MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐBQH: Chỉ rõ ngân hàng nào nợ xấu cao nhất, xử nghiêm lãnh đạo gây nợ xấu

07-06-2017 - 19:08 PM | Tài chính - ngân hàng

ĐBQH kiến nghị cần chỉ rõ tổ chức tín dụng nào có tỷ lệ nợ xấu cao nhất, đánh giá xếp theo thứ tự để có giải pháp phù hợp. Đồng thời làm rõ trách nhiệm chủ quan trong từng giai đoạn của các lãnh đạo, cá nhân.

Cần làm rõ ngân hàng nào gây ra nợ xấu lớn nhất

Sáng 07/06, thảo luận tại Quốc hội về dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD), đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho biết: “Các TCTD đang phải hạ mình đòi nợ, nhất là những khoản nợ khủng, cực xấu từ trước đó để lại. Tuy đã có kết quả nhất định song tình hình nợ xấu của các tổ chức tín dụng vẫn là cục máu đông gây ách tắc nền kinh tế, chậm bị xử lý ảnh hưởng đến nguồn vốn, doanh nghiệp khó vay, khó trả lãi suất ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng và cơ hội phát triển của các doanh nghiệp”.

Theo ông Đinh Duy Vượt, hiện nay vốn của các doanh nghiệp đều dựa vào ngân hàng là chính, vì vậy việc xử lý nợ xấu là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp thiết, rất khó khăn song không thể kéo dài, không thể gói lại cho tương lai.


ĐBQH Đinh Duy Vượt, đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai.

ĐBQH Đinh Duy Vượt, đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai.

“Tôi hiểu nợ xấu này không phải hoàn toàn là lỗi từ các TCTD và đương nhiên Nhà nước không có trách nhiệm xử lý hết nợ xấu cho ngân hàng. Nhưng thực tế sự quan tâm của toàn xã hội đối với các vụ đại án nghìn tỷ đưa ra xét xử lộ rõ các quan chức thuộc các TCTD gây ra nợ xấu. Còn không ít vụ tương tự chưa bị lộ và mối liên hệ với các dự án nghìn tỷ đang đắp chiếu gây xót xa trong dư luận”.

Đại biểu Đinh Duy Vượt kiến nghị cần chỉ rõ tổ chức tín dụng nào có tỷ lệ nợ xấu cao nhất, đánh giá xếp theo thứ tự để có giải pháp phù hợp. Đồng thời làm rõ trách nhiệm chủ quan trong từng giai đoạn của các lãnh đạo, cá nhân.

“Nếu không làm rõ trách nhiệm từng giai đoạn, vô hình trung đã tạo điều kiện để phủi, đùn đẩy trách nhiệm và miễn trừ trách nhiệm, thậm chí bỏ lọt tội phạm trong lĩnh vực này, tạo ra tiền đề xấu”.

Về quy định tổ chức mua bán nợ xấu được bán nợ xấu cho các tổ chức cá nhân gồm cả cá nhân tổ chức không có chức năng mua bán nợ, ĐB Vượt cho rằng quy định này cần cân nhắc bởi dễ nảy sinh băng nhóm tội phạm, xã hội đen núp bóng doanh nghiệp cá nhân mua nợ, gây ra bất ổn trật tự xã hội. Bên cạnh đó, cần quy định rõ hơn tránh việc mua bán lòng vòng, lợi ích nhóm. Thậm chí. với quy định về chế tài trong thu giữ tài sản đảm bảo, đây là việc rất khó khăn vất vả, hậu quả pháp lý khó lường nên cần quy định chi tiết lực lượng công an tham gia phải đảm bảo thực thi đúng quy định của pháp luật.

Nợ xấu đã không còn là của riêng ngân hàng

Theo ĐB Phạm Phú Quốc (TP.HCM), thị trường mua bán nợ xấu không chỉ dành cho các TCTD mà dành cho các thành phần kinh tế khác. Vấn đề là phải tạo được thị trường mua bán nợ với sự tham gia của các thành phần kinh tế và người dân.

