ĐBQH đề nghị tiếp tục xác minh tài sản ông Phạm Sỹ Quý
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng cần tiếp tục xác minh làm rõ khối tài sản của ông Phạm Sỹ Quý.
- 28-10-2017Chủ tịch Yên Bái: Ông Phạm Sỹ Quý chủ động xin thôi chức vụ Giám đốc Sở
- 27-10-2017Ông Phạm Sỹ Quý bị mất chức Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái
- 24-10-20179 phát ngôn của ông Phạm Sỹ Quý về "biệt phủ" trước khi có kết luận thanh tra
Vừa qua, dư luận và các chuyên gia vẫn băn khoăn về hình thức kỷ luật đối với ông Phạm Sỹ Quý (Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái) mà UBND tỉnh Yên Bái công bố mới đây.
Trả lời báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã bình luận về hình thức kỷ luật đối với Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái với ông Phạm Sỹ Quý.
- Ông đánh giá thế nào về việc ông Phạm Sỹ Quý đã bị kỷ luật cảnh cáo, cho thôi chức Giám đốc Sở TN&MT và điều động, nhận nhiệm vụ làm Phó Văn phòng HĐND tỉnh?
Kỷ luật Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái: Chuyên gia chỉ ra nhiều điểm không bình thường
Việc chuyển công tác của ông Quý theo luật là đúng và chưa có vấn đề gì, còn cần tiếp tục xác minh khối tài sản của ông Phạm Sỹ Quý để xem việc kê khai không trung thực chỉ dừng ở không trung thực hay tài sản là bất hợp pháp.
Nếu thực sự có dấu hiệu vi phạm, theo quy định của pháp luật về cán bộ công chức có thể sẽ có hình thức xử lý ở mức độ nghiêm khắc hơn và có thể thay đổi hình thức điều chuyển công tác như hiện nay.
- Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, ông Phạm Sỹ Quý có 3 lần kê khai không trung thực, trong đó quên kê khai những tài sản có giá trị lớn, theo ông làm sao xác minh được nguồn gốc tài sản?
Đúng là vấn đề xác minh tài sản, thu nhập ở nước ta đang gặp khó khăn và chưa kiểm soát được nguồn thu – đầu vào, kiểm soát được nguồn chi – đầu ra. Đây là một trong những điểm vướng không chỉ vụ việc Yên Bái mà cả ở các vụ tham nhũng khác.
Việc xác minh tài sản để tiến hành xử lý cũng như tịch thu tài sản trong thời gian qua chưa làm tốt. Vì vậy, tại kỳ họp này và tiếp theo, Quốc hội sẽ tìm ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc.
Một trong những giải pháp quan trọng nhất là sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng và trong sửa đổi, một trong những biện pháp là sẽ đẩy mạnh thanh toán qua tài khoản.
Tất cả nguồn thu, nguồn chi, đầu vào, đầu ra đều được kiểm soát qua tài khoản thì có thể xác minh được những tài sản tạm gọi là bất hợp pháp. Từ đó, có cơ sở, căn cứ và dễ dàng xác định được trách nhiệm kỷ luật, thậm chí trách nhiệm hình sự đối với khối tài sản bất hợp pháp.
Video: Thanh tra Chính phủ chỉ rõ hàng loạt sai phạm của ông Phạm Sỹ Quý
- Để xác minh được nguồn gốc tài sản của ông Phạm Sỹ Quý, có nên chuyển cơ quan điều tra hay lại tiếp tục thanh tra làm rõ không, thưa ông?
Hiện nay, chúng ta chưa có căn cứ cụ thể khẳng định tài sản có bất hợp pháp không. Để có căn cứ chuyển cơ quan điều tra thì phải có dấu hiệu tội phạm.
Như tôi nói, vướng nhất hiện nay là xác minh nguồn gốc tài sản có bất hợp pháp không. Nếu chúng ta không trả lời được câu hỏi này thì không có dấu hiệu để tiến hành thủ tục tố tụng hình sự, điều tra.
Với vụ này, tôi tin với sự chỉ đạo của Trung ương, sự quyết liệt của địa phương sẽ xác minh được nguồn gốc tài sản.
- Nhưng dư luận cũng có băn khoăn khi ông Phạm Sỹ Quý được chuyển sang làm Phó Văn phòng HĐND tỉnh, trong khi chị gái ông Quý là bà Phạm Thị Thanh Trà đang là Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh?
Đây là một vấn đề mà dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi có sự thay đổi theo hướng các vị trí nào có nguy cơ tham nhũng cao thì sẽ không cho phép những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống gia đình thực hiện và đảm nhiệm.
Chúng ta có thể cân nhắc về vị trí nếu chị làm Chủ tịch HĐND, em là Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh thì có nguy cơ gây ra tham nhũng không.
Nếu không có nguy cơ tham nhũng cao thì không có ảnh hưởng hay sai phạm so với quy định của pháp luật.
Xin cảm ơn ông!
VTC news