỡng tôn giáo quy định việc cải tạo nâng cấp, xây dựng mới cơ sở tôn giáo công trình tín ngưỡng phải được thực hiện quy định theo cơ sở pháp luật về xây dựng.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM).Ảnh: Quochoi.vn.
Pháp luật về xây dựng thì quy định khu chức năng, trong đó có khu du lịch phải lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đối với các khu có diện tích từ 500 ha trở lên. Công trình tôn giáo thuộc loại công trình phải cấp phép xây dựng và trong hồ sơ cấp phép xây dựng phải có bản sao giấy tờ quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, bản sao quyết định xây dựng dự án, quyết định đầu tư, quy mô công trình...
"Như vậy nếu các địa phương thực hiện đúng, đủ quy định trên thì sẽ đảm bảo việc xây dựng khu lịch du lịch tâm linh, tránh các hiện tượng như đại biểu nêu", ông Hà nói.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết sẽ bổ sung quy chuẩn để việc quy hoạch hợp lý trong quy hoạch các khu du lịch.
Sau phần trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết cử tri và báo chí nêu sự nhập nhằng giữa dự án tâm linh và du lịch. "Có những bài báo nêu nghèo thì không đi chùa được đâu, bởi vì rất nhiều khâu dịch vụ phải đóng tiền", đại biểu nói.
Ông cũng đặt câu hỏi về tính hợp lý của việc phân bổ đất đai cho các dự án du lịch tâm linh. Cụ thể, việc đầu tư công được quản lý rất chặt, Điều 30 của Luật Đầu tư công quy định rất rõ về quản lý đất rừng phòng hộ 30 ha trở lên, di dân từ 20.000 người trở lên… trong khi lại phân bổ cả 1.000 ha đất cho các dự án tâm linh.
Đại biểu Phạm Văn Hoà nói thêm ông đồng tình với ý kiến của ông Nghĩa. Việt Nam có nên quy hoạch cả nghìn ha cho du lịch tâm linh kết hợp nghỉ dưỡng không, trong khi chúng ta thiếu đất sản xuất, ông nêu, và bổ sung câu hỏi: “Trên thế giới có nước nào như vậy không?”, đề nghị được Bộ trưởng trả lời.
Vì hết thời gian chất vấn, phần trả lời bổ sung của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà được yêu cầu gửi cho đại biểu qua văn bản.
Người đồng hành