Nếu tài sản đảm bảo là BĐS, các doanh nghiệp BĐS và người dân sẽ quan tâm; nếu tài sản là ô tô, các DN kinh doanh ô tô, taxi và người dân sẽ quan tâm.

ĐBQH Phạm Phú Quốc cho rằng không thể dùng ngân sách để xử lý nợ xấu và phải để thị trường quyết định. Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc, sau khi phân loại nợ xấu, Chính phủ Hàn Quốc sẽ phát hành trái phiếu và được đảm bảo bởi tài sản đảm bảo, từ đó thu hút vốn của xã hội tham gia xử lý nợ xấu.

Đại biểu Nguyễn Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) cho rằng vấn đề nợ xấu đã không còn là của riêng ngành ngân hàng, mà là vấn đề của cả nền kinh tế. Để giải quyết cần có sự tham gia của cả khách hàng, cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, ông Nguyễn Sơn cho rằng chỉ nên tập trung xử lý nợ nhóm 4 và nhóm 5, để tránh việc các TCTD lợi dụng Nghị quyết này.

Đồng thời với xử lý nợ xấu, Chính phủ cần xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu sao cho công khai minh bạch. Việc mua bán nợ xấu cũng phải công khai minh bạch theo đúng tinh thần của Nghị quyết.


ĐBQH Nguyễn Sơn, đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh.

ĐBQH Nguyễn Sơn, đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh.

Để tạo sự đồng thuận trong xã hội cũng như tính khả thi của Nghị quyết, còn rất nhiều vấn đề và Quốc hội còn tiếp tục phải điều chỉnh nội dung Nghị quyết. Theo ĐB Vũ Thị Lưu Mai (TP. Hà Nội), cơ quan soạn thảo cần có đánh giá tác động của Nghị quyết này đối với đời sống xã hội. Vì để xử lý nợ xấu, bên cạnh biện pháp kinh tế còn có những chế tài thu giữ tài sản, cưỡng chế, kê biên tài sản, sẽ tác động đến bộ phận không nhỏ người dân.

“Chúng ta nên hình dung những khó khăn trước mắt để có biện pháp thực hiện,” ĐB Vũ Thị Lưu Mai nói. “Nghị quyết cũng chưa thể hiện rõ cơ chế thị trường trong xử lý nợ xấu, chưa thể hiện rõ về cơ chế đấu giá tài sản, chưa cụ thể hóa cơ chế thỏa thuận giữa các bên liên quan trong thực hiện thu giữ tài sản, định giá tài sản, cơ chế giải quyết tranh chấp”.

Bà Mai cho rằng cần bổ sung dự thảo Nghị quyết những quy định liên quan đến thanh tra, kiểm tra và trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện Nghị quyết này. Đồng thời cần có công cụ pháp lý ổn định để ngăn chặn và xử lý nợ xấu trong tương lai. Đi đôi với xử lý nợ xấu cũng cần có biện pháp xử lý nợ xấu phát sinh.


ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung, đoàn ĐBQH tỉnh Long An.

ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung, đoàn ĐBQH tỉnh Long An.

Mặc dù xử lý nợ xấu cần phải có một cơ chế đặc thù, nhưng theo đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An), quy định về “cơ chế đặc thù” phải đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và khả thi. Quy định về quyền thu giữ tài sản đảm bảo được quy định tại Điều 7 của dự thảo chỉ phù hợp và khả thi khi người thế chấp tài sản bảo đảm tại các TCTD đồng ý cho các tổ chức tín dụng thu giữ tài sản bảo đảm.

“Nhưng trong trường hợp họ không đồng ý, dù trước đó họ có thỏa thuận đồng ý cho các TCTD tự lưu giữ tài sản bảo đảm, thì việc các TCTD đơn phương tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm sẽ phát sinh một số vấn đề sau: Về tính hợp hiến, hiến pháp năm 2013 tại Điều 22 quy định công dân có quyền có nơi ở hợp pháp, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý” đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nêu ý kiến.

Theo Nguyễn Tuân

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên