MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐBQH đề nghị sớm thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) vào năm 2022

21-07-2021 - 15:36 PM | Xã hội

Ảnh: Quochoi.vn

Ảnh: Quochoi.vn

Các ĐBQH đồng tình với nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thông qua Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) theo quy trình 3 kỳ họp nhưng đề nghị bắt đầu sớm hơn để có thể thông qua vào kỳ họp thứ 4, diễn ra vào cuối năm 2022 so với kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2023 như đề nghị của UBTVQH.

Trong tờ trình trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật phức tạp với nội dung tác động lớn đến xã hội nên cần thời gian thảo luận và nghiên cứu kỹ lưỡng. UBTVQH đề xuất thông qua luật vào năm 2023 theo quy trình 3 kỳ họp.

Trong tờ trình tóm tắt về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, UBTVQH dự kiến đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) để thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

"Trong quá trình chuẩn bị, nếu chất lượng dự án tốt và tiến độ chuẩn bị nhanh hơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét đẩy nhanh tiến độ thông qua theo quy trình tại hai kỳ họp", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đọc báo cáo tóm tắt trước Quốc hội chiều 21/7.

Trước tính cấp thiết của việc sửa đổi Luật Đất đai, Chính phủ đề nghị đề nghị đưa dự án luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022). Dự án Luật sẽ sửa đổi 11 nhóm chính sách.

11 nhóm chính sách được đề nghị sửa đổi, bổ sung gồm:

Làm rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai; phân cấp phân quyền và cải cách thủ tục hành chính;

Phân loại đất theo mục đích sử dụng, theo không gian và chức năng sử dụng đất;

Hoàn thiện quy định về các đối tượng sử dụng đất để đảm bảo đồng bộ thống nhất với các pháp luật khác có liên quan;

Nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảo vệ, cải tạo, nâng cao chất lượng đất đai;

Thu hồi đất để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế- xã hội của đất nước;

Hoàn thiện chính sách chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác;

Về kinh tế đất đai; giá đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;

Đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai;

Quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhằm khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn;

Hoàn thiện quy định về quyền của người sử dụng đất và chế độ sử dụng các loại đất;

Hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai.

Về kế hoạch thông Luật Đất đai (sửa đổi), rất nhiều đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến. ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé đoàn Kiên Giang cho rằng Luật Đất đai (sửa đổi) đã được đưa vào chương trình nhiều năm trước nhưng nhiều lần được xin lùi thời gian để nghiên cứu thêm. Bà Bé nhấn mạnh Luật Đất đai (sửa đổi) đã rất cần được thông qua và kiến nghị Quốc hội đưa ngay vào thảo luận ở kỳ họp thứ 2 vào cuối năm 2021.

Đại biểu Lê Xuân Thân đoàn Khánh Hòa thống nhất với tờ trình của UBTVQH về việc thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) theo quy trình 3 kỳ họp. Tuy nhiên, ông Thân tập trung vào đề xuất mở của UBTVQH về việc thông qua dự án luật sớm hơn nếu nó được chuẩn bị tốt. Vị ĐBQH đoàn Khánh Hòa đề nghị nên đặt mục tiêu thông qua dự án luật quan trọng này vào năm 2022 nhằm thể hiện quyết tâm của Chính phủ, Quốc hội trong hoạt động xây dựng pháp luật.

Bấm nút tranh luận, ĐBQH Nguyên Văn Thân đoàn Thái Bình cho biết bất động sản để ở đang sốt, nóng ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, những vướng mắc về Luật Đất đai có thể gây ra nhiều hệ lụy. Theo ông Thân, việc kéo dài thời gian thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) có thể khiến hàng trăm nghìn tỷ đồng ứ đọng, gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Ông Thân đề nghị Quốc hội sớm thông qua hoặc ban hành Nghị quyết để giải tỏa vướng mắc.

Linh Anh

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên